Sách và tình yêu biển đảo

02:08, 17/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tình yêu biển đảo luôn dạt dào trong trái tim người Việt Nam. Tình yêu thiêng liêng ấy được cán bộ thư viện các tỉnh, thành phố có địa giới ven biển tham dự Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách do Bộ VH-TT&DL tổ chức tại Quảng Ngãi vừa qua gởi gắm qua những hình tượng về biển đảo được xếp bằng sách và tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam qua từng trang sách quý.

Độc đáo và sâu sắc

Trong khuôn khổ của chương trình Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách chủ đề “Thiêng liêng biển đảo quê hương”, lần đầu tiên Bộ VH-TT&DL tổ chức hội thi xếp sách nghệ thuật. Độc đáo và sâu sắc là nhận định của nhiều người khi “mục sở thị” hình tượng biển đảo của Tổ quốc được “xây” nên bằng chính những cuốn sách.  

Lấy ý tưởng từ ngọn hải đăng Đá Lát trên đảo Trường Sa lớn, cán bộ Thư viện tổng hợp Quảng Ngãi đã sử dụng những cuốn sách bìa cứng, màu đậm để mô phỏng lại dáng hình trụ vững chắc của ngọn hải đăng sừng sững, uy nghiêm giữa biển cả mênh mông như những pháo đài bất khả xâm phạm. Cùng với ngọn hải đăng, từ nhiều cuốn sách đa dạng về kích thước, nổi bật về màu sắc, cán bộ thư viện Quảng Ngãi mô phỏng hình dáng những con tàu của ngư dân vượt qua muôn trùng sóng gió, hiểm nguy để bám biển mưu sinh. Và những con tàu của cán bộ-chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư ngày đêm túc trực nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Cán bộ Thư viện tổng hợp Quảng Ngãi thuyết trình hình tượng ngọn hải đăng.
Cán bộ Thư viện tổng hợp Quảng Ngãi thuyết trình hình tượng ngọn hải đăng.


Hình tượng nhà giàn của cán bộ Thư viện tổng hợp TP.Đà Nẵng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. Cán bộ Thư viện tổng hợp Đà Nẵng đã chọn tập sách Hồ Chí Minh bìa cứng, màu đỏ để làm 4 chân trụ cắm sâu vào lòng biển nhằm nhấn mạnh nền tảng của nhà giàn nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung vững chắc nhờ thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thân nhà giàn có những tập sách bìa màu của đất như muốn nhắn gởi nơi đất liền luôn hướng về quần đảo thân yêu. Mái của nhà giàn được xếp bằng những tập sách màu trắng tượng trưng cho cách chim hải âu, cho khát vọng hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam.

Hình tượng bản đồ Việt Nam hình chữ S luôn gắn với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; hình tượng những chiến sĩ hải quân, nhưng con tàu phất phới cờ đỏ sao vàng vươn khơi mang theo thông điệp quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc… Tất cả đều là tình cảm sâu đậm của những người làm công tác thư viện ở các tỉnh, thành đối với biển đảo quê hương.

Thêm yêu Tổ quốc qua trang sách

Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách cho thấy hoạt động thư viện không phải nhàm chán, đơn điệu mà rất đỗi sáng tạo và đóng vai trọng đặc biệt quan trọng trong truyền đạt tri thức cho con người. Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Đó là thực tế đã được chứng minh qua những chứng cứ lịch sử và pháp lý. Cuốn sách “Những chứng cứ khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam” do Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin ấn hành quý II/2014 nêu rất rõ điều này.

 Và, tất cả những ai đã từng đọc cuốn sách “Ký ức lịch sử hải chiến Trường Sa: Những người con bất tử”, cũng do Nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin ấn hành năm 2013, sẽ càng thêm yêu Tổ quốc mình và nguyện cống hiến xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc để xứng đáng với những hy sinh to lớn của thế hệ cha anh. Ngoài ra, nhiều tác giả đã thể hiện tình yêu biển đảo qua những tập thơ, truyện ngắn, ký… Chị Nguyễn Thị Xuân Lan - cán bộ Thư viện tổng hợp Quảng Ngãi, bộc bạch: “Tôi sẽ cố gắng cung cấp tài liệu về biển đảo, tài liệu khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đến với bạn đọc, các tầng lớp nhân dân với hy vọng mọi người cùng hành động vì biển đảo thân yêu”.

Liên hoan cán bộ thư viện tuyên truyền giới thiệu sách đã góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, nhất là đối với chủ đề biển đảo. Sau khi xem những hình tượng nghệ thuật về biển đảo và nghe cán bộ thư viện tuyên truyền, cụ ông Bùi Văn Ba (ở phường Lê Hồng Phong, TP.Quảng Ngãi) phấn khởi nói: “Sách về Hoàng Sa, Trường Sa phong phú quá. Tôi sẽ đọc và kể cho con cháu nghe, để chúng hiểu sâu sắc và góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.