Tưởng niệm 150 năm ngày Anh hùng Trương Định tuẫn tiết
Đi và viết "Những nghĩa sĩ Cần Giuộc"

01:08, 16/08/2014
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Với tôi, chuyện đặt hàng hay tình cờ mình viết được tác phẩm thì cũng như nhau. Tất cả chỉ là những cái cớ, để từ đó, mình bắt đầu chú tâm vào đề tài, tìm hiểu nó, có những chuyến đi vì nó, và cuối cùng, ngồi vào bàn viết.

Nếu với trường ca “Bùng nổ mùa xuân” viết về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, tôi được ông sếp là Chủ tịch Hội văn nghệ Nghĩa Bình đặt hàng một cách ngẫu hứng, vì thông thường khi đặt hàng bây giờ người ta có đặt kèm theo… tiền, để người nhận đề tài có thể triển khai công việc. Còn với tôi, nhà thơ Phú Sơn, theo một cách khá hài hước-ông là nhà thơ trào phúng nổi tiếng-bảo tôi cứ lên Ba Tơ mà viết một cái trường ca cho hay vào. Thế thôi. Mọi việc tôi tự lo lấy, miễn sao có tác phẩm. Vậy mà cú đặt hàng chơi chơi ấy lại… thành công. Tôi có hẳn một trường ca về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ dài hơn một nghìn câu thơ, và sau này nó nằm trong cụm tác phẩm của tôi được nhận giải thưởng Nhà nước (đợt 1). 

Nhưng với trường ca “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” thì phải nói thật, tôi tự nghĩ ra đề tài, tự làm lấy mọi việc, không ai đặt hàng cho tôi hết. Nếu có đặt hàng, thì tôi nghĩ, chính những nghĩa sĩ-liệt sĩ Cần Giuộc đã đặt hàng cho tôi. Tôi viết trường ca này với lòng ngưỡng mộ vô cùng đối với “Bình Tây đại nguyên soái”Trương Định, với những “dân ấp dân lân” “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó” mà tôi thương yêu và đồng cảm hết lòng.

Song tình cảm là một chuyện, ngưỡng mộ là một chuyện, còn khi bắt tay vào xây dựng ý tưởng và tìm tài liệu cho trường ca, thì phải lao động cụ thể và tỉ mỉ. Bắt đầu từ năm 1977, tôi đã tìm đọc những tài liệu mà hồi ấy có được (đã dịch ra tiếng Việt) về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ những ngày đầu Pháp xâm lược Việt Nam. Phải đọc rộng để hiểu cả phong trào kháng Pháp, rồi sau đó mới đọc sâu vào cuộc khởi nghĩa của Trương Định. Càng đọc, càng tự hào và yêu thương dân tộc mình.

Chính những khi người yêu nước lâm vào thế yếu, thế khó, thế kẹt, mới lừng lững xuất hiện những người anh hùng, những tập thể anh hùng, và nhân dân anh hùng lẫm liệt. Trong lịch sử, dân tộc ta đã từng thua quân nhà Minh, và phải sau cuộc trường kỳ kháng chiến mười năm “nằm gai nếm mật” của Lê Lợi-Nguyễn Trãi, chúng ta mới giành được thắng lợi. Nhưng ngay trong lúc thua, Việt Nam đã chói sáng lên bao anh hùng! Với thời kỳ đầu kháng Pháp cũng vậy. Đọc lịch sử mới thấy, thực ra Trung Quốc thua phương Tây quá dễ dàng, dù đó là thua Anh hay Pháp. Thua dễ dàng và thê thảm. Còn Việt Nam thì không.

Trong suốt thời kỳ 80 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất Việt Nam, chưa bao giờ kẻ xâm lược được yên. Và chưa bao giờ ngừng những ổ đề kháng, những cuộc khởi nghĩa chống xâm lược từ phía những người bị trị. Thực dân Pháp dựng lên những nhà tù ở Việt Nam còn nhiều hơn là lập những khu mỏ mà họ khai thác tài nguyên của Việt Nam. Những nhà tù ấy, chủ yếu để “bảo quản” những ‘tài nguyên” thực sự của Việt Nam-đó là những người khởi nghĩa, những người yêu nước, và cuối cùng, là những nhà cách mạng Việt Nam sẽ làm cuộc vùng dậy thành công vào ngày 19/8/1945 chính thức xóa bỏ chủ nghĩa thực dân Pháp trên đất Việt.

Để viết trường ca “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” tôi phải tìm tới những “khu mỏ” mà “khai thác tài nguyên”. Tôi đi Cần Giờ. Tôi về Cần Giuộc. Tôi tới Gò Công. Cũng may là hồi kháng chiến chống Mỹ tôi có thời gian sống ở chiến trường Mỹ Tho, lại đã từng qua Long An, Đồng Tháp, nên những địa danh Nam Bộ này hoàn toàn không xa lạ với tôi. Tôi như người về lại vùng đất cũ, nơi đã cưu mang mình trong chiến tranh. Và đúng là tôi đã được bà con ở Gò Công hay Cần Giuộc tiếp đón ân cần, dù bà con cũng chưa hiểu mục đích chuyến đi của tôi.

