Phát hiện 7 tài liệu quý về chủ quyền biển đảo ở Bình Thuận

08:08, 05/08/2014
.

Qua quá trình nghiên cứu đình làng Bình An (Bình Thuận) các chuyên gia đã tìm thấy 7 tài liệu liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Khi tình hình Biển Đông nóng lên, Bảo tàng tỉnh Bình Thuận đã truy lại số tài liệu liên quan đến đội thuỷ binh triều Nguyễn từng được đề cập trong hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia đình làng Bình An 20 năm trước.

Theo ông Nguyễn Xuân Lý – Giám đốc Bảo tàng Bình Thuận, khoảng 20 năm trước, trong quá trình nghiên cứu kiến trúc đình làng Bình An (xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong) để làm hồ sơ khoa học trình Nhà nước cấp bằng Di tích Quốc gia, ông biết được trong đình làng có một ngôi miếu nhỏ thờ thuỷ binh. Trong miếu thờ bày trí một khám thờ tôn nghiêm. Trên khám có 4 chữ Hán cổ “Báo công phục vụ”.

“Khi đó, mọi người chỉ biết ngôi miếu thờ thuỷ binh, chứ không biết rõ là thờ ai. Trong làng còn có những bài thơ, bài vè ca ngợi những người lính đi biển đã mất ở khu vực Bình Thạnh”, ông Lý cho biết.

Tuy nhiên, lúc đó, do bận nghiên cứu nhiều mục, nên nhóm nghiên cứu của Bảo tàng Bình Thuận chưa khai thác sâu câu chuyện về các thuỷ binh triều Nguyễn. Nhưng, khoảng ba năm trở lại đây. Bảo tàng Bình Thuận đã truy lại số tài liệu được đề cập trước đó. Qua quá trình tìm hiểu thì phát hiện ra ông Lê Nhự, là hậu duệ đời thứ năm của ông Cai đội Lê Non, đang giữ những bằng sắc cũng như các tờ lệnh do triều đình nhà Nguyễn ban cho các vị cai quản thuỷ binh triều Nguyễn ở làng Bình An.

Từ những thông tin có được, Bảo tàng Bình Thuận đã tìm đến và đối chiếu những bằng chứng, những tài liệu đã ghi vào trong hồ sơ cách đây 20 năm liên quan đến những đội thuỷ binh. Trong đó xác định tài liệu gồm có 2 sắc phong của vua Tự Đức, còn 5 tờ lệnh của tuần vũ Khánh Hoà – Bình Thuận.

Ở huyện Tuy Phong, dòng họ Lê được biết đến là dòng họ có người giữ chức lớn trong đội thuỷ binh triều Nguyễn ở tỉnh Bình Thuận. Trong số các hậu duệ, ông Lê Nhự là người được giao trọng trách lưu giữ các giấy tờ liên quan đến công trạng của dòng tộc trong thời phong kiến.

Trải qua nhiều đời, hai tờ sắc phong và năm bằng cấp làm bằng chất liệu giấy dó vẫn được bọc trong ống tre quấn vải điều, cất giữ cẩn thận trong hộp gỗ. Nếu tính theo sắc chỉ sớm nhất là tờ lệnh đề ngày 16/2 năm Tự Đức thứ nhất (1847) của triều đình bổ nhiệm cho ông Lê Văn Châm (anh ruột của ông Lê Non) giữ chức vụ đội tả vệ thứ năm thủy binh tỉnh Bình Thuận, đến nay đã gần 170 năm.

Đây được xem là kỷ vật quý báu của dòng họ Lê. Thế nên nhiều thế hệ trong dòng họ Lê ở Bình Thạnh đã cất giữ cẩn trọng. Trải qua nhiều cuộc binh biến và hai cuộc chiến tranh gần đây, có lúc tưởng chừng như bom đạn đã thiêu huỷ những tư liệu quý giá này. Nhưng nhờ cất giữ cẩn thận, nên các tài liệu quý của dòng họ Lê vẫn còn nguyên vẹn cho đến hôm nay.
 

 Hai sắc phong được thờ trong từ đường họ Lê vào năm 2012
Hai sắc phong được thờ trong từ đường họ Lê vào năm 2012


Ông Lê Nhự cho biết: “Cái khó khăn nhất để bảo vệ sắc phong này là 9 năm chống Pháp và 21 năm chống Mỹ, vì xã Bình Thạnh đã hai lần di cư. Mà mỗi lần di cư như vậy tất nhiên là gia đình đều mang theo để thờ. Sau khi hoà bình lập lại, các sắc phong tiếp tục được lưu giữ cẩn thận cho đến ngày nay”.

Cuối tháng 5/2014, theo đề xuất của UBND tỉnh Bình Thuận, các chuyên gia Hán Nôm của Cục Di sản Văn hoá đã đến Bình Thuận khảo sát và nghiên cứu các tài liệu lịch sử liên quan đến hoạt động của thuỷ binh thời nhà Nguyễn trên vùng biển Bình Thuận. Sau đó, ngày 10/6, Bộ Văn hoá – Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 1868 cho ý kiến về việc thẩm định 7 sắc, bằng liên quan đến chủ quyền biển đảo của Việt Nam được phát hiện ở tỉnh Bình Thuận.

Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch khẳng định, đây đều là các văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thủy binh, quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Đồng thời, Bộ VH-TT&DL xác định, đây là 7 sắc phong, bằng của triều đình nhà Nguyễn ban, cấp cho ông Lê Văn Châm và ông Lê Non để lãnh đạo, chỉ huy quân sĩ thuộc các đội thủy binh bảo vệ, tuần phòng vùng biển từ Bình Thuận đến Khánh Hòa. Dù không trực tiếp đề cập các địa danh Hoàng Sa, Trường Sa, song các văn bản này đều là các văn bản gốc, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học quan trọng, khẳng định triều đình nhà Nguyễn đã thiết lập các đội thủy binh, quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ vùng biển chủ quyền của Việt Nam.

Ngày 4/8, tại huyện Tuy Phong, ông Lê Nhự và dòng họ Lê ở huyện Tuy Phong đã hiến tặng 7 tài liệu nói trên cho Nhà nước, mà cụ thể là Bảo tàng tỉnh Bình Thuận, để phục vụ công tác nghiên cứu, phát huy giá trị lâu dài của các tài liệu liên quan đến bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam./.

 

Theo VOV


.