Người yêu của chị Đặng Thùy Trâm

10:05, 14/05/2015
.

 *Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Bây giờ thì mọi người đã biết người yêu của chị Đặng Thùy Trâm là ai, nhưng cách đây 10 năm, vào tháng 7/2005 thì rất ít người biết. Khi đó, “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” bắt đầu được công bố từng phần, sau được in thành sách, và trở thành quyển sách “best seller” vào hạng nhất ở Việt Nam từ trước tới nay.

TIN LIÊN QUAN

Hồi đó, do làm báo, nên tôi được tiếp xúc khá sớm với cuốn hồi ký của chị Trâm. Ngay khi cuốn sách được xuất bản, tôi nhận được một cú điện thoại và được biết người mà chị Trâm gọi trong nhật ký là M. hay N.M. Tôi sửng sốt. Hoá ra, người mà chị Trâm yêu tha thiết, yêu đến nỗi xung phong vào chiến trường Quảng Ngãi ác liệt để tìm bằng được và sau đó đã rất buồn vì tình yêu của mình không toại nguyện, người đó lại là người anh rất thân thiết với tôi, anh Khương Thế Hưng.

Anh Hưng là con trai nhà thơ Khương Hữu Dụng, một người bác mà tôi rất yêu kính và cũng rất thân thiết với tôi. Từ bác Dụng, tôi đã thân với cả nhà bác, nhưng thân nhất là với anh Hưng, một người lính quả cảm, nhân ái, đầy lòng yêu thương và vị tha, người tôi coi như một tấm gương để học tập, như người anh ruột để có thể thổ lộ nhiều tâm tình.

Vậy mà, trong suốt thời gian anh em chơi với nhau, tôi chưa lần nào nghe anh Khương Thế Hưng nhắc tới chị Đặng Thùy Trâm. Dù khi tôi hiểu ra nhiều chuyện, thì cả hai anh chị đã đi về thế giới khác, chị Trâm hy sinh năm 1970, còn anh Hưng mất vì di chứng chiến tranh năm 1999, cách nhau gần 30 năm, nhưng cho tới bây giờ tình yêu của họ vẫn là một bí mật đối với tôi.

Tôi không hiểu vì sao trước tình yêu mãnh liệt của chị Trâm như chị thể hiện trong nhật ký và những bức thư, mà đối lại, anh Hưng chỉ âm thầm nén chịu, một mình mình biết một mình mình hay như thế! Đó âu cũng là một bí mật của tình yêu thời chiến tranh, khi anh Khương Thế Hưng chịu sự ám ảnh quá sâu đậm của hình ảnh “Ruồi Trâu”, còn chị Trâm lại quá lý tưởng trong tình yêu.

Có thể nói, cả hai người đều đã sống cách thực tế một khoảng và khoảng cách ấy là không thể san lấp. Một người yêu mãnh liệt, một người nén chịu cũng mãnh liệt đến mức sau này phải thốt lên trong nhật ký: “Anh kiệt sức. Anh đau khổ”. Thật xót xa! Vì sao ông Trời không cho họ đến với nhau, dù sau đó có thế nào, sao họ không “đời” hơn một chút nữa? Nhưng rồi tôi tự nhủ: Có khi, họ không đến được với nhau trên trần gian lại là chuyện hay. Tình yêu của họ trong trẻo như những giọt sương là niềm an ủi cho biết bao người đang yêu nhau trên trần gian này.

Nhiều người trẻ bây giờ có thể không hiểu vì sao hai con người tốt đến như vậy, đẹp đến như vậy lại không đến được với nhau, dù có thể thâm tâm họ đã thuộc về nhau? Nhưng như thế mới là đời, như thế mới là tình yêu! Nó có những điều không thể cắt nghĩa được.

Riêng tôi, tôi ngưỡng mộ và yêu thương cả hai người, với tôi, họ là những con người hoàn hảo mà chúng ta thấy được ở cõi đời này. Vừa rồi, có những người so sánh bản gốc nhật ký Đặng Thùy Trâm với bản in, để nói là bản in đã “sửa chữa nhiều”, không đúng với nguyên bản. Nhưng cần phân biệt, nhật ký là dành riêng cho người viết, còn khi đã đưa in như một ấn phẩm, thì nếu còn sống, người viết cũng phải điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để phù hợp với một ấn phẩm. Còn khi người viết đã mất, thì gia đình họ có quyền (vì giữ bản quyền) điều chỉnh những đoạn quá riêng tư để tác giả nhật ký không buồn lòng (dù đã mất) khi công bố nhật ký của mình cho nhiều người đọc.

Tôi đã từng viết, nếu còn sống, chị Trâm chưa chắc đồng ý cho công bố quyển nhật ký của mình. Chị sẽ sống lặng lẽ, và sẽ rất ít người biết chị đã sống và chiến đấu như thế nào. Nhưng chị đã hy sinh, và công bố quyển nhật ký là cần thiết, để những thế hệ sau biết đã từng có những người yêu nước, sống, chiến đấu và hy sinh như chị Đặng Thùy Trâm.

Chị Trâm là bác sĩ và chị hy sinh vì bảo vệ những bệnh nhân của mình-những thương bệnh binh-chứ không phải hy sinh để thành anh hùng. Và đó mới là người anh hùng thật sự khi biết hy sinh vì người khác./.         

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN

 


 


.