Tự hào và xúc động

09:06, 13/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau nhiều năm tâm huyết, ấp ủ, công trình nghiên cứu, biên soạn “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi 1930-2010” cũng đã đến hồi ra mắt. Tự hào và xúc động là tâm trạng của nhiều nhà báo, nhất là các nhà báo trẻ khi biết rõ hơn về lịch sử báo chí cách mạng của tỉnh.

TIN LIÊN QUAN

Lật giở từng trang trong cuốn “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi 1930-2010”, biết rõ từ những bước đi đầu tiên của nền báo chí cách mạng tỉnh nhà, chúng tôi càng thêm trân trọng con đường kế tục sự nghiệp của các thế hệ nhà báo tiền bối. Xuyên suốt trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, các thế hệ nhà báo với cái tâm trong sáng và ngòi bút sắc bén, vẫn luôn tiên phong trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, sát cánh cùng với Đảng, với Nhân dân.  

Phóng viên tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Ba Tơ.                         Ảnh: X.THIÊN
Phóng viên tác nghiệp tại lễ kỷ niệm 70 năm Khởi nghĩa Ba Tơ. Ảnh: X.THIÊN


Tôi và cũng như nhiều nhà báo trẻ từng được các thế hệ nhà báo đàn anh kể cho nghe về những năm tháng tác nghiệp trong kháng chiến. Thế nhưng những câu chuyện ấy chỉ ở mức độ “góp nhặt”, dẫu rằng mỗi chúng tôi gìn giữ thông tin của lịch sử như một tài sản quý. Giờ đây qua công trình nghiên cứu, biên soạn “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi 1930-2010”, mỗi nhà báo đã có thể hiểu biết đầy đủ hơn từng giai đoạn phát triển của báo chí cách mạng ở Quảng Ngãi gắn liền với lịch sử đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh.

Điều đáng tự hào là báo chí cách mạng ở Quảng Ngãi xuất hiện từ rất sớm (năm 1927), chỉ sau 2 năm khi báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập (21.6.1925). Tờ báo cách mạng đầu tiên, có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp báo chí của Quảng Ngãi cũng như góp phần quan trọng dấy lên phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh, đó là báo Dân Cày-cơ quan tuyên truyền của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh. Cơ quan ấn loạt đặt tại nhà của đồng chí Nguyễn Nghiêm ở Tân Hội (xã Phổ Phong, huyện Đức Phổ), báo in đông sương.

Qua báo Dân Cày, chủ nghĩa Mác-Lênin, bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc được truyền bá vào Quảng Ngãi một cách sâu rộng, thanh niên, học sinh và quần chúng yêu nước được tiếp nguồn sức mạnh để đấu tranh vì chân lý. Tháng 3.1930, khi Đảng bộ được thành lập, Dân Cày trở thành cơ quan tuyên truyền chính thức của Đảng bộ. Tiếp đó, các báo Bạn Gái, Tiến Lên, tạp chí Cộng sản, Cờ Đỏ, Dân Nghèo, tạp chí Đỏ, Chơn Độc Lập, Xung Phong... đã góp phần dấy lên khí thế cách mạng sôi nổi trong quần chúng, đỉnh cao là cao trào kháng Nhật cứu nước, tiến tới khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, đưa Quảng Ngãi trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm trong cả nước.

Trong kháng chiến chống Pháp, Quảng Ngãi có các báo: Kháng Chiến, Tiền Phong, Tin Tức, tin Quảng Ngãi. Thời kháng chiến chống Mỹ có báo Hòa Bình, Đoàn Kết, Thống Nhất, Cờ Giải Phóng, Giải Phóng, Chiến Đấu, Cờ Hồng, Vùng Lên… Chiến tranh ở Quảng Ngãi diễn ra vô cùng ác liệt, dẫu thế các nhà báo vẫn có mặt ở khắp các chiến trường. Hoạt động báo chí ngày ấy thiếu thốn, khó khăn chẳng kể xiết. Cơ quan in ấn phải thường xuyên chuyển địa điểm vì địch càn quét, lùng sục. Năm 1959, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa-cán bộ lãnh đạo của tỉnh (sau là Bí thư Tỉnh ủy) đang công tác ở Hà Nội, trước khi về miền Nam, đồng chí đã đến Nhà máy in Tiến Bộ xin máy in báo cho tỉnh. Suốt 5 tháng vượt Trường Sơn, đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa mới đưa máy in về đến Quảng Ngãi. Báo in typo là bước ngoặt mang tính lịch sử của báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Ngày ấy, báo in xong được xếp gói thành từng bó, bao bọc bằng nhiều lớp lá dong, quấn cột bằng dây trân như kiểu gói bánh chưng. Những tờ báo Đảng bộ tỉnh đến tay quần chúng cách mạng thì vui sướng không gì bằng.

Giữa năm 1974, để phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở vùng giải phóng và đấu tranh chính trị với địch, Tỉnh ủy quyết định thành lập Đài Phát thanh giải phóng Quảng Ngãi, đặt tại Hố Chình, thôn Phú Khương, xã Hành Tín, huyện Nghĩa Hành. Chương trình đầu tiên phát sóng lúc 5 giờ sáng ngày 20.12.1974. Hoạt động của Đài phát thanh giải phóng Quảng Ngãi khiến quân địch tức tối, chúng cho máy bay trinh sát, nã đạn rốc-két, ném bom các sườn núi-nơi có tiếng loa phát ra. Sau mỗi trận bom cán bộ Đài lại phân công nhau lần theo đường dây, nối lại những chỗ bị đứt để đảm bảo các buổi phát thanh được liên tục. Thế đấy, đạn bom của kẻ thù không ngăn nổi bước chân của các nhà báo cách mạng.

Từ những bước đi chập chững ban đầu, báo chí cách mạng Quảng Ngãi ngày nay trên đà phát triển vượt bậc. Và, trên con đường đã lựa chọn, tình yêu đối với Đảng, với nhân dân và ngọn lửa đam mê vẫn rực cháy trong tim của các thế hệ nhà báo.

Công trình nghiên cứu, biên soạn “Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi 1930-2010” đã thỏa lòng mong đợi của các thế hệ nhà báo trên địa bàn tỉnh. Đây là tài sản quý, là niềm tự hào của những người làm báo xứ Quảng.

PHƯƠNG LÝ
 


.