Ký ức làng quê

09:01, 05/01/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ngót ngét 18 mùa xuân qua đi, năm nay tôi mới có dịp về thăm quê nội. Nơi đã sinh ra cha, mẹ tôi và bao thế hệ người làng. Họ là những bậc cha chú đã cùng cha tôi tham gia vào  hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Máu của họ đã đổ xuống để cho mảnh đất này có một mùa xuân tươi đẹp như hôm nay. Sự thiêng liêng cao quý ấy không gì có thể so sánh nổi.

Làng An Cư, xã Tư Mỹ, quận Tư Nghĩa ngày trước, ngày nay là thôn An Cư, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa). Làng An Cư ( thôn An Cư) phía bắc tiếp giáp sông Trà Khúc, phía nam giáp xóm Đình, phía đông giáp thôn An Khương, phía tây giáp khu rừng Cấm. Diện tích tự nhiên rừng Cấm khoảng 7 ha, trong chiến tranh khu rừng này là nơi che dấu những đoàn quân bộ đội, du kích, góp phần vào các trận đánh chống càn quân Mỹ, ngụy đầy cam go và khốc liệt. Vào những năm 1992 -1993, chủ trương của HTX Quyết Thắng kéo điện về làng vì không có tiền làm trụ bê tông, ông chủ nhiệm HTX cho xã viên đốn 20 đến 30 cây gỗ rừng làm trụ điện thắp sáng, lợi dụng sự sơ hở trong quản lý, một số người dân đã đốn trụi cả khu rừng mang gỗ về làm nhà, làm chuồng bò, khi báo chí phát hiện thì cả cánh rừng Cấm đã không còn.

Khắc phục sai lầm này, ngày nay người ta đã cho dân nhận đất để trồng cây bạch đàn, cây keo lai. Phía đông nam là bàu sen rộng trên 10 ha mặt nước, theo các cụ cao niên trong làng thì khu đầm sen tự nhiên này có cách đây mấy trăm năm, tôm, cá nhiều vô kể, là nguồn thức ăn của cả làng. Vào tháng 5, 6 hằng năm cả bàu sen trổ hoa đỏ rực rỡ, toả mùi hương thơm ngào ngạt ,thoảng bay trong gió trưa hè, khách thập phương có dịp đến tham quan, tận hưởng mùi hương sen thơm ngát dễ chịu đến khó quên. Tháng 7, tháng 8 người dân quê tôi lại thu hái hạt sen về nấu chè sen với bột dong riềng, ai có dịp thưởng thức món chè sen sẽ khó mà quên được hương vị thơm ngon ngọt ngào của nó.


 Thời kháng chiến chống Mỹ, làng An Cư vô cùng ác liệt. Cả làng có 28 nóc nhà, có ngày hứng chịu hàng chục tấn bom, đạn pháo từ chi khu quân sự Quảng Ngãi, Bình Liên (Bình Sơn), Chu Lai (Quảng Nam) dội về. Cái chết, sự mất mát luôn rình rập trên từng bờ tre, ngọn cỏ. Cảnh thiếu thốn, đói khổ đeo bám từng ngày đối với người dân trong làng. Nhưng không bao giờ làm người dân làng An Cư nhụt ý chí chiến đấu. Họ bám trụ, bám làng giữ từng tấc đất. Ban ngày họ làm ruộng, trồng khoai lang, khoai mỳ, tối họ tập trung đào hầm địa đạo, công sự, dây thông hào, đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ, bộ đội chống càn, đánh địch tại bàu sen, xóm Đình, dốc Trúc, núi ông Mai…

Có những người cán bộ, bộ đội, đội trưởng du kích gan dạ, một lòng trung kiên với Đảng, chiến đấu với kẻ thù đến viên đạn cuối cùng, rồi bị kẻ thù cắt tai, cắt đầu, mổ ruột, moi gan như anh: Lê Quang Khôi, anh Tặng, anh Thân đã anh dũng hy sinh oanh liệt, sự hy sinh của các anh đã động viên, nêu cao lòng căm thù giặc, thúc dục nhân dân làng An Cư xông lên tiêu diệt kẻ thù. Vào những năm 1960-1961 lớp lớp thanh niên làng An Cư  ngày ấy tràn đầy nhiệt huyết, hăng hái xung phong tòng quân nhập ngũ vào các đơn vị du kích, bộ đội địa phương, bộ đội chủ lực, giao liên, dân công hỏa tuyến như: Anh Hùng, Nguyên, Lang, Huân…thế hệ thanh niên ngày ấy góp phần to lớn vào cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng của dân tộc, và giải phóng quê hương 1975.

