Di tích chùa Ông bị xâm phạm- Chưa được xử lý dứt điểm

06:03, 17/03/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trải qua hàng trăm năm và nhiều lần được trùng tu nhưng chùa Ông, xã Nghĩa Hòa (Tư Nghĩa) vẫn giữ được những giá trị về kiến trúc, văn hóa đặc sắc. Năm 1993, Bộ VHTT&DL đã công nhận chùa Ông là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tuy nhiên di tích chùa Ông đã bị xâm hại nghiêm trọng hơn 10 năm nay.

Di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc

Cuối thế kỷ 17, những thương thuyền người Minh Hương (Trung Quốc) từ Phúc Kiến, Triều Châu, Hải Nam… đi xuống phía Nam và cập bến ở vùng sông nước Cổ Lũy- Thu Xà. Tại đây, họ đã cộng cư sinh sống cùng với cộng đồng người Việt và xây dựng phố cổ Tân An (nay thuộc xã Nghĩa Hòa- Tư Nghĩa). Năm 1776, 18 tộc họ người Minh Hương đã xây dựng chùa Ông. Chùa được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Tam gồm Tiền đường, Chánh điện và Hậu cung.  Toàn bộ chùa có 15 pho tượng đều là những tác phẩm điêu khắc độc đáo.

Một góc chùa Ông.
Một góc chùa Ông.

Trải qua hàng trăm năm và nhiều lần được trùng tu nhưng chùa Ông vẫn giữ được những giá trị về kiến trúc, văn hóa đặc sắc. Chính vì nét đặc sắc về giá trị kiến trúc, văn hóa nên Bộ VHTT&DL đã công nhận chùa Ông là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993.

Bị xâm hại nghiêm trọng
 

Trước thực trạng trên, mới đây UBND tỉnh có Công văn hỏa tốc chỉ đạo khẩn trương kiểm tra việc xâm hại khu vực bảo vệ Di tích quốc gia nghệ thuật chùa Ông. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở VHTT&DL chủ trì, phối hợp với UBND huyện Tư Nghĩa kiểm tra nội dung phản ánh của Ban Hộ tự Di tích lịch sử- văn hóa quốc gia nghệ thuật chùa Ông và báo cáo kết quả xử lý cho UBND tỉnh.

Từ năm 2004 đến nay, chùa Ông đã bị xâm lấn. Ban quản lý chùa đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp và UBND tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Ông Từ Quang Tuấn (người quản lý chùa) cho biết, gia đình ông Từ Thanh Dũng là người có công trong việc gìn giữ, chăm lo hương khói ở chùa nên gia đình ông Dũng được đại diện 18 họ tộc dành riêng một mảnh đất khoảng 600m2 trong khuôn viên chùa ở tạm. Sau đó ông Dũng đi làm ăn xa nên giao lại cho con trai là Từ Thanh Sơn. Khi biết chùa Ông được công nhận di tích cấp quốc gia, năm 2004, ông Dũng đã về quê và xin giao lại mảnh đất cho chùa.

Trước thiện ý của ông Dũng, Ban quản lý di tích quyết định hỗ trợ cho gia đình ông 20 triệu đồng để giúp gia đình ông di dời. Đồng thời, BQL di tích cũng đứng ra xin chính quyền địa phương cấp đất ở một nơi khác. Tuy nhiên, sau một thời gian, chính quyền địa phương vẫn không thực hiện. Ông Tuấn đến UBND huyện Tư Nghĩa kiến nghị thì mới biết chính quyền địa phương đã cấp sổ đỏ tất cả diện tích đất trên cho ông Từ Thanh Sơn. Diện tích đất UBND huyện Tư Nghĩa cấp cho gia đình ông Từ Thanh Sơn nằm trong khu vực bảo vệ I (2.730m2) của di tích chùa Ông. BQL di tích đã triệu tập đại diện 18 họ tộc họp bàn và đã nhiều lần gửi đơn lên chính quyền các cấp, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.