Những nghệ nhân "giữ nghề" của đồng bào Ca Dong

02:07, 05/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Ở vùng cao Sơn Tây có rất nhiều nghệ nhân dành trọn tâm huyết của mình đối với việc giữ gìn văn hóa dân tộc. Những hạt nhân này đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của đồng bào Ca Dong

TIN LIÊN QUAN

Tranh thủ những lúc nhàn rỗi, nghệ nhân Đinh Văn Yêu (70 tuổi) ở xã Sơn Dung lại ngồi đan lát. Từ những cây giang, cây nứa trên rừng, qua bàn tay khéo léo của ông đã biến những chiếc A Teo (gùi nhỏ); Ro (gùi thưa); K Chui (Lẹp)…thành những sản phẩm tinh xảo, đẹp mắt. Đây là những vật dụng thường được sử dụng trong đời sống của đồng bào Ca Dong. Nghề đan lát là nghề truyền thống của người Ca Dong bao đời nay, nhưng qua thời gian nó dần mai một, giờ số người biết đan lát còn rất ít.

 

Nghệ nhân Đinh Văn Tình đang chỉnh chiêng.
Nghệ nhân Đinh Văn Tình đang chỉnh chiêng.


Nghề này khó nhất là công đoạn tạo hoa văn cho sản phẩm, lạt phải được nhuộm công phu bằng than hoặc lá cây rừng. Không chỉ đan lát dùng trong gia đình, khi có người đặt hàng đan để bán, ông Yêu cũng làm để có thêm thu nhập. Đối với những cái A Teo (gùi nhỏ, có nắp), thời gian làm phải mất cả tuần, giá thành khoảng 500-700 ngàn đồng. Còn những cái Ro, đơn giản hơn thì khoảng 100.000 đồng. Ông Yêu cho biết: Mấy chục năm trước, ở làng này ai cũng biết đan những đồ đơn giản để dùng trong sinh hoạt gia đình, dùng đi rừng, nhưng bây giờ chỉ còn người già là gắn bó với nghề. “Mình rất muốn truyền dạy lại cho con cháu để nghề truyền thống của đồng bào mình được lưu giữ và phát huy”, ông Yêu mong muốn.

Còn nghệ nhân Đinh Văn Tình ở thôn Huy Măng, xã Sơn Dung được dân làng quý trọng vì đã giữ hồn chiêng của đồng bào Ca Dong. Bởi ông không chỉ đánh chiêng giỏi mà rất am hiểu về nghệ thuật đánh chiêng. Điều đặc biệt ở nghệ nhân này là ông còn biết chỉnh chiêng để tạo âm thanh chuẩn nhất cho bộ chiêng thêm phần độc đáo và bản sắc. Điều này đã được ông học hỏi từ thế hệ đi trước và trau dồi theo thời gian. Nghệ nhân Đinh Văn Tình cho biết: Qua quá trình chơi nhạc cụ này mình cảm thụ được âm thanh của nó nên khi sai âm là mình biết liền. Do đó mình nghiên cứu, tìm hiểu để lấy lại âm thanh cho đúng. Vì chiêng sử dụng lâu ngày, âm thanh có thể bị lạc. Trong dàn chiêng, nếu một chiếc bị lạc âm là những bài chiêng đánh ra nghe không hay đâu.

Được tận mắt chứng kiến những thao tác chỉnh chiêng với những dụng cụ đơn giản, thô sơ nhưng vô cùng hiệu quả, mới thấy được cái tài của nghệ nhân  Tình. Đó là dùng cây được đẽo cẩn thận gõ vào bụng chiêng, rồi dùng đá hoặc đầu rựa để rà sửa. Ông làm một cách tỉ mỉ, nắn nót để trả lại cho chiêng những âm thanh chuẩn như ban đầu. Công việc này cần sự kiên trì và người chỉnh chiêng có thẩm âm tốt, thực sự am hiểu tường tận về cái hồn, về độ rung, sự lan truyền của chiêng. Không chỉ biết chỉnh chiêng, nghệ nhân Tình còn biết hát các làn điệu dân ca của người Ca Dong. Những nét văn hóa độc đáo của người Ca Dong được ông và một số nghệ nhân ở địa phương biểu diễn ở các hội diễn trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân Đinh Văn Khoăn bên chiếc đàn Tơ-Rưng.
Nghệ nhân Đinh Văn Khoăn bên chiếc đàn Tơ-Rưng.


Nghệ nhân Đinh Văn Khoăn ở thôn Tu La, xã Sơn Mùa lại có một niềm đam mê mãnh liệt đối với cây đàn Tơ - Rưng. Người Ca Dong ở vùng cao Đông Trường Sơn này cho biết, mỗi khi nghe tiếng đàn Tơ - Rưng của nghệ nhân Đinh Văn Khoăn ta có cảm giác như đang nghe tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của lá rừng khi gió thổi. Âm thanh khi nghe êm dịu, khi thì rộn ràng, chuyển tải được mọi cung bậc cảm xúc rất khó quên.

Từ niềm đam mê đối với đàn Tơ-Rưng, nghệ nhân Đinh Văn Khoăn đã nghiên cứu để chế tác nhạc cụ độc đáo này. Ông Khoăn cho biết, đàn Tơ-Rưng được chế tác từ những những ống nứa vót một đầu, chặt theo những độ dài khác nhau để tạo nên những âm vực ưng ý. Các ống nứa được đem treo lên một cái giá đủ cho một hoặc hai người diễn tấu bằng cách cầm những dùi tre gõ vào. Đàn Tơ - Rưng thường được diễn tấu bên trong nhà hoặc ngoài trời vào các dịp lễ hội truyền thống hay trong sinh hoạt cộng đồng. Âm thanh độc đáo của đàn Tơ Rưng không chỉ lôi cuốn, làm say đắm lòng người, mà còn là sợi dây kết nối tình làng nghĩa xóm, khối đại đoàn kết dân tộc ở vùng cao Đông Trường Sơn này.

Chia tay Sơn Tây, chúng tôi trở về xuôi với nhiều cảm xúc lâng lâng. Đâu đó niềm tin mách bảo rằng, dưới chân dãy Đông Trường Sơn, dưới chân của đại ngàn hùng vĩ vẫn luôn tồn tại những con người không chỉ biết làm cho cái cây biết hát, mà còn là một tấm lòng với niềm đam mê giữ hồn của núi, của chính dân tộc mình.

Bài, ảnh: Thanh Thuận 
 


.