Nét quê - hồn phố

10:07, 03/07/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Như nhiều người  “nhập cư” ở TP. Quảng Ngãi từ những năm sau ngày tái lập tỉnh, chúng tôi  thường bông đùa,tán chuyện: “Ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó...”, cứ sống lâu dần, nên quen. Và  “quen” luôn những nét quê hồn hậu của thành phố mình...  
 
 Quán cà phê sân vườn Tuế Mai Viên nằm ở cuối “làng” cà phê trong hẻm đường Nguyễn Công Phương rộng đến 8.000m2 được anh Phan Tâm cho hay, thửa đất này thuộc dòng họ Nguyễn Phước, đến vợ anh là 21 đời. Vườn rộng, có nhiều cây kiểng quý, nhưng khách vẫn thích bờ tre được trồng không dưới nửa thế kỷ nằm ở phía đông của sân vườn. Những mùa đông như năm 1986,1999, bão lũ đổ bộ, làm cho cành lá xác xơ. Nhưng rồi, sau đó những mụt măng trỗi dậy lớn lên nên bờ tre thêm ken dày và cành lá vẫn đong đưa dưới trưa hè gọi gió. Âu đó là một chút hồn quê dung dị, một nét độc đáo của cà phê sân vườn Tuế Mai Viên giữa lòng thành phố.  

 Anh Tâm còn cho hay, ngày mới tái lập tỉnh, trong khuôn viên sân vườn Tuế Mai Viên chỉ còn có một ngôi nhà rường cũ, ba bên bốn bề đất cát, trồng  khoai lang chỉ mọc lưa thưa. Rồi vài quán cà phê nơi đầu hẻm được mở, anh Tâm nảy ra ý định nên nhờ người quy hoạch không gian sân vườn, làm nhà ngũ giác, nhà sàn, trồng cây xanh... Cứ mải mê chăm bón cho vườn cây rồi tháng năm đi qua,  đô thị mở rộng nên bây giờ quán cà phê sân vườn Tuế Mai Viên cùng những quán cà phê sân vườn khác nằm giữa lòng thành phố, được nhiều khách thân quen chọn làm điểm hẹn để nhấm nháp hương vị cà phê, say sưa với bao câu chuyện đời.

 

Tái hiện hình ảnh xe ngựa trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 .                                     Ảnh :MINH THU
Tái hiện hình ảnh xe ngựa trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014 . Ảnh :MINH THU


 Mà đâu chỉ có nơi “làng” cà phê trong hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Công Phương, thành phố Quảng Ngãi bây giờ mở rộng thật nhiều, dang tay theo các hướng. Từ con đường Nguyễn Công Phương ngược lên, thành phố  bây giờ có thêm một ngã Năm mới, một khu dân cư bao quanh khu vực sân vận động. Con đường Bàu Giang-Cầu Mới đang hình thành bọc sườn Nam của TP. đường Phan Đình Phùng nối dài cũng đã hình thành. Những làng quê, những cánh đồng nằm trọn trong lòng thành phố.
 

TP.Quảng Ngãi chào đón 25 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi với một sự kiện quan trọng là sáp nhập thêm 10 xã, thị trấn của huyện Sơn Tịnh và 3 xã của huyện Tư Nghĩa để thành phố bây giờ có núi có sông có đồng, có biển với tổng diện tích lên đến 16.015 ha với 23 đơn vị hành chính gồm 9 xã, 14 phường với dân số lên đến 262.252 nhân khẩu. Thành phố đã mở rộng rất nhiều . Nhưng cho dù thành phố có phát triển hơn, có hiện đại đến chừng nào thì người xứ Quảng vẫn cố lưu giữ những nét quê hồn hậu, bởi từ lâu nó làm nên hồn phố rất riêng trên dải đất miền Trung nhiều nắng gió này.

 Thành phố mù mây trong những ngày đông và oi ả  trong những ngày hè. Nhưng khi chiều xuống, người thành phố  vẫn thường chọn khu vực Quảng trường Phạm Văn Đồng làm điểm hẹn để cùng nhau tản bộ, ngồi hóng gió bên những hàng ghế đá dưới những vòm cây. Rồi khi đêm xuống, người người lại cùng nhau nhấm nháp những ly bia, những món nhậu dân dã ở những hàng quán hai bên đường phố. Có người không hề biết, nơi này sau những ngày tái lập tỉnh là đồng ruộng, ao bèo. Khi thành phố chủ trương tiến về phía đông và con đường tránh Đông được mở, cả một khu vực ruộng đồng thoáng chốc đã trở thành phố xá với những tòa nhà cao tầng.   

