Phim "Ánh sáng giữa tầng không"- câu chuyện 22 năm sau tai nạn máy bay

07:09, 26/09/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Một bộ phim tài liệu dài 24 phút với tên gọi “Ánh sáng giữa tầng không” nói về sự hội ngộ đầy cảm động của những người phụ nữ Việt Nam là người thân của những phi công và tổ lái trên hai chuyến máy bay gặp nạn năm 1992 với bà Annette Herfkens- người duy nhất sống sót trong tai nạn vừa được hoàn thành.
 
Phim do hai đạo diễn Hồ Nhật Thảo – Đài Phát thanh- Truyền hình Quảng Ngãi và Trần Thanh Hưng - Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Phú Yên cùng các cộng sự thực hiện. Theo đạo diễn Hồ Nhật Thảo, bộ phim này sẽ được gửi tặng đến đại sứ quán Hà Lan và một vài nước khác để chia sẻ những mất mát trong vụ MH17 và các vụ tai nạn máy bay khác gần đây, đặc biệt đối với gia đình có nạn nhân xấu số
 
Một câu chuyện cảm động của 22 năm sau
 
Đầu tháng 8.2014, trên nhiều phương tiện thông tin trong nước và quốc tế đưa tin về việc bà Annette Herfkens, người phụ nữ quốc tịch Hà Lan có mặt tại thành phố Hồ Chí Minh để ra mắt độc giả Việt Nam cuốn tự truyện "192 Hours" - Giành giật sự sống từ chuyến bay định mệnh. Người phụ nữ Hà Lan này chính là người duy nhất còn sống trong vụ rơi máy bay của hãng hàng không Việt Nam tại đỉnh núi Ô Kha, xã Sơn Trung, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa ngày 14.11.1992. 

 

Bà bà Annette Herfkens,
Cuộc gặp đầy cảm động giữa bà  Annette Herfkens- Nhân vật sống sót kỳ diệu trong vụ máy bay rơi và bà Nguyễn Thị Lan, vợ của phi công Nguyễn Quang Vinh - cơ trưởng của chiếc trực thăng cứu hộ Mi-08 bị tử nạn. (Ảnh: Vũ Linh)
 
Câu chuyện cảm động, đầy nghị lực của Annette Herfkens đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ của đông đảo độc giả trên thế giới, nhất là trong bối cảnh ngành hàng không quốc tế liên tục gặp phải thảm kịch trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, chính sự trở lại của Annette Herfkens cùng cuốn tự truyện đã vô tình đánh thức những ký ức đau buồn của những gia đình Việt Nam đã mất đi người thân trong chuyến bay định mệnh vào ngày 14.11.1992, đặc biệt là những người phụ nữ đã mất đi người chồng khi còn rất trẻ với những đứa con thơ dại, thậm chí còn chưa lọt lòng. 
 
Theo đạo diễn Hồ Nhật Thảo thì câu chuyện của phim dựa trên một tự truyện ngắn của bà Nguyễn Thị Lan, vợ của phi công Nguyễn Quang Vinh - cơ trưởng của chiếc trực thăng cứu hộ Mi-08. Chiếc máy bay này chở theo phi hành đoàn gồm 8 người nhận nhiệm vụ  bay lên đỉnh núi Ô Kha để tìm kiếm, cứu nạn cho những nạn nhân của chiếc máy bay dân sự Yak40-VN474 và đặc biệt là đưa người phụ nữ Annette Herfkens trở về thành phố Nha Trang để cứu chữa. 
 
Tuy nhiên, điều đau lòng đã xảy ra, chiếc máy bay này đã rơi xuống đỉnh Ô Kha và toàn bộ phi hành đoàn đã tử nạn. Lúc ấy, bà Nguyễn Thị Lan còn rất trẻ, lại đang mang thai đứa con gái đầu lòng 5 tháng. Từ năm 1992 đến năm 2014, tức 22 năm trôi qua, bằng tình yêu, nghị lực và ý chí mạnh mẽ, bà Lan đã ở vậy nuôi con gái trưởng thành  và hai mẹ con đã có một cuộc sống tốt đẹp. 
 
Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Lan cũng có thể đại diện cho tất cả những người phụ nữ khác, hay những gia đình khác trong bi kịch 1992. Bà Lan đã nói rằng: "Ô Kha đã ném vào tôi bao đau thương mất mát. Đó là những thứ không bao giờ có thể bù đắp được. Nhưng, trong đau thương mất mát đó, tôi đã trưởng thành." 
 
Và ý tưởng làm phim
 
Sau khi có thông tin bà AnnetteBan và con gái trở lại Việt Nam, những người làm phim có ý định sẽ khai thác câu chuyện xung quanh bà Annette, nhân vật  thoát chết một cách kì diệu này. Tuy nhiên, bước ngoặt  đã xuất hiện ngay tại buổi họp báo ra mắt cuốn tự truyện của bà Annette. Bốn người phụ nữ Việt Nam, là vợ của phi công và tổ lái trên 2 chuyến bay gặp nạn năm 1992 đã có mặt. Và những người phụ nữ ấy đã tạo ra một cuộc hội ngộ đầy cảm động.
 
Đạo diễn Hồ Nhật Thảo (phải) và
Hai đạo diễn Hồ Nhật Thảo (phải) và Trần Thanh Hưng.
 
Chính từ lý do này, đạo diễn Hồ Nhật Thảo và tác giả kịch bản, đạo diễn Trần Thanh Hưng đã đổi hướng cho câu chuyện: thay vì tập trung vào bà Annette, sẽ thể hiện cách đối diện với nỗi đau đớn, mất mát của những người phụ nữ trong chuyến bay định mệnh.
 
Một yếu tố được các nhà làm phim khai thác nữa đó là trong phim có sự góp mặt của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân-  Hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh. Bởi ông là người theo sát vụ tai nạn này khi còn là phóng viên của Báo Lao Động, và đặc biệt hơn nữa là ông đã may mắn thoát chết vì người chỉ huy trên chiếc trực thăng cứu hộ từ chối không cho ông lên chuyến bay định mệnh đó, dù ông đã một mực năn nỉ để lên đến hiện trường của vụ tai nạn.
 
Bộ phim được ekip thực hiện trong hơn một tháng, bao gồm cả thời gian ghi hình và làm hậu kỳ để tạo ra 24 phút phim. Nội dung và thông điệp của bộ phim chỉ đơn giản là: Những gì của quá khứ là quá khứ của hiện tại. Nhưng quá khứ là hạt giống để hiện tại nảy mầm.
 
 
“Ánh sáng giữa tầng không” là phim tài liệu dài 24 phút, không lời bình. Phim có tiết tấu nhanh, hiện đại và chạm đến cảm xúc của người xem. Đạo diễn Hồ Nhật Thảo, người đã từng giành giải Vàng các liên hoan phim tài liệu trong nước và quốc tế chia sẻ: “Bộ phim không khai thác hoàn cảnh, cuộc sống của các thân nhân trong vụ tai nạn từ thời điểm đó đến nay. Bộ phim không khai thác 8 ngày dũng cảm phi thường vật lộn với thần chết của bà Annette, vì đó là sự kỳ diệu, hiếm khi xảy ra trong các vụ tai nạn máy bay; và vì đó là bản năng sinh tồn của con người…"
 
 
 
Bài, ảnh: M.Toàn
 

.