Không thể để mất di sản văn hóa!

08:10, 15/10/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Trong phiên thảo luận của hội thảo khoa học quốc tế khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á: Hợp tác để phát triển vào chiều ngày 15.10, vấn đề được các nhà khảo cổ quan tâm nhiều nhất là cách bảo tồn những chiếc tàu đắm được phát hiện ở Việt Nam cũng như những nước lân cận.
Tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Nia Naelul Hasanal Ridwan đã đóng góp bản tham luận có ý nghĩa về cách bảo tồn một chiếc tàu Nhật Bản bị đắm ở Indonesia. Tiến sĩ cho biết, ở khu vực tỉnh Gorontalo còn lưu giữ dấu vết con tàu chiến của Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ II. Gần đây, di tích tàu đắm này thu hút sự chú ý của những người lặn sử dụng bình khí nén. Di tích này nằm ở độ sâu 25-50m ở khu vực có sự đa dạng về quần thể san hô và các hệ sinh vật biển. Do vậy, có nhiều tiềm năng để phát triển lặn du lịch thám hiểm ở địa phương.
 
Tiến sĩ Vũ Thế Long
Tiến sĩ Vũ Thế Long
Tiến sĩ Vũ Thế Long- Nguyên Trưởng ban Môi trường và Con người, Viện Khảo cổ học Việt Nam cho rằng, cách bảo tồn tàu chiến bị đắm ở Indonesia đáng được học hỏi để phát triển quần thể di sản văn hóa tại Việt Nam. Với cách làm này, chúng ta vừa có thể bảo tồn nguyên giá trị của di sản, vừa phát triển kinh tế thông qua hình thức du lịch thám hiểm đáy biển nơi chứa di sản. Hiện Quảng Ngãi có khoảng 8 tàu cổ bị đắm nằm rải rác dưới đáy biển vẫn chưa được khai quật. Những di tích này đang có nguy cơ cao bị các ngư dân, người dân địa phương dùng bom mìn, phá hoại để lấy cắp các cổ vật. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng hành lang pháp lý để sử dụng và bảo vệ di sản một cách tối ưu nhất. Chúng ta phải chủ động tiến hành các phương pháp bảo tồn và không thể bị động để mất di sản văn hóa như thời gian vừa qua!
 
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe bản tham luận của nhóm nghiên cứu dự án Nishimura đến từ Đại học Tokyo, Bảo tàng lịch sử tự nhiên Field ở Mỹ, Đại học Nhật Bản và Viện khảo cổ học Việt Nam. Nhóm này nghiên cứu về chiếc tàu Châu Tân (được phát hiện ở Bình Châu, Bình Sơn), tàu đắm sớm nhất phát hiện ở Việt Nam. Các nhà khoa học đã phát hiện nhiều hiện vật gồm: chén, bát, đĩa bằng gốm sứ với hoa ven độc đáo có nhiều ký tự của Ả Rập, Ấn Độ và Trung Quốc.

 

Các di sản văn hóa dưới nước cần có hành lang pháp lý để bảo vệ và khai thác một cách tối ưu nhất
Các di sản văn hóa dưới nước cần có hành lang pháp lý để bảo vệ và khai thác một cách tối ưu nhất
 
“Qua nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra chứng thực đây là con tàu Đông Nam Á từng tham gia vào hoạt động thương mại trên biển với thế giới Ấn Độ Dương từ rất sớm”- Tiến sĩ Jun Kimura cho biết. Tuy nhiên, tiến sĩ cũng bày tỏ lo ngại vì tàu Châu Tân không được bảo tồn đúng cách, nên đã bị phá hủy nhiều phần, khiến cho công tác nghiên cứu phải dừng lại ở một mức độ nhất định.
 
Tiến sĩ Mark Staniforth
Tiến sĩ Mark Staniforth
Ông Mark Staniforth- Chuyên gia hàng đầu thế giới về khảo cổ học dưới nước nhận định: Hiện một số nước đã có cách bảo tồn di sản văn hóa dưới nước rất hiệu quả mà Việt Nam cần phải học hỏi. Tuy nhiên, để công tác khai quật bảo tồn được tiến hành suôn sẻ và nhận về kết quả nghiên cứu tốt nhất, thì trước hết phải có hành lang pháp lý bảo vệ những di sản này. Cùng với đó, là nâng cao nhận thức của người dân trong việc không lấy trộm hay phá hủy các di sản. Ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có máy móc, trang thiết bị đáp ứng môi trường khai quật đặc biệt đối với di sản văn hóa dưới nước. Cùng với đó, việc thiếu lực lượng chuyên gia có kiến thức về khảo cổ học biển. Nhưng tôi tin rằng, để đáp ứng tiềm năng di sản văn hóa dưới nước, Việt Nam sẽ sớm phát triển đưa ngành khảo cổ học dưới nước lên tầm cao mới.
 
 
 
T. Phương (lược ghi)
 
 

 


.