Tháng Ba khao lề thế lính Hoàng Sa…

04:05, 04/05/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Mỗi độ tháng Ba về, khi những cơn gió Nam ào ạt thổi, đất đảo Lý Sơn lại nô nức tổ chức lễ tri ân những người vâng mệnh triều đình giong thuyền ra khơi dựng bia, cắm mốc chủ quyền khẳng định bờ cõi Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam từ hàng trăm năm trước.

TIN LIÊN QUAN

Sáng ngày 4.5 (16.3 âm lịch), Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được đông đảo cư dân đất đảo long trọng tổ chức tại đình làng An Vĩnh. Khi những tia nắng đầu ngày còn núp sau rặng phi lao, đông đảo nhân dân Lý Sơn đã đổ về đình làng An Vĩnh để dự lễ khao lề thế lính Hoàng Sa. Cảnh thanh tịnh thường ngày của đình An Vĩnh hôm nay bỗng nô nức hẳn lên.

 

Nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại Đình làng An Vĩnh - Lý Sơn.
Nghi thức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh - Lý Sơn.


Mâm lễ cùng bài vị tượng trưng cho linh hồn những người lính Hoàng Sa thuở trước được trân trọng bài trí giữa sân đình. Khói hương nghi ngút quyện vào hơi mặn của biển làm cho không khí lễ khao lề thêm trầm mặc, linh thiêng. Vị chủ lễ thay mặt dân làng cúng tế, dâng hương. Vì tình thân ruột thịt và lòng yêu kính, cư dân đất đảo dường như ai cũng thuộc lòng bài cúng ấy, đọc theo chủ lễ và khấn lạy rất thuần thục.

Lớp trẻ sáng nay cũng tranh thủ đến dự đủ đầy, để nghe cha ông mình tri ân, để rồi nhắc nhở vào tâm khảm chính mình tinh thần trách nhiệm đối với chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Tổ quốc.

Ông Phạm Thoại Truyền – con cháu của những hùng binh thuở trước bảo rằng: Lễ khao lề thế lính là nghi lễ truyền thống, đã có từ hàng trăm năm qua. Đó là nghi lễ nhằm tri ân những người đã hi sinh thân mình để gìn giữ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Như đã thành lệ, cứ vào ngày 16/3 âm lịch hàng năm lễ khao lề lại được long trọng tổ chức.

 
Lần giở những kỷ vật, những bằng chứng trong trang sử Đại Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất thống chí… mỗi chúng ta đều nhận thấy rằng cách đây từ nhiều thế kỷ trước, ông cha ta đã ý thức được việc xác lập chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông. Đó vừa là hành động xác lập chủ quyền, mở mang bờ cõi, vừa là để khai phá nguồn tài nguyên từ biển phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Nghi thức thả thuyền câu tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Nghi thức thả thuyền câu tại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.


Từ thế kỷ 17 thời chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã có nhiều sự kiện liên quan đến hoạt động của Đội Hoàng Sa. Suốt nhiều thế kỷ sau đó, cứ tiết tháng Ba này, bao người dân Lý Sơn đã vượt sóng gió, bão giông thẳng hướng Hoàng Sa, Trường Sa đo đạc thủy trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền và khai thác sản vật theo lệnh của các chúa Nguyễn và triều Nguyễn sau này.

Sáng nay, trong nắng sớm, trước linh thiêng khói hương, những câu thơ cũ cứ réo rắt, như hiện về hình bóng hùng binh Hoàng Sa thuở trước. Những vần thơ man mác buồn, nhắc nhớ sâu sắc trong lòng những người dân hôm nay về tinh thần hy sinh vì biên hải Tổ quốc của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa.

                    Hoàng Sa trời nước mênh mông
    
                Người đi thì có mà không thấy về
    
                Hoàng Sa mây nước bốn bề
    
                Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa

Nghi lễ khao lề có lẽ cũng bắt đầu ngay sau khi những chuyến thuyền ra khơi mang theo chiếu cói, dây mây, để có khi trắc trở quấn thân mình nằm lại lòng biển cả. Biết phải đối mặt với bao khó khăn, hiểm nguy, với cái chết nhưng người trên bờ vẫn hy vọng người ra đi sẽ trở về. Chính vì vậy, trước mỗi chuyến đi, các tộc họ đều sửa soạn lễ vật, nặn hình nhân thế mạng để cầu mong hình nhân ấy sẽ rước bớt rủi ro trên dặm dài sóng nước, cho người đi có ngày trở lại…

Trang sử nào cũng vẻ vang, sự hy sinh nào cho Tổ quốc cũng được vinh danh, tạc vào tâm khảm bao thế hệ. Những hùng binh Hoàng Sa đã hy sinh thân mình để cắm mốc chủ quyền biển đảo thuở trước xứng đáng được khắc ghi, tri ân mãi mãi. Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa vì thế đã được nâng tầm công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.
 

Thanh Nhị

 


.