Chếch về hướng tây bắc của Quảng trường, xưa là bến xe ngựa, ngày ngày với tiếng nhạc ngựa leng keng, giờ thay vào đó là Siêu thị Coopmat và những dãy phố nối dài đêm ngày vẫn tấp nập người qua.

 Còn ở phía tây thành phố Quảng Ngãi, nơi được chọn xây dựng khu 96 hộ, lùi lại 25 năm về trước, khi tỉnh Quảng Ngãi mới tái lập cũng là “cánh đồng hoang”, mùa đông về ngập nước, giờ là phố là nhà, đi dọc ra phía bờ sông là khu biệt thự cao cấp. Còn chếch về hướng nam là khu vực được mệnh danh là “Đồng Tháp Mười” cứ mỗi mùa mưa là ngập. Những ruộng rau muống, ao bèo tha hồ vươn đọt, giờ là phố mới rộng thênh thang.  

Thành phố mở rộng. Những con đường mới mở được thảm nhựa, được khoác lên mình những vòm cây xanh. Đường Lê Lợi với những hàng cây sao đen dài vươn thẳng, đường Phan Bội Châu với những vòm cây ôsaca vàng (mà có người còn gọi là cây mai phục sinh), đường Hùng Vương có những hàng cây bằng lăng tím ngắc . Mùa nối mùa đi qua đã tạo nên nét chấm phá nên duyên của thành phố trẻ miền Trung.

 Theo Địa chí Quảng Ngãi, tỉnh lỵ Quảng Ngãi được đặt trên địa bàn TP.Quảng Ngãi từ năm 1807, tức 207 năm và đơn vị hành chính thị xã Quảng Ngãi được hình thành từ sau Cách mạng Tháng Tám - 1945. Nhưng mãi đến năm 2003, thị xã Quảng Ngãi mới được công nhận là đô thị loại 3 và đến tháng 8.2005 mới có quyết định lên TP.Quảng Ngãi. Viện dẫn điều này cho thấy TP.Quảng Ngãi là thành phố trẻ kéo dài qua hơn nửa thế kỷ và “tăng tốc” từ sau những năm tái lập tỉnh, nhất là trong một thập niên trở lại đây.    

 Thành phố hình thành, đô thị phát triển trở thành nơi đất lành cho người người đến mưu sinh. Theo Quảng Ngãi tỉnh chí của tuần phủ Nguyễn Bá Trác thì đến năm 1933, ở khu vực thành phố chỉ có 331 ngôi nhà với 1.378 người dân. Nhưng đến năm 2005, thành phố có 8 phường, 2 xã với diện tích 37km2 và dân số lên đến 122.567 người. Thành phố ngày càng bề thế, càng hiện đại, nhưng vẫn lưu giữ  được những hình ảnh thân quen.  Bởi đó, chính là hồn phố, là nét văn hóa của một vùng đất trong chuỗi đô thị của miền Trung. Người thành phố cứ nhớ cái hình ảnh thân quen trong nửa đầu thế kỷ trước. Đó là tiếng nhạc ngựa leng keng , tiếng rao ngân dài trên phố và cả trong những con hẻm nhỏ về món don điểm tâm sớm sớm...   

 Người Quảng Ngãi từ lâu thường truyền tụng câu ca: “Kẹo gương Thu Xà, mạch nha Thi Phổ” Nhưng đó cũng là câu chuyện của nửa đầu thế kỷ trước. Khi thành phố lên đời, người sở tại và các huyện đổ về mang theo tay nghề và kinh nghiệm. Họ đã cùng nhau phát triển để bây giờ kẹo gương, mạch nha, cá bống kho tiêu, đường phổi, đường phèn đều được sản xuất từ thành phố và như thế chút hồn quê, nhiều dư vị được quy tụ và cứ còn mãi với thời gian.

Bút ký: CẨM THƯ

 


.