Ân cần nhất khi ta về những vùng quê ấy, là được…mời nhậu. Dạo đó tôi còn trẻ khỏe, và uống rượu rất chì. Tôi không từ chối bất cứ cuộc mời nhậu nào, dù rượu Cần Giuộc hay Cần Đước rất nặng độ, còn rượu Gò Công thì tuyệt vời khi được ngâm với trái sê-ri là đặc sản của vùng đất này. Và bạn biết không, với bà con nông dân Nam Bộ, thì sự xáp vô thật tình đó là “chứng chỉ” tốt nhất để bạn có thể được họ cảm mến. Họ gọi đó là “chịu chơi” (chứ không phải “chơi chịu” như một số “đại gia” lừa nông dân bây giờ). Tôi được tiếng “chịu chơi” từ hồi còn chiến tranh, nên cứ “phát huy ưu điểm”, thế là tôi đi đâu cũng thông suốt.

Còn nhớ, buổi chiều tôi về “Đám lá tối trời” nơi là căn cứ lớn nhất của anh hùng Trương Định trong cuộc kháng chiến, tôi đã đứng lặng rất lâu trước rừng dừa nước, và tưởng tượng chiếc xuồng ba lá đã đưa lãnh tụ Trương Định luồn lách trong đám dừa nước như thế nào. Lại nhớ hồi chiến tranh, tôi đã được qua, đã được sống trong những rừng dừa nước, nên những tưởng tượng như thế là có cơ sở hiện thực. Nhà thơ không thể thiếu tưởng tượng. Nhưng nhà thơ cũng không thể thiếu hiện thực. Chính vì thế tôi đã quyết định “lang thang qua chiến tranh”, và vào lúc sau chiến tranh, khi đi tìm tài liệu viết tác phẩm, tôi lại được những trải nghiệm thời chiến tranh của mình giúp đỡ cho rất nhiều. Tôi đã viết “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” bằng tất cả tình yêu, lòng ngưỡng mộ, sự xót thương, và những trải nghiệm gián tiếp về chiến tranh mà mình đã sống qua, dù tôi chỉ sống ở chiến tranh chóng Mỹ chứ không phải chống Pháp.

Nhưng sẽ là một thiếu sót vô cùng nếu tôi không đưa vào trường ca của mình cái tên một nhà thơ vĩ đại của đất Chín Rồng, của đất dừa Bến Tre và đất ruộng Long An: nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Tôi đã nhờ cậy rất nhiều vào khí phách, vào thơ ca, vào nhân cách của Cụ Đồ Chiểu khi viết trường ca này. Và sau khi “Những nghĩa sĩ Cần Giuộc” ra đời được mấy năm, tôi vẫn chưa thấy đủ nên lại viết tiếp trường ca “Trò chuyện với nhân vật của mình” mà Cụ Đồ Chiểu là nhân vật chính, nhân vật trung tâm.

Tôi nghĩ, Trương Định và Đồ Chiểu là “cặp đôi hoàn hảo” ăn ý nhất không chỉ trong suy nghĩ và hành động yêu nước, cứu nước, mà cả trong thơ, trong văn học. Dường như người này sẽ thiếu rất nhiều nếu không có người kia, và ngược lại. Đó cũng là điều kỳ lạ ở đất nước chúng ta, mà không nhiều nước khác có được. Họ tâm đắc với nhau khi ở cách rất xa nhau, cứ như họ có thần giao cách cảm, người này đọc được ý nghĩ của người kia, và họ sống đẹp đúng như người kia kỳ vọng ở mình. Họ là niềm tự hào của nhau, dù Đồ Chiểu chưa bao giờ thấy mặt Trương Định, vì đơn giản, khi quen biết Trương Định, thì nhà thơ đã bị mù.

Với Việt Nam, thơ ca là nhập cuộc, là có ích, là chiến đấu. Và thơ ca là câu nối cho những tình bạn cao đẹp, bền vững. Trương Định không phải nhà phê bình thơ, không làm thơ, nhưng có thể nói, Trương Định là người hiểu thơ Đồ Chiểu hơn ai hết. Quê tôi cũng không thiếu kẻ hèn, nhưng tôi tự hào vì quê tôi có một con người can trường tới khi chết như Trương Định. Và Ông cũng là niềm tự hào vô cùng với mọi người dân Nam Bộ yêu nước và sống hồn nhiên, lành sạch. Ông đã ngã xuống đúng ở nơi cần ngã xuống. Vì đất nước Việt Nam.

                                 


.