"Hồn biển" đi muôn phương

01:06, 27/06/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam diễn ra tại Sơn Tây từ ngày 26-28.6, Quảng Ngãi cũng tham gia với những nét văn hóa tinh túy nhất của người Kinh, Cor và H’re. Đặc biệt, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tái hiện nguyên gốc trên đất Bắc với tinh thần yêu nước nồng nàn từ những người con của biển.
Đưa lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đi muôn nơi
 
Đó là mong muốn lớn nhất vào lúc này của nghệ nhân thổi ốc u Võ Chú đến từ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn. Vừa bắt chuyến tàu thủy vào đất liền sáng 25.6, người nghệ nhân với tuổi đời 79 tuổi không tỏ ra mệt mỏi. Niềm vui đang tràn đầy trong lòng người nghệ nhân từ lâu đã coi biển đảo là máu thịt. “Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa là nét riêng, là hồn biển của Lý Sơn. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi đưa nghi thức ý nghĩa này về Hà Nội”- ông Võ Chú cho hay.

 

Tiếng ốc u- lệnh thả thuyền lễ về biển, là nghi lễ không thể thiếu trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Tiếng ốc u- lệnh thả thuyền lễ về biển, là nghi lễ không thể thiếu trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
 
Lần đầu tiên đưa “hồn biển” đi Bắc, ông Võ Chú trải lòng: “Mừng lắm! Từng tuổi này rồi, giờ tôi mới có dịp đưa lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đi ra đất Bắc để cho bà con ngoài đó hiểu rằng, từ lâu lắm rồi, cha ông ta đã đưa quân đi bảo vệ Hoàng Sa rất oai hùng”.
 
Chỉ cách đây vài ngày, khi được Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ngãi thông báo, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa của huyện Lý Sơn sẽ là phần quan trọng trong Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân liền tập hợp lại để phân công công việc cụ thể cho từng người. Đến khi xe chuẩn bị chuyển bánh tiến về đất Bắc, đoàn nghệ nhân, diễn viên từ đảo lý Sơn gồm 17 người vẫn chưa thể tin được, có ngày lễ khao lề sẽ được tái hiện hoàn hảo ở một nơi khác Lý Sơn.
 
Nghệ nhân đóng thuyền lễ Võ Hiển Đạt tâm sự: Lễ khao lề có đến 400 diễn viên. Nhưng vì khoảng cách nên đoàn chúng tôi chỉ đi có 17 người. Nhưng sẽ không thiếu các phần lễ chính như: Đọc văn tế, lễ rước thuyền, thổi ốc u, thả thuyền… Đây là cơ hội để ai cũng biết đến truyền thống giữ gìn biển đảo của người dân Lý Sơn. Để họ tai nghe, mắt thấy rằng Hoàng Sa là ngư trường thuyền thống bao đời nay của ngư dân Việt Nam.

 

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tái hiện nguyên gốc tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Sơn Tây
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tái hiện nguyên gốc tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam ở Sơn Tây.
 
Ông Nguyễn Đăng Vũ- Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết: Ngày gia đình Việt Nam năm nay mang chủ đề “Đại gia đình các dân tộc Việt Nam với chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”. Do đó, những nghi thức truyền thống mang nét đẹp văn hóa biển đảo là điểm nhấn quan trọng tại Làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam. Trong đó, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa sẽ được tái hiện nguyên gốc với đầy đủ ý nghĩa thiêng liêng bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương đã có từ bao đời nay. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch tổ chức, biểu diễn với những phần hội đặc sắc như: Hát bài chòi, hát bả trạo… để làm nổi bật lễ khao lề.
 
Người Cor, H’re cùng hướng về biển đảo
 
Đi cùng đoàn với Lý Sơn ra đất Bắc biểu diễn, còn có 30 nghệ nhân, diễn viên khác là đồng bào Cor, H’re đến từ các huyện Trà Bồng, Sơn Hà… Trong chuyến đi lần này, họ cũng đã ấp ủ những tiết mục hay nhất mang nét riêng biệt của văn hóa vùng cao Quảng Ngãi. “Có dịp để người miền biển, người vùng núi gặp mặt nhau, thể hiện nét văn hóa riêng thật là vui”- Nghệ nhân Hồ Ngọc Vừng đến từ huyện Trà Bồng chia sẻ.
 
Đi biểu diễn chỉ với những chiếc đàn B’râu, B’rót  đơn sơ của Sơn Hà, hay chiếc sáo K’lía và bộ cồng chiêng từ Trà Bồng, đoàn nghệ nhân vùng cao Quảng Ngãi hứa hẹn sẽ khiến cho khán giả đất Bắc rung động với vẻ đẹp giản dị, nhưng lại hùng hồn của người Cor, người H’re.

 

Nghệ nhân Hồ Ngọc Vừng với hai chiếc đàn truyền thống sẽ biễu diễn tại Sơn Tây vào ngày 28.6 tới
Nghệ nhân Đinh Văn Trên với hai chiếc đàn truyền thống sẽ biễu diễn tại Sơn Tây vào ngày 28.6.
 
Nghệ nhân chơi đàn B’râu, B’rót đến từ huyện Sơn Hà Đinh Văn Trên trước đây đã được đi biểu diễn ở nhiều tỉnh thành. Nhưng với ông, chuyến đi lần này vẫn mang lại cảm giác hồi hộp khó tả. Ông nói: Mình đi nhiều rồi. Biểu diễn nhiều cho người ta xem nhưng chưa lần nào có sự phối hợp với người vùng biển Lý Sơn như lần này. Được giới thiệu những cái độc đáo của Quảng Ngãi mình với người dân các vùng miền khác, thì rất là hay và ý nghĩa.
 
Vừa nói xong, ông Trên liền lên dây cho 2 chiếc đàn B’râu, B’rót luôn giữ bên mình như báu vật. Âm thanh vang vang từ những chiếc đàn bằng tre, nứa làm dịu cả không gian oi nồng. Theo lời nghệ nhân Trên, lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hay những tiết mục đàn, sáo, cồng chiêng, chúng đều phải được nghe bằng tai, nhưng cảm nhận bằng trái tim, thì người nghe, người xem mới thấu hiểu được cái đẹp và ý nghĩa trong đó...
 
Bài, ảnh: Thanh Phương

.