Xây dựng và phát triển văn hóa: Quan trọng là ý thức cộng đồng

09:05, 27/05/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Các cơ quan chức năng cố gắng bao nhiêu chăng nữa mà cộng đồng thiếu tính chủ động, không ý thức trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người… thì khó mà thành công”, ông Cao Văn Chư-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định. Theo ông Chư, hiện nay nhiều giá trị văn hóa ở tỉnh ta đang trên đà mai một.

Thấy rõ hạn chế

Xây dựng và phát triển văn hóa, con người là một trong những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Mới đây, Tỉnh ủy đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước (gọi tắt là Nghị quyết 33). Theo đó, Tỉnh ủy đã chỉ rõ thành tựu và mặt hạn chế ở tỉnh ta sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Phải thừa nhận rằng, nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân về văn hóa được nâng lên. Các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh. Các chuẩn mực đạo đức, giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy. Nhiều hủ tục lạc hậu từng bước được xóa bỏ…

Việc tuyên truyền nâng cao  ý thức giữ gìn trang phục truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta cần được đẩy mạnh.
Việc tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn trang phục truyền thống trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta cần được đẩy mạnh.


Tuy nhiên, thành tựu về xây dựng và phát triển văn hóa, con người chưa tương xứng với phát triển kinh tế. Kinh phí đầu tư cho phát triển văn hóa còn thấp. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và trong xã hội chưa được đẩy lùi. Môi trường văn hóa ở nhiều nơi thiếu lành mạnh, trái với thuần phong, mỹ tục. Tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng, nhất là trong thanh, thiếu niên. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử còn hạn chế. Văn hóa truyền thống ngày càng bị mai một…

Hướng đến phát triển toàn diện

Thực tế ở tỉnh ta cho thấy, có tình trạng chú trọng phát triển kinh tế mà lãng quên yếu tố văn hóa, thậm chí là xâm hại đến các di tích lịch sử, văn hóa của tỉnh. Về vấn đề này, ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL bày tỏ quan điểm: “Nếu phát triển kinh tế mà quên đi văn hóa thì người ta không biết mình ở đâu ra, cho nên việc phát triển kinh tế với văn hóa phải song hành và tương hỗ với nhau”. Theo các chuyên gia chuyên nghiên cứu về văn hóa thì hiện nay ở tỉnh ta có sự “tổn thất” về văn hóa. Từ việc đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi “nghiện” phim Hàn Quốc nên đặt tên con giống tên của diễn viên người Hàn, người dân vứt rác thải bừa bãi mặc cho sự ô nhiễm, đến việc ghế đá nơi công cộng thường xuyên bị đập phá… vừa nghe qua có vẻ là “chuyện thường” nhưng lại là yếu tố văn hóa của con người, xuất phát từ ý thức về văn hóa còn hạn chế.

Nói về các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều người tỏ ra lo ngại trước thực trạng ngày càng bị mai một. Làn điệu bài chòi, hát hố, hát bả trạo, hát sắc bùa… của thế hệ cha ông, giờ đây số người lưu giữ chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nếp nhà sàn, trang phục truyền thống, nghệ thuật đan lát, dệt thổ cẩm… của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh cũng dần mất đi. Một cán bộ ở Trung tâm văn hóa của tỉnh xuýt xoa: “Ra phía Bắc thấy phụ nữ người Thái ai cũng mặc trang phục truyền thống, trông rất đẹp. Mỗi người đều có ý thức giữ gìn nét đẹp trang phục riêng có của dân tộc mình. Còn ở tỉnh ta, đồng bào các dân tộc thiểu số mặc trang phục truyền thống “thưa vắng” dần…”.

Theo Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư thì tự thân mỗi người dân, cộng đồng dân cư ý thức được giá trị văn hóa của dân tộc để từ đó ra sức giữ gìn,  có vậy mới bền vững. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm tuyên truyền để người dân hiểu được các giá trị văn hóa. Đồng quan điểm với ông Chư, PGS-TS Phạm Đăng Phước-Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Để nếp văn hóa truyền thống ở địa phương được bảo tồn, đồng thời thay đổi nếp sống sao cho phù hợp, văn minh, cần phải có sự định hướng, tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Giữa các ngành chức năng phải có sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền, định hướng”.

Việc nâng cao nhận thức đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Theo quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy, cần quán triệt đầy đủ, vận dụng và thực hiện tốt Nghị quyết 33 của Trung ương Đảng (khóa XI) vào điều kiện thực tế của tỉnh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ của nghị quyết đã đề ra. Mục tiêu đặt ra là xây dựng nền văn hóa và con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy mạnh công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, xây dựng những giá trị văn hóa mới, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa của thế giới. Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng văn hóa, con người với phát triển kinh tế-xã hội, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn diện, bền vững về mọi mặt của tỉnh.
 

Bài, ảnh: Minh Anh
 


.