Tiếng quê hương…

01:07, 13/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hai tiếng “quê hương” đã thôi thúc chàng trai trẻ Đoàn Kiện tham gia Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi. Và cũng chính hai tiếng “quê hương” đã tiếp cho ông nguồn sức mạnh để rồi sáng tác hàng trăm nhạc phẩm mang chủ đề quê hương, để rồi băng qua lửa đạn quân thù hát-cho-dân-tôi-nghe...

Lần đầu gặp gỡ, tôi cứ ngỡ nhạc sĩ Đoàn Kiện quê tận Nha Trang. Nhưng không, ông cười khà bảo: “Người Quảng Ngãi chính gốc đây”. Thì ra sau chuỗi ngày máu lửa, hào hùng đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược, tình duyên đã gắn ông với mảnh đất Nha Trang. Dẫu xa quê, song trong ông hồn quê núi Ấn-sông Trà, con người Quảng Ngãi ngay thẳng, chất phát thì sống mãi.

 

Nhạc sĩ Đoàn Kiện say sưa trong điệu nhạc quê hương.
Nhạc sĩ Đoàn Kiện say sưa trong điệu nhạc quê hương.


Ông lặn lội đường xa về Quảng Ngãi, mang theo tập nhạc “Tiếng quê hương” để tặng anh em, bằng hữu. Ông bảo đó là quà sinh nhật ông dành tặng cho chính mình nhân sự kiện năm nay tròn 70 tuổi. Và cũng là món quà ông muốn chia sẻ cùng những người thân thương nơi chôn nhau cắt rốn, những người một thời cùng “vào sinh ra tử”. “Tiếng quê hương” là tuyển tập nhạc phẩm được viết nên từ chính tình yêu quê hương cháy bỏng trong ông. Nhạc sĩ Đoàn Kiện tên đầy đủ là Đoàn Văn Kiện, quê xã Bình Tân (Bình Sơn).

Ở tuổi đôi mươi, đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tham gia Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi. Mặc cho mưa bom, lửa đạn, ông ngày đêm sáng tác, tập luyện, biểu diễn. Bước chân ông cùng đồng đội trải khắp miền quê núi Ấn-sông Trà. Nhớ lại cái ngày quê hương chìm trong đạn lửa quân thù, nhớ lại tháng ngày “tiếng hát át tiếng bom”, nhạc sĩ Đoàn Kiện xúc động nói: “Đó là những tháng ngày đầy gian khổ nhưng vinh quang. Một lòng chỉ nghĩ đến cống hiến cho quê hương, chỉ mong sao tiếng hát động viên tinh thần của chiến sĩ, đồng bào để đánh đuổi quân thù, dựng xây cuộc sống yên bình, hạnh phúc”.

Trong chuỗi ký ức của những tháng ngày rực lửa, nhạc sĩ Đoàn Kiện không sao quên được câu chuyện vào năm 1970, du kích Tịnh Trà (Sơn Tịnh) thắng lớn trong trận diệt xe tăng địch. Huyện đội Sơn Tịnh đề nghị ông có tác phẩm để kịp thời động viên, biểu dương tinh thần của anh em du kích. Mặc cho máy bay địch quần thảo, hai đồng chí du kích đứng canh gác để cho Đoàn Kiện sáng tác. Tác phẩm “Du kích Tịnh Trà đánh tăng” ra đời trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhưng vinh quang ấy. Ngày ấy, nhạc sĩ không có thời gian “nghiền ngẫm” như bây giờ, trưa sáng tác, chiều tập luyện, tối biểu diễn. Mọi việc đều gấp rút thế mà từng lời ca, vũ điệu sâu sắc, thâm thúy đến vô cùng. Có lẽ chính tình yêu quê hương và niềm đam mê âm nhạc đã làm nên điều kỳ diệu.

Cũng trong năm 1970, nhạc sĩ Đoàn Kiện đã viết “Nhật ký công tác tuyến trước của Đoàn Văn công Quảng Ngãi”. Từng lời, từng chữ trong nhật ký là những gì đã xảy ra trong suốt 1 tháng ròng biểu diễn với bao mồ hôi, xương máu và tấm lòng hướng về Tổ quốc. Đọc nhật ký mới thấy anh em ở Đoàn Văn công Quảng Ngãi anh dũng nhường nào. “Vì nhiệm vụ nên đoàn văn công chia ra nhiều nhóm. Đi biểu diễn suốt 1 tháng không hôm nào nghỉ. Đi trong bom đạn, biểu diễn trong bom đạn. Sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, nhưng chẳng ai sờn lòng”, nhạc sĩ Đoàn Kiện hồi tưởng. Nhớ những hôm biểu diễn ở cánh tây Sơn Tịnh, tây Bình Sơn, chỉ có 6 người (2 nữ, 4 nam), thế mà hát múa trong suốt 3 tiếng đồng hồ. Đồng bào tập trung rất đông để nghe văn công hát. Bất ngờ địch nã pháo. Dứt tiếng pháo, tiếng hát lại cất lên…

“Như con chim chươi bay lượn trên đỉnh Trường Sơn đem ngàn tin vui đi xa/Trong đêm dài ánh sao soi đường dốc đèo suối rừng anh qua/Có con suối trong veo đêm ngày bò qua khe đá/Anh mang truyền dòng máu trong lòng Trường Sơn bao la/Anh Đinh Tía mến yêu/Núi rừng miền Tây nhớ nhiều...”, cách đây chừng 3 năm có dịp lên vùng cao Sơn Hà tôi được nghe nam thanh nữ tú người dân tộc Hrê cất cao những câu hát trên. Hỏi ra mới hay đó là “Bài ca Đinh Tía”, do nhạc sĩ Đoàn Kiện sáng tác năm 1969.

Lớp trẻ ở vùng cao Sơn Hà nói riêng và Quảng Ngãi nói chung cất cao lời ca Anh hùng Đinh Tía với niềm tự hào về người con xứ Quảng. Nhạc sĩ Đoàn Kiện cho hay, ông chưa gặp Đinh Tía bao giờ, chỉ nghe trong đại hội báo công và mến phục tinh thần quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh của Đinh Tía. Bất chấp hiểm nguy, mặc cho cánh tay bị đứt lìa, Đinh Tía vẫn quyết không để tài liệu mật rơi vào tay giặc. Chỉ trong vài giờ đồng hồ, với niềm mến phục trào dâng, nhạc sĩ Đoàn Kiện đã cho ra đời nhạc phẩm “Bài ca Đinh Tía”.
 
Tiếng quê hương chất chứa trong con người của Đoàn Kiện là thế đấy. Ông đã yêu, đã cống hiến để rồi hai tiếng “quê hương” sống mãi trong ông. Giờ đã ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, mang trong mình vết thương thời chiến và bị ảnh hưởng chất độc da cam, Đoàn Kiện vẫn hướng về quê hương qua những ca khúc mượt mà, da diết. Ông nhiều lần đạt giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Quyết thắng hạng Nhất, Nhì, Ba.  

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.