Sơn Mỹ- tháng 3 về…

03:03, 15/03/2015
.

(Baoquangngai.vn)- Tháng 3 trời nắng như đổ lửa, theo chân từng đoàn khách chúng tôi trở lại Sơn Mỹ- Nơi phải gánh chịu nhiều đau thương trong quá khứ. Sơn Mỹ hôm nay là bức tranh sáng màu, là suối nguồn chảy mãi để những con người của hiện tại nhìn lại và suy ngẫm về nỗi đau chiến tranh…

 
Ký ức của người sống sót
 
Từng tấc đất của Sơn Mỹ đã thấm đượm máu của 504 thường dân vô tội vào buổi sáng kinh hoàng 16.3 năm ấy. Để rồi hôm nay, đất lại nuôi lớn ý chí và tâm hồn của những người sống sót và thế hệ tương lai. Đến Trường THCS Võ Bẩm, là nơi đào tạo nên những mầm non tương lai của quê hương Sơn Mỹ, chúng tôi được tiếp xúc với nhiều thầy cô từng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất lịch sử này. Qua những câu chuyện kể trong tiếng ê a học bài, chúng tôi như ngộ ra nhiều điều.
 
Hơn 50 tuổi, có thâm niên hơn 20 năm gắn bó với nghề gõ đầu trẻ, thầy hiệu phó Trương Tất chưa bao giờ muốn rời mảnh đất Sơn Mỹ yêu thương. Bởi đó là nơi chôn rau cắt rốn của thầy, và cũng là nơi thầy tận mắt chứng kiến vụ thảm sát kinh hoàng năm 1968.

 

Sống sót sau vụ thảm sát, thầy giáo Trương Tất lấy đó làm động lực để vươn lên và góp sức truyền lửa cho thế hệ tương lai
Sống sót sau vụ thảm sát, thầy giáo Trương Tất lấy đó làm động lực để vươn lên và góp sức truyền lửa cho thế hệ tương lai.
 
“Năm đó tôi chỉ mới 7 tuổi, đang thơ thẩn chơi trước nhà thì nghe tràng súng nặng nề chĩa về phía làng. Sau đó, mẹ vội vàng ôm tôi vào lòng và nằm núp ở bờ mương. Ký ức ấy dần phai nhòa theo thời gian nhưng tiếng súng đùng đoàng liên tiếp thì giờ tôi vẫn nhớ như in. Người chết nhiều đến nỗi nằm lớp lớp. Nhờ có họ nằm đỡ cho mẹ con tôi nên 2 người mới sống sót trước họng súng quân Mỹ”- Thầy giáo Trương Tất kể lại trong nỗi nghẹn ngào.
 
Tuy sống sót, nhưng ký ức kinh hoàng với nỗi đau khi chứng kiến họ hàng, bà con làng xóm ra đi trong nỗi uất ức, cậu bé Tất năm nào không bao giờ quên được. Để rồi, nỗi ám ảnh ấy cứ day dứt khôn nguôi, thúc đẩy cậu cố gắng học hành và trở về đóng góp cho mảnh đất quê hương vốn bị thương tổn quá nhiều. Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy giáo Trương Tất xin việc ở quê nhà và từ đó gắn bó mãi với nghề giáo.
 
Nhiều lần cấp trên luân chuyển đi nơi khác, nhưng tôi vẫn cố gắng xin về Sơn Mỹ để thỏa ước nguyện truyền đạt lại những điều mình đã học được cho thế hệ sau. Tôi cũng kể cho các em nghe về câu chuyện thảm sát ấy với tư cách là một nhân chứng sống, để các em thêm hiểu và có động lực học tập, vươn lên đóng góp cho quê nhà.

 

 
 
Tiếp lửa cho thế hệ trẻ
 
Tại ngôi Trường THCS Võ Bẩm, ngoài giờ học các môn cơ bản, các em học sinh còn được tham dự vào những giờ học lịch sử địa phương để hiểu thêm về quê hương mình.
 
Cô giáo Phạm Thị Ngọc Sương cho hay: Thông qua các tiết giáo dục truyền thống, lịch sử địa phương, chúng tôi đã truyền tải cho các em những kiến thức bổ ích, những đau thương mà người dân Sơn Mỹ đã phải chịu trong quá khứ. Từ đó, các em hiểu và có thêm động lực vươn lên trong học tập để mong muốn xây dựng quê hương Sơn Mỹ thêm giàu đẹp.
 
Từng được học qua rất nhiều giờ lịch sử về Sơn Mỹ, em Huỳnh Thị Hậu Tuyền lớp 9B- Trường THCS Võ Bẩm, cũng chia sẻ: Không chỉ được nghe kể qua lời thầy cô, mà chúng em còn được nhiều lần vào thăm Khu chứng tích Sơn Mỹ, được xem những bức ảnh về vụ thảm sát. Để rồi, chúng em mới hiểu hết những người đã khuất phải chịu những đau thương tột cùng ra sao. Là thế hệ tương lai của Sơn Mỹ, em biết mình phải làm gì cho quê hương.

 

Nhiều đoàn khác là các học sinh, tuổi trẻ đến từ nhiều địa phương khác cũng đến Khu di tích Sơn Mỹ để tìm hiểu về quá khứ và được tiếp thêm lửa truyền thống
Nhiều đoàn khách là các học sinh, tuổi trẻ đến từ nhiều địa phương khác cũng đến Khu chứng tích Sơn Mỹ để tìm hiểu về quá khứ.
 
Không riêng tuổi trẻ của Sơn Mỹ, mà trong những ngày tháng 3 lịch sử, Sơn Mỹ cũng đón hàng nghìn lượt khách là học sinh, tuổi trẻ đến từ nhiều địa phương khác. Họ tìm về Sơn Mỹ với ước mong được hiểu về mảng ký ức đau thương ấy và được tiếp thêm lửa truyền thống.
 
Thắp nén nhang tưởng nhớ 504 thường dân vô tội, đoàn học sinh đến từ huyện Nghĩa Hành ai cũng nghẹn ngào cất không thành lời.
 
“Từng được nghe nhiều qua giờ học lịch sử và qua sách báo, nhưng lần tham quan khu chứng tích lần này đã thực sự tác động mạnh đến em. Không ngờ rằng, ở Quảng Ngãi, vẫn có một mảnh đất phải gánh chịu nhiều đau thương đến vậy”- em Nguyễn Thị Thanh Bình- học sinh Trường THCS Nguyễn Kim Vang tâm sự.
 
Bức tranh Sơn Mỹ hôm nay không còn là mảng màu xám như cách đây 47 năm, mà đã là mảnh đất xanh mướt, trù phú. Nhưng đó vẫn là nơi ghi dấu thương đau khó phai tàn. Những người con của hiện tại nay đã không còn chìm đắm trong nỗi đau ấy mà biết nhìn lại đó để nhận về những bài học về lịch sử truyền thống, về sự bất khuất của những người đi trước. Sơn Mỹ- tháng 3 lại về, lửa truyền thống trên mảnh đất ấy lại thêm rực cháy, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay…
 
Bài, ảnh: Thanh Phương
 

.