Chiều miền sơn cước

08:10, 13/10/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chiều lặng xuống, khói đá lềnh bềnh đặc sệt nối đuôi nhau mở rộng vòng tay ôm trọn những con núi trùng điệp tít tắp. Sau một ngày làm việc cực nhọc, ông mặt trời mỏi nhừ đi ngủ cũng là lúc chúng tôi bắt đầu một công việc quen thuộc thường ngày, mỗi người một hướng toả đi khắp nẻo bản làng gần xa để làm nhiệm vụ cao cả: Đi tìm học trò gieo chữ.

Khói lam chiều giăng lượn trên từng xóm nhỏ, những đoá hoa rừng cô đơn lại có dịp khoe sắc trong khoảnh khắc cuối ngày, những ánh điện xa xa bắt đầu tỏ dần, chập chờn màn đêm phủ xuống tất cả nhóm lên một màu sáng huyền bí, mờ ảo. Đây là thời điểm bà con dân tộc Ca Dong đi vào bữa cơm chiều. Dưới những ngôi nhà thấp lè tè, cả gia đình ấm cúng bên mâm cơm lúa rẫy, một đĩa rau rừng luộc, một chén muối trắng giã ớt sim. Gặp chúng tôi, họ chân chất với hai tiếng: “chào thầy” nghe thật đằm thắm, mặn mà và đáng yêu vô cùng.

Gieo chữ ở huyện vùng cao Sơn Tây.         ảnh: T.Khánh
Gieo chữ ở huyện vùng cao Sơn Tây. ảnh: T.Khánh


Bà con  đang ra sức làm ăn vượt khó thoát nghèo, đang “hy sinh đời bố củng cố đời con”, chỉ mong sao con cái mình có cái chữ trong đầu mà biết cách làm ăn, biết tính trước cho tương lai. “Tui quý thầy cô lắm, thầy cô có cho con tui một bộ đồ, dặn là phải đi học đầy đủ-nó về có nói với tui như vậy. Mặc dù còn nhiều khó khăn, đôi lúc không có quần áo để con đi học nhưng tui vẫn quyết tâm vì tui rất tin tưởng ở thầy cô, tương lai con tui là nhờ thầy cô giúp thôi chứ không ai giúp được cả…”. Những lời trò chuyện chân thành đó khắc ghi mãi trong lòng chúng tôi, níu kéo chúng tôi hết ngôi nhà này đến ngôi nhà khác. Mồ hôi lả tả rơi rồi tự ráo đi bao giờ không hay biết, chúng tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ, tự hào vì ai đó vừa mới tôn vinh mình.

Miền sơn cước, chiều lặng xuống, bước chân lê dài qua từng dốc sỏi cheo leo bỗng nhớ đứa con thơ dưới quê thường hỏi mẹ “ba hôm nay có về không?”, “để ba tắm cho con”, “ba đừng nhậu nhiều nhé!”… thoáng chốc dâng lên bao niềm xao xuyến thương con, nhớ vợ, nhớ bữa cơm chiều thứ 7, Chủ nhật làm sao!   

Từ lúc chập choạng tối đến khi trăng chững chạc rọi sáng từng lối đi ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, chúng tôi  băng qua từng lối nhỏ để tìm trò gieo chữ. Bầu trời trong suốt, trăng vằng vặc soi chiếu những ngõ hẻm càng rõ nét hơn, từng làn gió thu nhẹ nhàng se lạnh lùa về thì thào trong kẽ lá. Trăng, gió, con người và mảnh trời nơi đây cho ta  một không gian êm ả, thâm trầm, ý vị. Miền đất này đang thách thức con người bằng tất cả những vẻ đẹp tiềm tàng vốn có của nó. Nơi đây, cần những ai có tấm lòng trân trọng đức hy sinh vượt khó, quý cái sự giản dị tột bật, sức sống và bản lĩnh của đồng bào Ca Dong; cái vẻ đẹp hiền hoà và sâu lắng của thiên nhiên. Cần những tấm lòng cao cả, nhiệt huyết với nghề nghiệp vì các thế hệ học trò đang khát chữ.

Quả thật, học trò đang khát chữ, nhưng thầy phải tìm trò để mà dạy chữ. Cái sự “ngược đời” ấy đang thách thức lòng người, đang cho ta những cơ hội để có thể làm nên những kỳ tích. Miền sơn cước, cuộc hành trình gieo chữ của những thầy cô giáo chẳng những trên bục giảng mà còn ở tận những ngôi làng xa xôi, hẻo lánh. Chẳng những gieo trong từng trang vở học trò mà còn gieo ở tận lòng người. Cuộc hành trình ấy đầy gian nan đã khúc xạ lên những tấm gương sáng thật đáng trân trọng, ngợi ca.

Phạm Văn Tiên

 


.