Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa: Trách nhiệm không của riêng ai

04:06, 08/06/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa lâu dài vì sự phát triển bền vững theo tinh thần Hội nghị Trung ương 9 khóa XI đã nhấn mạnh. Quảng Ngãi được đánh giá là có “bề dày” về di sản văn hóa. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn nhiều bất cập.    

TIN LIÊN QUAN


Nhận diện di sản

Quảng Ngãi là tỉnh có “bề dày” về di sản văn hóa. Cả thế giới biết đến Quảng Ngãi qua văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa. Thành quách, đền miếu, lăng tẩm cùng hàng trăm lễ hội văn hóa đặc sắc từ miền núi cho đến ven biển đã tạo nên nét đẹp riêng có ở khúc ruột miền Trung đầy nắng gió. Ở dãy Trường Sơn-Tây Nguyên hùng vĩ, đồng bào các dân tộc thiểu số có mừng lúa mới, hiến sinh trâu, múa chiêng, múa cà đáu, hát kalêu, kachoi, xà ru, a giới… Tại vùng quê mà hằng ngày người dân tiếp xúc với con sóng-ngọn gió gìn giữ nét đẹp có lễ tế cá Ông, lễ cầu ngư, hát bả trạo, hát sắc bùa…  

 

 Học sinh thắp hương tại tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ.
Học sinh thắp hương tại tượng đài khu chứng tích Sơn Mỹ.


Quảng Ngãi có hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội điện Trường Bà. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã ngấm vào ngư dân đất đảo Lý Sơn nói riêng và người dân miền biển Quảng Ngãi nói chung như là máu, là thịt, bởi sự tri ân thế hệ cha ông chẳng tiếc máu xương gìn giữ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đặc biệt, trong công tác điều tra di sản văn hóa phi vật thể, tỉnh ta đã phát hiện tài liệu Hán Nôm liên quan đến chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng ở làng An Hải, huyện Lý Sơn truyền đời gìn giữ. Về các di tích, tính đến nay toàn tỉnh đã công nhận xếp hạng 29 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia, 174 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp tỉnh.  

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Chư phấn khởi khi đề cập đến nét đẹp văn hóa trên địa bàn tỉnh. “Công tác nghiên cứu về văn hóa của tỉnh thực hiện tương đối bài bản. Qua đó làm cho mọi người có tri thức cơ bản về văn hóa Quảng Ngãi”, ông Chư nói. Cùng với công tác nhận diện di sản văn hóa, việc trùng tu, tôn tạo di tích cũng được chú trọng thực hiện. Các hoạt động lễ hội tại di tích được quản lý, hướng dẫn nên đã phát huy tốt giá trị, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng, nêu cao tinh thần yêu nước.

Đau đáu nỗi lo    

Nhắc đến thực trạng một số di sản văn hóa trong tỉnh bị xuống cấp, mai một, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Chư cũng như nhiều người tâm huyết với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc không khỏi trăn trở. Ông Chư nói: “Phần chưa được trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cũng còn rất nhiều. Có một số di sản văn hóa dân tộc bị mai một”.  Theo ông Cao Chư, đáng lo lắng nhất là văn hóa dân tộc mất rất nhanh. Đơn cử như lễ cúng cơm mới của đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều người không làm lúa rẫy nên lễ cúng cơm mới dần mất đi. Hay như không ít đồng bào dân tộc thiểu số ngượng ngùng khi mặc trang phục truyền thống.

Thực tế cho thấy vẫn đau đáu nỗi lo xâm hại di tích. Công tác quản lý, trùng tu tôn tạo di tích vẫn còn hạn chế. Có nhiều di tích bị xuống cấp. Cán bộ chức năng ở một số địa phương hạn chế về mặt nhận thức đối với công tác quản lý di tích trên địa bàn. Nhiều người nghĩ rằng, di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh thì cấp xã “vô phận sự”.

Ngoài ra, theo ông Cao Chư vẫn còn nhiều di sản văn hóa chưa được nghiên cứu thấu đáo. Cơ sở vật chất của ngành văn hóa thiếu thốn, lạc hậu. Đội ngũ những người làm công tác văn hóa còn “mỏng” so với nhu cầu. Nhận thức về tầm quan trọng của văn hóa cũng như việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong cán bộ, nhân dân nhìn chung còn hạn chế. Thiết nghĩ, để triển khai công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa có hiệu quả nhằm góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì không chỉ riêng nỗ lực của ngành văn hóa mà cần sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ
 


.