Ngày nay trở lại làng An Cư, tôi không thể tin vào mắt mình trước sự thay da đổi thịt đến kỳ lạ. Cả làng bây giờ có khoảng 40 hộ, lớp thế hệ cha chú trước đây hầu như không còn mấy người, nhiều người đã hy sinh trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, người ốm đau, bệnh tật qua đời. Thỉnh thoảng tôi mới bắt gặp một số cụ đã ngoài 70 mươi, còn lại đa phần là lớp thanh niên sinh ra vào những năm 1958, 1965 nên họ có chí hướng làm ăn mới, tư duy mới, một cái nhìn mới trong phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, khoa học mang lại lợi ích thiết thực.

Dạo một vòng khắp làng, được thỏa sức phóng tầm mắt, tôi chợt nhận ra một điều cả làng An Cư giờ 100% nhà ngói bán kiên cố, có nhiều ngôi nhà 2 đến 3 tầng, trẻ em được cắp sách đến trường. Có đến 40% học sinh học xong cấp 3 thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp. Có em công tác tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất, mỏ dầu ở Vũng Tàu. Có em là bác sĩ, giáo sư, nhà giáo dạy tại các trường đại học lớn ở TP. Hồ Chí Minh. Hàng năm số thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự đều đạt cao.

 Ruộng vườn ở làng An Cư giờ cũng thay đổi, trước đây đất bạc màu, thiếu nước trầm trọng, để cày ruộng, bừa ruộng họ sử dụng sức trâu, bò là chủ yếu. Dân quê tôi có mùa làm ruộng gieo, có mùa cấy lúa ăn theo nước đập, nước trời, vụ nào may mắn lắm cũng chỉ thu hoạch 1 tạ đến 1,5 tạ thóc/sào. Bữa cơm của các gia đình đa phần là rau củ, muối ớt, gia đình nào khá giả thì một tháng mới có bữa thịt, dĩa cá.

Còn giờ đây cày bừa, làm ruộng, thu hoạch lúa đã được cơ giới hóa bằng các loại máy cày, máy gặt đập liên hợp. Họ thi nhau hoạt động phục vụ bà con nông dân trên khắp các cánh đồng, bất kể nắng mưa, chiều tối, lợi nhuận họ thu về không ít. Khi có công trình đại thủy nông Thạch Nham, hệ thống kênh mương, thủy lợi nội đồng đã đưa nước tưới đều khắp các cánh đồng Ké, đồng Làng, đồng Cửa, Thổ Ao, ruộng lúa tươi tốt, một năm làm hai vụ hè thu và đông xuân năng suất đạt từ 3 tạ đến 3,5 tạ/sào. Các loại hoa màu: Mía, ngô, khoai sắn một màu xanh ngắt trải dài hàng chục ha dọc theo bờ nam sông Trà Khúc, đạt năng suất rất cao.

Cùng với phát triển nông nghiệp việc chăn nuôi gia súc, gia cầm ngày càng mang lại lợi nhuận, hiệu quả; Nhiều hộ gia đình nuôi từ 3 đến 5 con bò, hàng năm thu lãi 30 đến 50 triệu đồng. Bữa cơm độn khoai sắn không còn nữa. Đám cưới, tiệc tùng và bữa giỗ trong mỗi gia đình ở làng An Cư bay giờ đa phần sử dụng thức uống bằng bia lon; món ăn có cá, gà vịt và các loại đặt sản, gia vị trong thiên nhiên ngày càng sang trọng hơn: Phong trào văn hóa, văn nghệ, ở làng sôi nổi tràn đầy sức sống mới, mối đoàn kết tình làng, nghĩa xóm ngày càng khắn khít bền chặt.

Trở về làng quê An Cư trong sắc xuân về, những kỷ niệm ấu thơ một thời cùng các bạn trai trẻ trong làng chăn bò, chăn trâu, cắt cỏ, tát cá trong các ao đìa, hố bom chợt ùa vào trong tôi. Tất cả những kỷ niệm một thời thơ ấu chắc rằng trong đời ai cũng một lần trải qua và rồi để nhớ. Với tôi mùa xuân cứ lần lượt qua đi, thì nỗi nhớ về quá khứ người thân, bạn bè cứ dâng trào, dẫu biết rằng đời người rồi có ngày kết thúc, chỉ còn mùa xuân là mãi mãi xanh tươi.

Lê Đức Vương
 


.