Nhà thơ Khương Hữu Dụng cân… chữ

10:06, 01/06/2015
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Nhà thơ Khương Hữu Dụng sinh thời có thể được coi là một trong những người mê thơ nhất Việt Nam. Không chỉ mê thơ… mình, vì cái đức tính này rất nhiều nhà thơ Việt đạt tới ở một “cấp độ” rất cao.

Mê thơ nói chung. Cứ mỗi lần tôi gặp nhà thơ Khương Hữu Dụng, câu đầu tiên ông hỏi là dạo này cháu có bài thơ nào mới không? Câu thứ 2 là “Cháu đã đọc bài thơ này của nhà thơ X nhà thơ Y chưa? Hay lắm cháu ơi!” Cứ thế, bác cháu có thể đàm đạo suốt nửa ngày về thơ mà chưa hết chuyện.

Đại tá Khương Thế Hưng (bên phải) và cha - nhà thơ Khương Hữu Dụng. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Đại tá Khương Thế Hưng (bên phải) và cha - nhà thơ Khương Hữu Dụng. (Ảnh Báo Quangnam.vn)


Nhà thơ Khương Hữu Dụng cũng nổi tiếng là người “kén chữ”. Ông rất tâm đắc và miệt mài “săn chữ”, những chữ mà theo ông là “có thần” trong một câu thơ. Nói như người xưa là “thôi, xao” vậy! Tôi còn nhớ, một chữ trong một câu thơ trong trường ca “Từ đêm Mười Chín” của Khương Hữu Dụng được rất nhiều nhà phê bình ca ngợi. Đó là câu thơ “Một tiếng chim kêu sáng cả rừng”.

Cái chữ “sáng” ấy nó làm sáng bừng cả câu thơ, và câu thơ trở nên một câu thơ đầy thần thái, găm vào trí nhớ người đọc. Hay một câu thơ khác của Bác Dụng: “Đêm dài như giấy trắng”. Ở đây phải “khuyên” cả hai chữ “giấy trắng” mới thấy tài ba của tác giả câu thơ đạt tới độ Đường thi này.   

Đêm dài như cái gì… thì nhiều nhà thơ đã viết rất khác nhau. Nhưng “dài” như “giấy trắng” thì tôi đảm bảo chỉ có một mình Khương Hữu Dụng viết. Vì câu thơ này gắn với tâm trạng của một người vợ có chồng đi mặt trận. Chị đã phải thức bao đêm chờ chồng, trông chồng, nhớ chồng. Ngồi viết thư cho chồng mà ngồi cả đêm không biết viết cái gì, viết sao cho hết nỗi lòng. Đêm dài như giấy trắng là như vậy. Mà cũng không hẳn như vậy.

Thơ vẫn có những khoảng trống, những độ mờ không thể cắt nghĩa. Chỉ biết là hay, là thú vị, là tuyệt vời, thế thôi! Dĩ nhiên, không phải bác Dụng cứ suốt ngày đi ra đi vào mà “thôi” với “xao”. Nhưng nhà thơ lão thành ấy cứ muốn cân từng con chữ khi viết ra trên giấy. Mà cân bằng cân tiểu ly cơ!

Có những nhà thơ viết rất nhanh, viết ào ào như lũ trào thác cuốn, mà thơ vẫn hay, thậm chí rất hay. Nhưng cũng có những nhà thơ nhẩn nha làm việc với từng con chữ, đối thoại với từng con chữ, thậm chí tranh cãi với từng con chữ để có một bài thơ. Khi họ thành công, họ có những câu thơ xuất thần, những con chữ thần diệu. Tôi do không thuộc “tip” nhà thơ “cân chữ” nên tôi càng kính phục cách làm thơ như người làm vườn chăm chút từng cái cây, nâng niu từng chiếc lá của họ.

