Ngày hội văn hoá của đồng bào vùng cao

10:08, 11/08/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Ngãi năm 2014 do Sở VH- TT&DL phối hợp với huyện Sơn Tây tổ chức vừa qua đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem.

Tôn vinh văn hóa truyền thống…

Hơn 20 tiết mục biểu diễn tại liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các dân tộc thiểu số năm 2014 đã thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân huyện Sơn Tây đến xem và cổ vũ. Các tiết mục được dàn dựng khá công phu, phong phú về nội dung và hình thức, thể hiện được bản sắc riêng của từng dân tộc, như: Lễ hội cầu mưa, ngày hội được mùa, chiêng hội đâm trâu, lễ ăn trâu, tấu chiêng…

Ông Cao Văn Chư – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – TT& DL Quảng Ngãi trao giải cho các đội tham dự.
Ông Cao Văn Chư – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – TT& DL Quảng Ngãi trao giải cho các đội tham dự.


Hay các tiết mục hát đối đáp gã vợ chồng, gọi tình yêu, ru con, giao duyên... Đây là những nét văn hóa hết sức độc đáo, được trao truyền qua các thế hệ và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Quảng Ngãi. Người xem không chỉ hòa mình vào những làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, hát ru ngọt ngào, sâu lắng, những nhịp chiêng ngân vang rộn rã,… mà còn có cơ hội khám phá những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc Hrê, Cor, Cadong.

Ông Đinh Văn Rắc ở xã Sơn Mùa chia sẻ: Các tiết mục của đồng bào Hrê, Cor đã giúp người dân Sơn Tây hiểu thêm về truyền thống văn hóa của cộng đồng các dân tộc anh em. Còn bà Đinh Thị Ray thì mong muốn: “Tiết mục tấu chiêng của đội Trà Bồng rất hay. Tiết mục chiêng hội đâm trâu của huyện Tây Trà, hòa tấu cồng chiêng và múa mừng nhà mới của huyện Ba Tơ rất sôi động. Mình ước gì Sơn Mùa cũng có một đội chiêng như thế”.

 Đối với các nghệ nhân, cái được lớn nhất khi tham dự liên hoan là được giao lưu, học hỏi và giới thiệu bản sắc văn hóa đặc trưng của địa phương mình đến với công chúng. Ông Hồ Văn Biên, xã Trà Sơn (Trà Bồng) tâm sự: Qua liên hoan đã giúp chúng tôi gìn giữ, bảo tồn và truyền đạt lại cho lớp trẻ những giá trị văn hoá truyền thống của cha ông, từ đó giúp lớp trẻ gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình. Còn anh Đinh Xuân Thiếp, đoàn Sơn Hà thì thổ lộ: Được giao lưu, học hỏi và so tài cùng anh chị em các dân tộc anh em trong tỉnh tại liên hoan tôi rất vui. Có lẽ vì thế mà anh thể hiện tiết mục “Gọi tình yêu” cuốn hút được người xem. Anh Thiếp cũng bày tỏ mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tổ chức nhiều hoạt động văn hoá- văn nghệ để anh chị em nghệ nhân, diễn viên được giao lưu, học hỏi, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…

Phát huy nét độc đáo

Ông Nguyễn Thanh Hiệp - Phó Phòng Văn hóa huyện Trà Bồng, cho biết: Đến với Liên hoan lần này, đoàn Trà Bồng cử 20 diễn viên tham gia 5 tiết mục văn nghệ cốt là để giới thiệu cho công chúng biết nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cor Trà Bồng. “Tất cả 5 tiết mục này chúng tôi giữ nguyên bản sắc vốn có của đồng bào, chứ không cách điệu như một số đơn vị khác”, ông Hiệp khẳng định.

Tiết mục văn nghệ của các đội tại Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca.
Tiết mục văn nghệ của các đội tại Liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca.


Nhận xét về liên hoan, ông Cao Văn Chư - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh khẳng định: Bằng tài năng, sự chuẩn bị công phu, 200 nghệ nhân, diễn viên của 6 huyện miền núi trong tỉnh tham dự đã cùng nhau so tài ở 20 tiết mục. Các tiết mục nghệ thuật cổ truyền của các dân tộc Hrê, Cor, Cadong đã làm vang dậy núi rừng Sơn Tây qua tiếng chiêng, tiếng đàn và các làn điệu dân ca, dân vũ hết sức phong phú và sôi động… “Liên hoan này giúp các địa phương và ngành văn hóa có những định hướng phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của từng vùng miền. Đặc biệt, ngành văn hóa sẽ nghiên cứu xây dựng phương án bảo tồn để các di sản này không bị mai một”, ông Chư khẳng định.

Liên hoan đã góp phần nâng cao sự hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần trong các tầng lớp nhân dân; đồng thời góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh;  thắt chặt hơn tình đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn, góp phần giáo dục văn hóa truyền thống trong thế hệ trẻ.

Tại liên hoan, Ban tổ chức đã trao giải nhất toàn đoàn cho đơn vị huyện Trà Bồng, hai giải nhì được trao cho huyện Ba Tơ và Sơn Tây, giải ba trao cho các huyện còn lại. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng đã trao các giải A, B, C cho các tiết mục xuất sắc.
 

Bài, ảnh: Bá Sơn
 


.