Báo địa phương với giải trung ương

08:06, 12/06/2015
.

TRẦN ĐĂNG


(Baoquangngai.vn)- Trong báo cáo được trình bày tại đại hội Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi lần thứ V, nhiệm kỳ 2015-2020, tôi đặc biệt ấn tượng với mấy dòng này: “5 năm qua, tỉnh Quảng Ngãi có 91 tác phẩm tham gia Giải báo chí quốc gia. Kết quả, có 16 tác phẩm đoạt giải, trong đó có 1 giải A, 1 giải B, 10 giải C và 4 giải khuyến khích. Hội Nhà báo Quảng Ngãi là đơn vị 7 năm liên tiếp có tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia”.

TIN LIÊN QUAN

Ấn tượng là bởi, tôi làm báo sắp đến tuổi nghỉ hưu rồi, nhưng chưa bao giờ được chạm tay vào bất kỳ một giải thưởng báo chí quốc gia nào. Để có giải thưởng quốc gia, khó thế đấy. Ấy vậy mà các đồng nghiệp “tỉnh lẻ” ở Quảng Ngãi, năm nào họ cũng “ẵm” giải. Suốt 7 năm qua, họ luôn được xướng danh trong các buổi phát thưởng của Hội Nhà báo Việt Nam. Đây là điều mà không phải hội nhà báo nào ở các tỉnh cũng đạt được. Ngoài cái “duyên” ra, phải kể đến sự nỗ lực rất lớn, cộng với sự tận tụy và tính chuyên nghiệp với nghề của các nhà báo trong tỉnh mới có thể vượt thoát khỏi cái khung “tỉnh ta” mà vươn ra tầm quốc gia.

Thoát khỏi “tỉnh lẻ”
 

Chừng 20 năm trước, số lượng nhà báo trong tỉnh Quảng Ngãi không nhiều, nếu không nói là quá ít. Bấy giờ, trừ TTXVN ra, hầu như không có một tờ báo trung ương nào có phóng viên thường trú tại tỉnh cả. Các ấn phẩm báo chí không nhiều, thời lượng phát sóng của Đài PTTH quá ít, số kỳ xuất bản trong tuần của báo Quảng Ngãi rất thưa… là những lí do để các nhà báo trong tỉnh “đóng khung” trong phạm vi ranh giới của địa phương mình.

Các phóng viên bấy giờ chỉ mong sao “đủ định mức” để hoàn thành nhiệm vụ chứ chưa nghĩ đến những bài báo của mình sẽ được xuất hiện trên các báo trung ương. Phần vì chưa có kinh nghiệm trong nghề để có thể đáp ứng những yêu cầu mà các tờ báo lớn đặt ra; phần vì thiếu sự “kích hoạt” cần thiết của những nhà báo tiên phong và sự động viên, khích lệ của những người quản lý, trực tiếp là Hội nhà báo tỉnh-một tổ chức nghề nghiệp mà các nhà báo trong tỉnh có thể tựa vào.

Cũng cùng một sự kiện đó, song viết cho “báo nhà” thì những tiêu chí mà tòa soạn đặt ra có khi đơn giản, song để các báo trung ương, nhất là những tờ báo thu hút nhiều bạn đọc có thể chuyển tải được nội dung đó thì yêu cầu họ đặt ra lại rất khắt khe. Nếu viết theo lối “tỉnh ta”, chắc chắn là bài báo ấy sẽ khó có cơ hội xuất hiện trên những tờ báo lớn. Gửi vài ba lần mà không thấy đăng, sự nhụt chí và mặc cảm bắt đầu xuất hiện với các phóng viên “tỉnh lẻ”.

Vì vậy, suốt trong một thời gian dài, rất nhiều sự kiện “nóng” trong tỉnh nhưng không một nhà báo nào dám dấn thân vào đó để thử sức ở các tờ báo lớn. Còn nhớ vào năm 1991, vùng biển phía đông huyện Bình Sơn xuất hiện cơn lốc bất ngờ, nhấn chìm hàng chục tàu thuyền cùng hàng trăm thuyền viên nhưng mãi đến hai hôm sau, một tờ báo ở TP. HCM mới gọi điện thoại về Đài phát thanh Quảng Ngãi để nhờ cộng tác viên viết bài cho họ.

