Ngọn lửa đam mê văn hóa ở vùng cao

06:07, 14/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Truyền lại niềm đam mê văn hóa phi vật thể cho lớp trẻ là tâm huyết cả đời của các nghệ nhân người dân tộc thiểu số. Bởi với họ, có như vậy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình mới được gìn giữ và phát huy.

TIN LIÊN QUAN

Trong những ngày cuối tháng 6, chúng tôi có dịp được trò chuyện với ông Hồ Văn Biên (50 tuổi, người dân tộc Cor ở Trà Sơn, huyện Trà Bồng). ông Biên cho biết: Năm 16 tuổi, ông đã biết đánh chiêng và tham gia vào các lễ hội với những bài múa chiêng đặc sắc của núi rừng Trà Bồng như mừng lúa mới, lễ hội ăn trâu…

 

Ông Đinh Văn Trên say sưa bên chiếc đàn p’râu, p’rooc.
Ông Đinh Văn Trên say sưa bên chiếc đàn p’râu, p’rooc.


Ngoài 20 tuổi, ông Biên đã tham gia đấu chiêng. Đấu chiêng đòi hỏi sức mạnh để tranh thắng thua với đối phương. Đấu chiêng đòi hỏi sức trẻ rất cao nên mấy năm trở lại đây, ông Biên không ngại khó đã đi khắp các thôn, xóm trong huyện để dạy lớp trẻ biết đánh cồng chiêng. Đến nay, ông đã truyền dạy lại cho hơn 20 thanh niên trong 7 xã của huyện Trà Bồng. “Lúc đầu nhiều thanh niên không chịu học đánh chiêng vì chúng bận đi làm rẫy kiếm tiền. Mình đã thuyết phục nhiều lần, có khi mình tự chơi những bản chiêng cho chúng nghe. Nhiều bạn trẻ thấy được sự hấp dẫn của những bản chiêng nên chúng đã say mê tập luyện. Thấy lớp trẻ say mê mình cũng vui, vì nét đẹp văn hóa cồng chiêng sẽ không bị mai một”- ông Biên bộc bạch.

ông Hồ Văn Nương (50 tuổi, ở huyện Trà Bồng) cũng biết đấu chiêng hơn chục năm nay. ông là một trong số những người đại diện cho đồng bào dân tộc Cor ở Trà Bồng đi khắp các nơi trong cả nước để biểu diễn cồng chiêng, giới thiệu bản sắc văn hóa của người Cor. Trong những năm qua, ông Nương cũng đã đến các thôn, xóm để truyền lại cho thế hệ trẻ. Nhờ vậy nên vào dịp văn nghệ hay các ngày lễ, các địa phương ở vùng cao Trà Bồng rộn tiếng cồng chiêng.

Nhờ được người lớn truyền dạy, anh Hồ Ngọc Thái (24 tuổi) đã biết đấu chiêng gần 6 năm nay. Anh Thái chia sẻ: “Đấu chiêng là một bộ môn nghệ thuật hấp dẫn. Người đánh chiêng đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo cũng như khả năng cảm thụ. Thế hệ trẻ như mình phải học hỏi để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Ngoài ra đấu chiêng cũng là một cách để tăng cường sức khỏe”.

Ông Nguyễn Thanh Tùng- Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Trà Bồng cho biết: Để bảo tồn và phát huy văn hóa theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), Trà Bồng đã xây dựng đề án “Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc Cor”, nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho văn hóa. Nội dung tập trung vào công tác truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ, phục dựng các lễ hội, mô típ nhà sàn truyền thống, điêu khắc…

Nếu như đấu chiêng đòi hỏi sức mạnh của người cầm chiêng thì chơi đàn p’rooc, p’râu đòi hỏi sự khéo léo của đôi tay. Ở cái tuổi 56, ông Đinh Văn Trên (ở xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà) là thầy của các “nghệ nhân” tuổi đôi mươi ở vùng cao Sơn Hà. Ông Trên chơi đàn p’râu, p’rooc từ rất lâu. Ông đã đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đặc biệt, từ 27 - 29.6 vừa qua ông Trên vinh dự được đại diện cho đồng bào dân tộc Hrê tham dự Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam được tổ chức tại Sơn Tây (Hà Nội).

Tiếng đàn p’rooc, p’râu do ông biểu diễn khiến cho bao người đắm say. Ông Trên chia sẻ: Thông qua ngày lễ lớn như thế này sẽ giúp nhiều bạn trẻ trong cả nước hiểu được nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có nét đẹp văn hóa của đồng bào Hrê qua tiếng đàn p’rooc, p’râu. Qua đó sẽ giúp mọi người thêm yêu và gắn bó hơn với bản sắc văn hóa của dân tộc”. Bà Đinh Thị Mai Hương - Trưởng Phòng Văn hóa thông tin huyện Sơn Hà cho biết, ở Sơn Hà hiện có rất nhiều đội biểu diễn dân ca, dân nhạc do chính những nghệ nhân lớn tuổi truyền dạy lại. Đây là việc làm có ý nghĩa thiết thực nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Hrê.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.