Một đời mê đàn b'rook

10:01, 24/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đàn b’rook- một nhạc cụ của dân tộc Hrê. Bầu đàn làm bằng trái bầu phơi khô, cần đàn là ống lồ ô hoặc ống nứa, phím đàn làm bằng thớ gỗ cây gạo hoặc cật dây mây, đàn có hai dây. Đàn b’rook dành cho nam giới, khi gảy sẽ ngân lên những giai điệu mang tính tự sự, mô phỏng tiếng chiêng. Có một người cả đời gắn bó với chiếc đàn này. Ông là Phạm Văn Ước, dân tộc Hrê, 85 tuổi ở thị trấn Ba Tơ.

TIN LIÊN QUAN

Mưa phùn và gió bất làm cho già Phạm Văn Ước không được khỏe, vì chân đau khớp. Hôm chúng tôi đến, thấy già nằm co, nhưng chiếc đàn b’rook thì vẫn để một bên gường như người bạn tâm tình. Nghe hỏi chuyện về loại nhạc cụ này, già quờ tay lấy chiếc gậy khập khiểng ra ngoài rồi ôm chiếc đàn b’rook ra gảy. Thay cho hình ảnh của một người già yếu, trước mặt tôi là một con người say mê với những cung bậc từ tiếng đàn. Đang gảy bài “Như có Bác Hồ”, thì già đột ngột chuyển sang bài “Chiếc gậy Trường Sơn”, rồi chuyển qua dân ca Thái “Inh lả ơi”. Theo tiếng đàn, già lại nghêu ngao hát “...Sao nọong ơi. Khắp núi rừng Tây Bắc sáng ngời. Mùa xuân đến ngàn hoa hé cười. Inh lả ơi. Sao nọong ơi...”.

Già Ước bên cây đàn b’rook.
Già Ước bên cây đàn b’rook.


Sau một hồi gảy đàn, già lại đột ngột xòe bàn tay chặn dây đàn như chợt nhớ một thuở chưa xa. Già kể: “Tiếng đàn đã theo già từ lúc còn nằm trên lưng mẹ, qua bao khe suối, ngọn núi. Hồi đó, mẹ cha già vì làm nương rẫy xa nhà, nên khi gieo hạt hay thu hoạch vụ mùa mẹ già thường ở lại núi nhiều ngày. Đêm xuống mẹ già lo nấu ăn, cha ngồi gảy đàn. Tiếng đàn đã ru già ngủ bao giờ chẳng hay. Rồi mỗi mùa xuân về, tiếng đàn lại hòa trong tiếng chiêng, tiếng cồng... âm thanh này làm rộn vang núi rừng Ba Tơ.

Già Ước quê ở làng Mang Lùm, xã Ba Tô. Khi học đến lớp 3, cậu bé Ước ngày ấy phải băng sông Liêng về xã Ba Cung để học. Năm 17 tuổi, chàng trai ấy tham gia làm liên lạc, rồi trở thành du kích xã. Sau những chuyến đi công tác, anh lại gảy đàn. Tiếng đàn ngân trong đêm bày tỏ những khát khao của tuổi trẻ, về quê hương, đất nước làm say mê đám con gái trong làng.

Năm 1955, ông Ước tập kết ra Bắc, trong hành trang mang theo có chiếc đàn b’rook. Nhưng rồi cây đàn bị hỏng mà ông chẳng có vật liệu để sửa nên mỗi lần nghe tiếng đàn, tiếng sáo của đồng bào Tây Bắc mùa xuân về, lại gợi cho ông nhớ tiếng đàn của dân tộc mình, nhớ da diết quê hương. Nơi đó có người vợ hiền và mẹ già đang chờ.  

Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông trở về quê hương. Sau khi gặp lại người thân, ông Ước vào núi kiếm cây, bứt dây chế tác cây đàn b’rook.  Được phân công công tác tại chi nhánh Ngân hàng nông nghiệp huyện, rồi lên đến chức Phó Giám đốc, hàng ngày đối diện với con số, với tiền nong nhưng về đến nhà, ông lại ôm cây đàn như để lấy lại thăng bằng của cuộc sống.

Đàn b’rook là loại nhạc cụ của đồng bào Hrê độc đáo như thế. Nhưng theo thời gian, nhạc cụ này dần bị lớp trẻ quên lãng. Biết vậy, nhưng đối với già Ước niềm đam mê, tình yêu loại nhạc cụ này vẫn cứ bền chặt. Nó chất chứa cả tuổi thơ, cả miền ký ức về một thời gian khổ nhưng cũng rất đỗi tự hào của dân tộc mình. Hằng ngày, già vẫn giữ gìn cẩn thận cây đàn như một vật quý. Có dịp lại lấy ra gảy lên giai điệu tâm tình.

 Thực hiện chủ trương bảo tồn văn hóa dân tộc, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Tơ đã  tìm đến già  hỏi thăm về đàn b’rook. Già Ước vui biếu cây đàn để trưng bày trong bảo tàng. Già Ước khoe: “Mấy năm gần đây, không chỉ có người làng các xã Ba Tô, Ba Vinh đến hỏi mua, mà có người ở tận Hà Nội, TP.HCM cũng đến xem, nghe và mua về làm kỷ niệm”.

Bà Đinh Thị Y Ban Quý – Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Tơ, cho biết: “Sắp đến, Phòng sẽ tổ chức mời các nghệ nhân như già Ước để chỉ dạy cho thế hệ trẻ hiểu biết, giữ gìn và chế tác loại nhạc cụ truyền thống của cha ông mình, để các loại nhạc cụ sẽ mãi tồn tại trên đất Ba Tơ.

Bài, ảnh: MAI HẠ
 


.