Thế nhưng hiện nay, chỉ cần xuất hiện một sự kiện là lập tức có hàng chục bài viết trên hàng chục tờ báo, ngay trong ngày! Điều đó cho thấy rằng đội ngũ những người làm báo của tỉnh Quảng Ngãi hôm nay đã thật sự trưởng thành. Họ không hề mặc cảm nữa. Tính chuyên nghiệp, sự nhanh nhạy với các sự kiện “hot” đã được xác lập trong mỗi nhà báo ở địa phương. Họ đã chính thức thoát ra khỏi tâm lý tỉnh lẻ để hòa vào biển lớn của báo chí cả nước.

Vươn lên tầm quốc gia

Bảy năm liên tục, không một năm nào vắng mặt tại các lần trao giải thưởng báo chí quốc gia, đó là một kỳ tích của các nhà báo ở Quảng Ngãi. Có thể thống kê ra một số tác giả tiêu biểu: Nguyễn Đăng Lâm, giải A (2010) với  tác phẩm "Lý Sơn-Bảo tàng sống động về lịch sử chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa"; nhóm tác giả Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh Phong, Lê Phương Trung (Đài PT-TH Quảng Ngãi) giải B với tác phẩm "Người bình thường"; Lê Anh Vinh (Đài PT-TH Quảng Ngãi) giải B (2014) với tác phẩm "Khi lòng yêu Tổ quốc nở hoa"; Nguyễn Thị Thanh Thuận (Báo Quảng Ngãi) giải B (2014) với tác phẩm "Lan tỏa phong trào làm theo Bác".

Phòng Biên tập thời sự Phát thanh của Đài PTTH đã đoạt 32 giải tại các cuộc thi, các kỳ liên hoan do Trung ương tổ chức, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như:  “Đất thiêng trong lòng một gia tộc” của Trần Thị Kiều Hoanh, “Ngư dân Quảng Ngãi bám biển khơi xa” của nhóm tác giả Thái Anh, Xuân Long, Kiều Hoanh, Tấn An, Anh Vinh, “Những hùng binh Hoàng Sa”, “Cột mốc chủ quyền Hoàng Sa trên biển Đông”, “Hoàng Sa trong lòng người dân Lý Sơn” của tác giả Lê Anh Vinh… Các đồng nghiệp bên bộ phận truyền hình, hầu như năm nào cũng đạt giải cao trong các kỳ Liên hoan truyền hình toàn quốc. Những cái tên như Nguyễn Anh Tuấn, Hồ Nhật Thảo… ngày nào còn xa lạ với bạn bè cả nước thì nay các anh là những đạo diễn “có nghề” mà các đồng nghiệp trong nước phải nể nang.

Để có thể mạnh dạn vươn ra biển lớn ấy, ngoài nỗ lực của mỗi nhà báo, phải kể đến vai trò không thể thiếu của Hội nhà báo Quảng Ngãi. Để có những tác phẩm báo chí xuất sắc, gần như năm nào Hội nhà báo tỉnh cũng đốc thúc, không chỉ hô hào suông mà bằng việc làm cụ thể. Trong nhiệm kỳ qua, Hội đã hỗ trợ cho các tác phẩm “chất lượng cao” với số tiền trên 300 triệu đồng, một số tiền đáng kể để khích lệ tinh thần anh em hội viên.

Theo nhà báo Hà Minh Đích, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ngãi, từ năm 2015 kinh phí để tổ chức Giải báo chí trong tỉnh sẽ tăng từ 90 triệu đồng lên 250 triệu đồng/năm. Hy vọng với “chất xúc tác” này sẽ là nguồn động viên thiết thực nhất cho mỗi hội viên. Những giải thưởng báo chí quốc gia đang chờ họ./.

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


 


.