Chuyện chưa kể về hai bài hát...

02:09, 07/09/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có lẽ trong giới làm công tác âm nhạc chuyên nghiệp, những người yêu âm nhạc hay ai đó quan tâm đến đời sống âm nhạc ít nhất một vài lần cũng nghe hai bài hát hay viết về Quảng Ngãi. Đó là bài Về lại Sông Trà và Nhớ Quảng Ngãi của  Nhạc sĩ Vĩnh An được sáng tác cách đây gần 30 năm!

Nhạc sĩ Vĩnh An - tên khai sinh là Đặng Vĩnh An, sinh năm Kỷ Tỵ – 1929 tại Tây Sơn - Bình Định, cùng thế hệ với các nhạc sĩ nổi danh như Hoàng Việt, Phạm Tuyên, Nguyễn Đức Toàn… Ông tham gia bộ đội từ thời chống Pháp, đã từng giữ chức Đại đội trưởng, Huyện đội trưởng, Trưởng Đoàn Văn công quân đội… có  thời gian đóng quân ở Quảng Ngãi. Sau Hiệp định Genève 1954 ông rời Khu 5 tập kết ra Bắc và công tác ở Cục Nghệ thuật, Bộ Văn hóa. Vĩnh An có năng khiếu âm nhạc từ nhỏ, lại lớn lên trong gia đình có truyền thống đam mê nghệ thuật. Đất Bình Định là cái nôi của hát bội, bài chòi cùng âm hưởng tiếng trống trận Tây Sơn hào hùng đã hun đúc tâm hồn ông từ thuở ấu thơ. Có lẽ vậy, âm nhạc của ông luôn phảng phất âm hưởng các làn điệu dân gian, nên người ta gọi ông là nhạc sĩ của những miền quê hay Vĩnh An - con người của dân ca…

 

Chân dung Nhạc sĩ Vĩnh An cùng bút tích bài hát “Về lại Sông Trà” viết năm 1988.
Chân dung Nhạc sĩ Vĩnh An cùng bút tích bài hát “Về lại Sông Trà” viết năm 1988.


Ngay sau khi tập kết ra Bắc công tác, ông đã có những tác phẩm nổi tiếng lúc bấy giờ như Dấu chân trên rừng, Gởi anh bờ Nam góp phần cho việc đấu tranh thống nhất đất nước lúc bấy giờ. Trong những năm chiến tranh thời chống Mỹ, ông cũng từng có mặt tại chiến trường ác liệt Khu 4 và có những bài hát về vùng đất này Bà mẹ trên sông Quảng Bình, Mùa về bên bờ sông Kiến Giang một thời đã được vút cao trong mưa bom lửa đạn trên đất lửa Quảng Bình. Vĩnh An sáng tác cả nhạc không lời cho sân khấu và điện ảnh nhưng ca khúc vẫn là sở trường. Ông vốn là dân học Văn khoa nên ca từ của ông luôn chắt lọc, súc tích và thường quyện với những làn điệu dân ca mà ông vận dụng rất tài tình.

Sau khi đất nước thống nhất ông tiếp tục sáng tác và cũng được mệnh danh trong giới nhạc sĩ về nghệ thuật viết “địa phương ca”. Như ở Thái Bình có  Nắng ấm quê hương, Nghĩa Bình có Đi tìm người hát Lý thương nhau, Bình Định có Bên bờ sông Côn…

Đối với hai bài hát ông sáng tác về Quảng Ngãi Về lại Sông Trà và Nhớ Quảng Ngãi đã được phổ biến rộng rãi nhưng ít ai biết lịch sử ra đời của nó. Đó là vào năm 1984, phong trào văn nghệ quần chúng lên cao. Để chuẩn bị cho chương trình đi hội diễn ở tỉnh Nghĩa Bình, theo đề xuất của Phó giám đốc Nhà máy Đường Quảng Ngãi lúc bấy giờ Phạm Văn Niên (sau này là giám đốc, đã mất – MĐ) – vừa là bạn chiến đấu thời chống Pháp, vừa là đồng hương quê Bình Định với nhạc sĩ Vĩnh An - đã  mời ông cùng biên đạo múa Cao Chư về dàn dựng chương trình cho đội văn nghệ. Thời gian ở nhà máy, Vĩnh An sáng tác nhiều bài hát về nhà máy, công nhân… trong đó nổi lên là bài hát Con sâu, ông dùng giai điệu và lời ca để đả phá tiêu cực của cánh lái xe chở mía lúc bấy giờ.

