Nghệ sĩ ưu tú Thi Lộc với ca khúc "Em có về Quảng Ngãi cùng anh"

09:01, 10/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- NSƯT Đào Thi Lộc (55 tuổi) đã có thời gian gần 35 năm hoạt động trong Đoàn ca múa nhạc Quảng Ngãi. Bên cạnh thể hiện những ca khúc mang đậm chất dân ca, Thi Lộc còn “lấn” sang con đường sáng tác. Trong đó, không thể không nói đến ca khúc “Em có về Quảng Ngãi cùng anh” do Thi Lộc phổ nhạc trên nền thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Trần.

“Nói đến Thi Lộc là chúng ta nghĩ ngay đến một ca sĩ chuyên hát thể loại nhạc mang đậm âm hưởng dân ca. Bên cạnh những đóng góp cho sân khấu ca nhạc chuyên nghiệp, Thi Lộc còn có nhiều đóng góp cho phong trào văn nghệ quần chúng. Đặc biệt, với kỹ năng, kinh nghiệm về thanh nhạc, Thi Lộc đã truyền dạy, rèn luyện một số hạt nhân có năng khiếu trong phong trào văn nghệ quần chúng”, ông Lê Văn Sơn-Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nghệ sĩ Thi Lộc còn tham gia sáng tác.

Nghệ sĩ ưu tú Thi Lộc.
Nghệ sĩ ưu tú Thi Lộc.


Những ca khúc do Thi Lộc sáng tác được giới âm nhạc, phong trào văn nghệ quần chúng đón nhận. Với ca khúc “Em có về Quảng Ngãi cùng anh” được Thi Lộc phổ theo lời thơ Quang Trần được Ban giám khảo Cuộc vận động sáng tác ca khúc “Hát về quê hương Núi Ấn Sông Trà” năm 2014 đánh giá thành công và đạt giải nhì. Tác giả đã biết kết hợp làn điệu dân ca truyền thống của vùng đất Quảng Ngãi và phát triển lên để nó mang một âm điệu tương đối hiện đại.

Trao đổi về tác phẩm “Em có về Quảng Ngãi cùng anh”, nghệ sĩ Thi Lộc chia sẻ, trong một lần gặp gỡ người bạn thân, người bạn đó mong muốn có một bài hát về Quảng Ngãi để hát trong các cuộc giao lưu. Chị nghĩ ngay đến bài thơ “Gửi người em gái xa quê” của nhà thơ Quang Trần. Với những tác phẩm khác, thường tác giả chỉ phỏng ý thơ nhưng với ca khúc “Em có về Quảng Ngãi cùng anh” được Thi Lộc phổ nguyên lời thơ của bài “Gửi người em gái xa quê”.

Bài hát có 2 đoạn tái hiện tạo nên một cao trào mạnh mẽ với chất liệu âm nhạc trên nền tảng dân ca của điệu Lý thương nhau truyền thống của Quảng Ngãi. Giai điệu bài hát là một bức tranh được thể hiện đầy đủ màu sắc, ca ngợi vẻ đẹp của quê hương Quảng Ngãi. “Em có về Quảng Ngãi cùng anh?/Nơi có những cánh đồng, cò bay thẳng cánh/Nơi có nắng, gió miền Trung mang hương thơm nồng đậm/Em có về thăm dòng Trà Giang?/ Nơi trai, gái thương nhau, như thương bên bồi bên lở/Nơi có bến Tam Thương, với những cánh buồm no gió”… Lời ca với mục đích mời gọi người em xa quê quay trở về để xây dựng quê hương với nét giai điệu uyển chuyển, nhẹ nhàng.

Thơ và nhạc quyện vào nhau trữ tình tha thiết, càng lúc càng dâng trào thể hiện những nỗi khắc khoải yêu thương, mong muốn có những người con quay về Quảng Ngãi. Trải lòng về tác phẩm của mình, nhà thơ Quang Trần, nói: Quảng Ngãi là một vùng đất nghèo khó, nhiều người dân phải xa quê. Sau vài chuyến đi vào miền Nam, nhà thơ có dịp gặp gỡ và tìm hiểu cuộc sống của người Quảng Ngãi xa quê. Nỗi vất vả của người dân quê mình nơi xứ người khiến nhà thơ chạnh lòng.  

Chính vì vậy ông đã viết bài thơ “Gửi người em gái xa quê” những mong có thể kêu gọi bà con về Quảng Ngãi để xây dựng quê hương trên nền trái tim của người thi sĩ. Toàn bộ bài thơ như lời mời gọi, gợi cho người xa quê về hình ảnh quê hương, nơi có gió, có nắng, có con đường, có dòng Trà Giang, cá bống kho tiêu… Kết thúc bài thơ là một cao trào mà ở đó, nhà thơ đã mượn dòng sông Trà để nói lên tình yêu thủy chung của đôi trai gái và quê hương Quảng Ngãi luôn một lòng chờ đợi những người dân tha phương trở về.

Toàn bài hát được nghệ sĩ Thi Lộc phổ trên giai điệu mượt mà, tình cảm, dễ đi vào lòng người và được công chúng đón nhận. Qua hàng chục năm theo con đường âm nhạc, Thi Lộc đã đem đến cho đời những ca khúc mang âm hưởng dân ca ngọt ngào, sâu lắng. Chị đã đạt được 3HCV, 5 HCB toàn quốc cùng nhiều bằng khen, giấy khen ghi nhận sự cống hiến trên con đường nghệ thuật.

Mặc dù đã về hưu từ năm 2011 nhưng nghệ sĩ Thi Lộc vẫn không ngừng đóng góp cho nền âm nhạc tỉnh nhà qua những ca khúc sâu lắng, trữ tình. Điều khiến nghệ sĩ trăn trở lúc này đó là làm thế nào để ngày càng có nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca truyền thống của Quảng Ngãi được phát triển lên thành những âm điệu hiện đại để góp phần khẳng định loại hình nghệ thuật dân ca truyền thống. Qua đó, giúp thế hệ trẻ thêm hiểu và yêu những làn điệu dân ca quê mình.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.