Di tích đồn Thương Chánh: Cần sớm trùng tu

01:06, 09/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Di tích đồn Thương Chánh (nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Phổ An, xã Nghĩa An, TP.Quảng Ngãi), được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng nói là di tích này đã xuống cấp từ lâu, nhưng chưa được quan tâm trùng tu.

TIN LIÊN QUAN

Di tích đồn Thương Chánh trước kia gọi là Sở Thương Chánh, do thực dân Pháp chiếm đóng và đặt tên. Để thực hiện âm mưu xâm lược, thực dân Pháp lên kế hoạch càn quét lương thực, đặc biệt là muối để cung cấp cho quân lính và vận chuyển về nước. Chúng chọn đồn Thương Chánh làm nơi cất giữ và điều động số lượng lớn quân lính được trang bị vũ khí tối tân để ngày đêm túc trực, canh giữ nghiêm ngặt đồn Thương Chánh.

 

Bia di tích đồn Thương Chánh.
Bia di tích đồn Thương Chánh.


Ông Huỳnh Công Minh (86 tuổi,  là người trực tiếp tham gia trận đánh đồn Thương Chánh) kể. Đêm 14, rạng sáng ngày 15.8.1945, đồng chí Phạm Tòng-Uỷ viên Ủy ban Vận động cứu quốc huyện Tư Nghĩa, chỉ huy nhân dân địa phương bao vây, dùng hỏa công đánh chiếm đồn Thương Chánh. Hai đồng chí Võ Hốt và Trương Luyện xung phong tiến vào đồn phóng hỏa, thiêu đốt kho muối của địch. Chúng vẫn ngoan cố và dùng vũ khí tối tân để đánh phá lực lượng của ta. Trong  lúc chiến đấu, hai đồng chí Võ Hốt, Trương Luyện bị địch bắn và hy sinh. Ngọn lửa căm thù bùng cháy trong lòng quân và dân ta. Kết quả quân ta đã vùng lên tấn công đồn địch và giành chiến thắng, thu toàn bộ vũ khí và lương thực.

Chiến thắng đồn Thương Chánh đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn tỉnh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.  Thế nhưng, hiện di tích này đã xuống cấp nhưng chưa được trùng tu. Hệ thống tường rào, cổng ngõ xung quanh khu di tích bị hư hỏng nghiêm trọng. Di tích nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Phổ An nên diện tích chật hẹp. Ông Lê Văn Ưng-Trưởng ban Mặt trận thôn Phổ An, kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần quan tâm trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích đồn Thương Chánh”. Ông Ưng cho biết, người dân địa phương có ý nguyện góp tiền để trùng tu lại di tích, nhưng đây là di tích cấp tỉnh nên không dám.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Cao Chư-Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, lý giải: Về quy chế phân cấp quản lý thì di tích đồn Thương Chánh thuộc quản lý của địa phương. Xã và thành phố phải có trách nhiệm trong việc bảo quản di tích. Việc người dân tự nguyện đóng góp tiền để trùng tu di tích là việc làm rất đáng khích lệ, tuy nhiên phải có văn bản đề xuất gởi cho Sở và cam kết giữ nguyên hiện trạng di tích”. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có phương án trùng tu, bảo vệ di tích đồn Thương Chánh để ngày càng phát huy giá trị lịch sử, giáo dục niềm tự hào về truyền thống kiên cường, bất khuất của cha ông.

Bài, ảnh: T.PHƯƠNG-N.TIẾN

 


.