Đội văn nghệ đi hội diễn và đạt được giải nhất toàn đoàn. Bài hát Con sâu thì được  Sở Văn hóa, Thông tin Nghĩa Bình chọn đi hội diễn toàn quốc. Ông tâm sự với tôi rằng, để trả cái nghĩa, cái tình đối với người dân Quảng Ngãi nói chung và trước mắt cho nhà máy đi hội diễn sẽ viết một đến hai bài hát về Quảng Ngãi. Sau đó ông nhờ tôi đưa đi tìm để thăm một cô gái. Cô gái ấy tên Liên, ở  Nghĩa Điền (Tư Nghĩa).

Theo nhạc sĩ Vĩnh An kể, năm 1952 đơn vị ông đến đóng quân ở làng này và là “Bộ đội Cụ Hồ” nên tình cảm quân – dân dễ gần gũi gắn bó. Cái cô Liên này vừa đẹp vừa hát hay, lại gặp anh bộ đội trẻ vừa làm dân vận giỏi vừa đàn tốt nên đêm đêm thường quấn quít bên nhau tập văn nghệ để diễn cho dân làng xem. Để rồi, mỗi người tối về đều thao thức nhớ nhớ thương thương… Một đêm đơn vị ông được lệnh bí mật hành quân lên Tây Nguyên, ông không kịp chia tay người con gái ấy, bài hát đang tập dang dở, còn ánh mắt thì theo ông đi suốt chặng đường dài… Sau hơn 30 năm với bao biến cố, chiến tranh, làng xã đổi  thay, tôi dẫn ông đi tìm trong vô vọng, bởi có ai biết cô Liên thuở đó bây giờ ở đâu…

Bốn năm sau, tháng 1.1988 ông trở lại nhà máy cũng để sáng tác dàn dựng cho đội văn nghệ đi tham gia một hội diễn khác ở TP Hồ Chí Minh. Ông trao ngay cho tôi bài hát Về lại Sông Trà, cùng với bao nỗi lòng trong đó. Bài hát có giai điệu mượt mà và ca từ da diết Ôi! Một tên sông mà người đi thương nhớ người ở mãi đợi chờ…(trích Về lại Sông Trà - Vĩnh An). Bài hát đoạt Huy chương vàng do Hoàng Dũng trình bày tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng Bộ Công nghiệp Thực phẩm tổ chức.

Lần này trở về, tôi đưa ông lên thăm huyện Sơn Hà theo như đề nghị. Năm sau, tôi nhận bài hát Nhớ Quảng Ngãi qua đường bưu điện. Bài hát được Đội văn nghệ Nhà máy dàn dựng tham gia Hội diễn, biểu diễn nhiều lần ở thập niên 1990 và được công chúng đón nhận chẳng khác gì Về lại Sông Trà. Cũng nhịp điệu 6/8, âm giai thứ, bài hát có lời ca và giai điệu tha thiết làm nao lòng bao người đến Quảng Ngãi rồi ra đi Ai đưa đưa tôi về quê mình, để ra đi mang theo bao nỗi nhớ và đoạn kết ông viết Quảng Ngãi ơi! Có nhớ ta lại về…(trích Nhớ Quảng Ngãi - Vĩnh An) và riêng ông chẳng bao giờ về lại quê mình nữa… Ông mất năm 1994 sau một cơn bạo bệnh ở tuổi 65 còn đầy ước vọng…
     

Minh Điền
 


.