Ngày ấy, được chơi với Bác Khương Hữu Dụng, lúc nào tôi cũng cảm thấy một ngọn lửa nồng đượm của tình yêu thơ ca vô tư ánh lên từ con người bác. Người như thế, bao giờ cũng mở lòng, bao dung, nhân hậu với mọi người. Vì họ quí sản phẩm, thành quả của người khác như của chính mình. Họ yêu thơ người khác như yêu thơ mình. Và họ không muốn người đọc thơ họ phải buồn lòng khi “nhai” phải hòn sạn ngôn ngữ lúc đang thưởng thức thơ họ.

Sự tôn trọng đối với người đọc như thế thật đáng quí. Tôi còn nhớ một câu thơ như buột thốt của Bác Dụng: “Thằng Hưng con của già Khương đã về”-Về đây là về với miền Nam, về với quê hương Quảng Nam, quê hương Hội An đang kháng chiến. Về để đóng góp máu xương mình. Về để nhận lấy bao nhiêu hiểm nguy. Vậy mà câu thơ của Khương Hữu Dụng như reo lên. Người không biết có thể nói:  “Sao vậy nhỉ? Con mình “về” là “vào” cuộc chiến tranh, chứ đâu phải đi du lịch, sao cụ nhà thơ này lại reo lên như vậy?”.

Nhưng những ai đã sống thời chiến tranh chống Mỹ, đã chứng kiến biết bao thanh niên từ miền Bắc xung phong vào chiến trường miền Nam, nhất là những người có quê gốc ở miền Nam, thì sẽ không có gì “lăn tăn” cả. Người Việt Nam mình hồi ấy là như vậy. Và Bác Khương Hữu Dụng không phải ngoại lệ. Anh Khương Thế Hưng-con trai Bác Dụng-về Nam chiến đấu coi như thay mặt cho cả gia đình mình, nhất là thay mặt cho người cha thân yêu giàu lòng yêu nước của mình.

Quê hương thấy “con của già Khương” trở về cũng như thấy nhà thơ lão thành trở về. Có cái gì như nỗi tự hào nghèn nghẹn trong câu thơ của Bác Dụng. Tôi yêu kính bác chính từ khi đọc câu thơ ấy. Đó là sự hy sinh thăm thẳm của người cha mà không phải ai cũng hiểu được.

Không chỉ “cân chữ”, nhà thơ Khương Hữu Dụng còn “cân” cả lòng mình trong từng câu thơ. Tôi có may mắn được chơi với hơn một nhà thơ lão thành. Và tôi khâm phục họ ở tình yêu thơ ca. Hơn cả tình yêu thơ ca, đó là tình người mà họ tích hợp cùng với thơ ca của mình, lan tỏa qua những bài thơ để nhiều người đọc chia sẻ và cảm nhận.

Những nhà thơ lão thành như Khương Hữu Dụng, có thể thơ họ chưa “thuộc dạng” hay nhất, nhưng họ đều là những nhà thơ đạt đạo. Đây là cái Đạo của Thơ, cái Đạo phải “tu luyện” cả một đời mới có, nó khiến ta khi nhập vào như được tắm trong suối nguồn uyên nguyên tươi mát. Đó có phải đích tới của một đời thơ? Tôi không biết. Nhưng tôi biết, sự “đạt đạo” này còn hơn mọi danh vọng, hơn mọi sự nổi tiếng nhiều khi khá phù phiếm mà không ít nhà thơ chúng ta hôm nay đang hướng tới. Thơ giản dị mà khó dứt ra là như vậy.

Bác Khương Hữu Dụng mất đã lâu, nhưng sao mỗi khi nghĩ nhớ về bác, tôi luôn cảm thấy ấm áp. Đó là sự ấm áp tỏa ra từ lòng nhân hậu của bác, từ thơ của bác, và từ những cử chỉ nhẹ nhàng xóa đi mọi cách ngăn tuổi tác, mọi rào cản thế hệ, để một người hậu bối như tôi được coi bác là bạn. Tôi không dám “cân” tình bạn thường được gọi là “vong niên” ấy. Nhưng tôi cảm thấy nó có thật, và nó luôn hiện diện trong cuộc đời này./.    

 


.