Phía sau những trang viết

05:06, 19/06/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nghề báo cho ta những trải nghiệm rất thú vị, vui nhiều mà buồn cũng không ít. Chỉ có niềm đam mê, dấn thân mới giúp nhiều phóng viên, nhà báo trụ được với nghề. Đằng sau những trang viết là nhiều câu chuyện được họ lưu giữ với bao kỷ niệm.

Chuyến đi để đời

Đã hơn 7 năm trôi qua, nhưng nỗi nhớ miên man vẫn vây kín tâm hồn nhà báo Tấn An (công tác tại Đài PT-TH tỉnh) khi nhắc đến hai chữ “Trường Sa”. Mùa hè 7 năm trước, anh được đến với Trường Sa – quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc  sừng sững giữa trùng dương. Trong trí nhớ của anh, Trường Sa Lớn trưa hè lộng gió mang nhiều dấu ấn của làng quê Việt Nam, như tiếng đàn gà cục tác cục ta, tiếng cá trê đớp mồi gợn sóng, giàn bầu đơm hoa, rau muống xanh mơn mởn…Chiều về, nắng tỏa mênh mang, tiếng con trẻ í ới nô đùa dưới tán bàng vuông xanh thẳm, sân bóng chuyền tràn ngập tiếng hò reo. Sáng tinh mơ, cánh đàn ông gọi nhau ra biển. Phía đảo chìm, tiếng ghi ta vang vọng tiếng hát: “Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”.

Nhà báo Tấn An ở Trường Sa.           Ảnh: NVCC
Nhà báo Tấn An ở Trường Sa. Ảnh: NVCC


Những ngày  ít ỏi ở với Trường Sa nhưng cũng có khá nhiều câu chuyện mà có lẽ trong đời làm báo anh không thể nào quên được.  Trên suốt hải trình qua các đảo, anh em lính đảo chia sẻ: “Đảo có nhiều con trai/ Nên nỗi nhớ cứ nghiêng về một phía”. An bảo, phía ấy là đất liền. “Với chúng tôi - những nhà báo, nỗi nhớ và niềm tin luôn hướng về phía các anh: Nơi Trường Sa - Đất Mẹ”, Tấn An bùi ngùi.

Biển đảo và ngư dân Quảng Ngãi là kho đề tài vô tận của các phóng viên, nhà báo. Với mong muốn tận mắt chứng kiến về sự can trường của ngư dân Quảng Ngãi giữa trùng khơi, phóng viên Trần Mai (CTV báo Tuổi trẻ tại Quảng Ngãi) đã có một “quyết định nhớ đời”: Theo tàu cá ngư dân đi đánh bắt dài ngày trên biển. Chuyến đi bắt đầu vào ngày 9.6.2014 trên tàu cá QNg 96084TS. Thế nhưng, những tính toán để gửi đến bạn đọc nhiều hình ảnh, tư liệu quý giá nhất của Trần Mai bỗng chốc bị phá sản, khi một tai nạn trên biển làm tàu cháy bùng lên dữ dội. Không kịp vơ lấy quần áo, mọi người đã nháo nhào lao xuống biển.

Kể về giây phút sinh tử đó, Trần Mai vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc: “Ngọn lửa ngùn ngụt cháy, nhưng con tàu bất ngờ tự sang cần số tăng ga lao vùn vụt về tôi. Chẳng biết sức mạnh nào, nhưng trước lằn ranh của sự sống và cái chết tôi đã bơi như một “kình ngư” nước rút. Cùng lúc lái tàu Nguyễn Bình kịp nhảy vào cabin gạt cần số về 0. Con tàu hung hăng vượt qua tôi 30m rồi đứng khựng lại và tôi thoát chết trong gang tấc”. Kể đến đây, Trần Mai chùn giọng: “Sợ chúng tôi gặp nguy hiểm, các ngư dân bơi ngược sóng nối lại thành một vòng tròn, kết phao lớn nhất cho chúng tôi bám giữ. Lửa tắt, họ lên hết trên mũi thuyền rồi ra sức kéo chúng tôi lên. Đêm về gió rít mạnh lạnh nổi da gà. Ngư dân ngồi xúm lại thành vòng tròn để chúng tôi vào giữa cho đỡ lạnh. Đến khuya, thấy chúng tôi run rẩy, một vài ngư dân ôm choàng chúng tôi từ phía sau. Hơi ấm tình người thật ấm áp”.

Chuyện chỉ có ở nghề báo

“Gặp nhà báo may mắn thiệt”, là câu đúc kết của ngư dân Võ Thị Tám (Bình Châu, Bình Sơn) khi “hành nghề” cùng với phóng viên Minh Huy (Đài PT-TH tỉnh). Trong một đêm biển yên, chiếc tàu đánh cá của vợ chồng bà Tám cực chẳng đã mới đèo bòng thêm Minh Huy. Bởi ngư dân tâm niệm, tàu mà có người lạ sẽ đem lại điều không may. Giữa khuya, đến hồi thu lưới. Tay lưới dài chừng 500m, thì 100m, 200m, 300m rồi 400m lưới được kéo lên vẫn không thấy tăm hơi cá, mực nào. Minh Huy đứng cầm máy quay phim, mặt xanh như tàu lá chuối. Không phải vì anh sợ không có đủ hình ảnh cho phóng sự đầy công phu của mình, mà anh sợ điều lo lắng của bà Tám trở thành sự thật, “người lạ sẽ đem lại điềm xui”. Kể chuyện thì nhanh, chứ lúc đó, lồng ngực Minh Huy cứ như ai đặt tảng đá vậy. Những mét lưới cuối cùng được kéo lên. Ôi thôi, cá, mực bám đầy! Ngư dân chỉ mỉm cười, còn Minh Huy thì nhảy cẫng lên.

Chuyến đi đó, trừ chi phí, vợ chồng bà Tám cũng kiếm được gần 4 triệu đồng. Bà Tám thốt lên: “Nhà báo may mắn thiệt”. Bây giờ, cứ lâu lâu, bà Tám lại gọi “rủ” phóng viên Minh Huy cùng vợ chồng bà ra khơi. Nhưng vì không thu xếp được thời gian nên anh đành lỗi hẹn.

Với nhà báo Hà Minh (Báo Sài Gòn Giải Phóng) thì cảm thấy vinh dự khi được cơ quan phân công theo dõi địa bàn Quảng Ngãi. Hơn 10 năm gắn với Quảng Ngãi, anh cảm nhận rằng, ở đây không sợ “đói” đề tài. Từ NMLD, KKT Dung Quất đến chuyện dân Lý Sơn “khát” nước sạch hay “no” điện lưới Quốc gia, chuyện ngư dân bám biển Hoàng Sa, Trường Sa bị uy hiếp nhưng họ vẫn can trường…luôn là những đề tài “hot” của các báo. “Không chỉ là chuyện đề tài mà đội ngũ những người làm báo ở Quảng Ngãi cũng tỏ ra rất chuyên nghiệp, năng động, giàu lòng nhân ái, tử tế... Dù là tỉnh lẻ, nhưng đây là môi trường làm báo chuyên nghiệp thực thụ trong làng báo Việt Nam”, nhà báo Hà Minh chia sẻ.

Nghề báo là vậy. Đằng sau mỗi trang viết, khuôn hình là vô vàn những câu chuyện vui- buồn, hiểm nguy, nhưng vì trách nhiệm xã hội, trách nhiệm nghề nghiệp họ đều luôn cố gắng vượt qua.
  

 NGUYỄN TRIỀU
 


.