Đưa báo, tạp chí về miền núi: Hành trình còn lắm gập ghềnh

02:10, 26/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có 24 ấn phẩm báo, tạp chí dành cho vùng dân tộc thiểu số, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 2472 của Thủ tướng Chính phủ, tuy nhiên nhiều bà con tại các thôn, xóm vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tiếp cận, hưởng lợi được từ chương trình này.

Khi “đói”, lúc “bội thực”

Xã Long Sơn (Minh Long) là một trong những địa phương nằm trong diện được phát báo, tạp chí miễn phí theo Quyết định 2472. Theo đó, hơn 20 đầu báo sẽ được chuyển về Bưu điện văn hóa xã rồi từ đó đến các thôn, xóm trên địa bàn. Tuy nhiên, theo chị Đinh Thị Thanh, nhân viên Bưu điện văn hóa xã Long Sơn, do cách trung tâm huyện gần 10km, nên số tiền phụ cấp mỗi tháng 850 nghìn đồng không đủ để chị trang trải chi phí xăng xe đi lấy báo hằng ngày. Kinh phí vận chuyển báo về xã đã thiếu nên kinh phí phát hành báo về thôn lại càng khó khăn. Riêng thôn Gò Tranh, do đường sá thường xuyên bị chia cắt vào mùa mưa nên hành trình chuyển phát báo về thôn bị ngưng trệ. Thành ra, ở Gò Tranh, khi thì thiếu báo, lúc lại thừa. Vì vào mùa mưa bão, bưu điện phải gộp nhiều kỳ báo rồi mới chuyển phát.

Người dân Long Sơn phấn khởi đọc báo nằm trong danh mục báo tặng miễn phí theo Quyết định 2472.
Người dân Long Sơn phấn khởi đọc báo nằm trong danh mục báo tặng miễn phí theo Quyết định 2472.


“Điểm sáng về công tác mặt trận, mô hình khuyến nông hiệu quả, hay gương sản xuất giỏi đều có trên mặt báo. Trước những kiến thức bổ ích mà báo, tạp chí mang lại, địa phương đã chỉ đạo về các thôn tổ chức đọc báo cho người dân nghe định kỳ từ 4 -5 lần/tháng. Tuy nhiên, do nhiều thôn cách xa trung tâm xã, báo về bị trễ nên công tác triển khai đọc báo cho người dân nghe cũng bị ảnh hưởng”, chị Đinh Thị Thu Lai - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã Long Sơn cho biết.

Tình trạng báo chí chậm đến tay người dân không phải chỉ riêng Long Sơn, mà hàng loạt các địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng chịu chung cảnh ngộ. Nhất là Tây Trà- một huyện cách xa TP. Quảng Ngãi hơn 80km, đường sá thường xuyên bị sạt lở, chia cắt vào mùa mưa lũ. “Từ trước đến nay, báo về huyện thì đúng thời gian, còn về các xã thì lúc nào cũng muộn 2, 3 ngày. Vì vậy những thông tin trên báo không còn thời sự nữa”, ông Đinh Văn Công - Phó Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Tây Trà than phiền.

Cần hướng giải quyết kịp thời

Trong 9 tháng năm 2014, có 24 đầu báo bao gồm: Báo Tin Tức, báo Dân tộc và phát triển, báo Măng Non... được chuyển về 13 huyện và TP. Quảng Ngãi, với tổng số 466.222 tờ báo thuộc nhiều lĩnh vực như phụ nữ, khoa học và đời sống, cựu chiến binh, thiếu nhi, dân tộc… Những ấn phẩm báo chí trên thật sự là “món ăn tinh thần” bổ ích của người dân.

Tuy nhiên, khi bàn về hiệu quả do chương trình 2472 mang lại, thì ông Bùi Tấn Nhơn - Phó Trưởng phòng Chính sách Dân tộc thuộc Ban Dân tộc tỉnh thở dài: “Nội dung của các ấn phẩm báo chí rất bổ ích. Nhưng khâu vận chuyển báo đến tận tay người dân và thôn xóm thì chưa được chú trọng, khiến sách báo vẫn chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng”. Cũng theo ông Nhơn, trong đợt kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Quyết định 2472 tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mới đây, rất nhiều cụ già làng uy tín kiến nghị rằng hoặc phải đưa báo đến đúng hạn, hoặc thay báo bằng radio để họ có thể nắm thông tin kịp thời. Bởi lúc thì không có báo để đọc, còn có khi cả chục kỳ báo lại đến đồng loạt.

Trước vấn đề chậm đưa báo  về với người dân, ông Nhơn kiến nghị ngành bưu điện phải bảo đảm khâu vận chuyển các đầu báo theo Quyết định 2472 từ Trung ương xuống cơ sở, nhất là từ xã về thôn, để các đối tượng ở đây nhận được báo sớm nhất. Đồng thời, để Quyết định 2472 đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, thì cần có nhiều giải pháp đồng bộ cùng sự vào cuộc của các ngành, các cấp…

Bài, ảnh: Ý THU
 


.