Gồng gánh

03:06, 11/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gánh gánh, gồng gồng/gánh sông gánh núi/gánh củi, gánh cành/ta chạy cho nhanh… Câu ca thuở nhỏ lũ trẻ chúng tôi hay nghêu ngao hát và bây giờ các em mẫu giáo vẫn còn hát. Chẳng biết câu ca ấy có từ bao giờ và cũng chẳng có ai trả lời chính xác đôi quang gánh của người Việt có từ thuở nào. Chỉ biết Việt Nam là cái nôi của nền văn hoá nông nghiệp lúa nước và chính nền văn hoá lúa nước đã sản sinh ra đôi quang gánh. Đôi quang gánh có từ ngàn xưa trên mọi nẻo đường của đất nước.

Cùng với thời gian, đôi quang gánh đã cùng ông cha ta vỡ đất khai hoang, xây nhà, dọn vườn, dọn ruộng, đắp đê trị thủy... gánh gạo nuôi quân. Đôi quang gánh đã cùng người dân Việt Nam bao đời vất vả, tần tảo sớm hôm để dựng xây nước nhà. Đôi quang gánh cùng cả dân tộc Việt Nam dệt nên bản tình ca về tình yêu quê hương đất nước, tô đẹp thêm tâm hồn và cốt cách con người Việt Nam.

 

       Ảnh: thethaovietnam.vn
Ảnh: thethaovietnam.vn


Yêu làm sao một gánh sen Tây Hồ còn đẫm sương mai trên đôi vai người con gái đất Hà thành; đọng mãi trong tâm hồn thực khách khi nhớ đến hương vị ngọt ngào từ gánh chè sen của cô gái nơi đất Cố Đô; rồi đến những gánh cá nặng trĩu trên đôi vai của người con gái vùng biển miền Trung đầy nắng và gió; những gánh mãng cầu, sầu riêng trĩu nặng tình đất, tình người phương Nam. Trong con mắt bạn bè thế giới khi đến với Việt Nam, ấn tượng ảnh đẹp nhất và yêu thích nhất là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với chiếc nón lá đội đầu cùng đôi quang gánh trên vai, dáng đi uyển chuyển, nhịp nhàng theo bước chân trên khắp mọi ngả đường.

Nhưng với tôi, yêu hơn cả là sự gánh vác giang sơn đất nước của cha ông, sự tảo tần sớm hôm của mẹ. Thương làm sao đôi vai chai sần của mẹ cha đã gánh vác cả cuộc đời vất vả gian lao. Nhớ những ngày chạy giặc đi tản cư, mẹ đặt đứa con thơ vào một đầu quang gánh, còn một đầu lỉnh kỉnh bao vật dụng gia đình. Đôi quang gánh là người bạn thân thiết của mẹ, nó gắn bó sớm hôm trên ruộng đồng, nó cùng mẹ trong những phiên chợ xa, cùng mẹ nuôi đàn con khôn lớn.

Sự vất vả gian nan đã in mòn trên chiếc đòn gánh bóng loáng nước mun thấm đẫm bao mồ hôi từ đôi vai gầy của mẹ. Một năm có bốn mùa, cả bốn mùa đôi vai mẹ không nghỉ. Để có được những gánh thóc vàng nặng trĩu, những gánh rạ, gánh rơm chất chồng bên hiên nhà thì đôi vai mẹ phải gánh gồng bao thứ, nào phân tro, mạ ủ, những gánh nước chống hạn ngày hè, những đêm trăng be bờ tát nước, chẳng biết mẹ phải đổi bao giọt mồ hôi để dệt lên mùa vàng ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Chỉ biết rằng, đêm về đôi vai mỏi nhừ, đau nhức của mẹ vì sự gánh gồng nhưng mẹ vẫn giấu đi tất cả, chỉ mong con khôn lớn nên người.

Nhớ ngày thuở bé thơ, đứa trẻ nào cũng mong mẹ đi chợ về để tìm trong đôi quang gánh những gói bỏng ngô, những cục kẹo bột gói trong chiếc lá chuối, hay miếng bánh tráng to phồng giòn rụm. Chỉ bấy nhiêu thôi lũ trẻ chúng tôi xúm quang đôi quang gánh của mẹ mà vui, mà mừng.  

Chiếc đòn gánh và đôi quang gánh đi qua đời sống nhiều người Việt Nam như chứng nhân giàu xúc cảm về lẽ sống và đạo làm người. Chiếc đòn gánh và đôi quang gánh trên vai mẹ là biểu tượng tâm hồn, tình cảm và khát vọng của dân tộc Việt Nam và là biểu tượng về đức hy sinh, sự nhẫn nại, tảo tần cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Tôi yêu chiếc đòn gánh sáng bóng nét nhân văn được nuôi dưỡng và hun đúc từ gian khó nhọc nhằn của người Việt.
  

 Thanh Hiếu
                                 
 


.