Trận đánh cuối cùng

02:05, 10/05/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Tiếng canh nông, tiếng đại bác vẫn nổ rền vang ở góc trời phía đông, lâu lâu một loạt pháo sáng địch lại vút lên trên bầu trời đêm, phá tan sự yên tĩnh của không gian làng quê ven bờ sông Trà Khúc.

Đêm nay, bên ngọn đèn dầu le lói, cha đã ngồi tâm sự với anh Hoàng, ông phân tích cho anh về sự gian khổ, khốc liệt của cuộc chiến tranh, sự hy sinh là điều không tránh khỏi. Ông yêu cầu anh phải có bản lĩnh, dũng cảm trước quân thù. Anh không trả lời chỉ ngẩng đầu nhìn cha bằng ánh mắt cương trực và nắm chặt tay ông như một lời hứa trước lúc lên đường.

Đêm về khuya, không gian càng tĩnh mịch, ngoài vườn tiếng côn trùng kêu rả rích. Cha bảo anh: Con đi nghỉ lấy sức ngày mai lên đường.


Anh Hoàng nằm mà không sao chợp mắt được, còn 2 giờ đồng hồ nữa,  anh xa cha mẹ, các em và người thân yêu trong gia đình về vùng căn cứ cách mạng. Tiếng gà cất tiếng gáy canh hai, cha gọi anh dậy. Anh vội vã rửa mặt, khom người bước vào bếp, mẹ đã đặt sẵn chén cơm trên mâm gỗ. Bưng chén cơm nhìn mẹ, anh không tài nào nuốt nổi. Trong khoé mắt mẹ có ngấn lệ, bà biết rằng những ngày tháng gian khổ sẽ đến với cậu con trai đầu vừa tròn 15 tuổi. Nghĩ đến đó bà đau đến quặn lòng. Bà ngồi xuống bên anh, đưa tay xoa đầu và dặn anh can đảm lên, hãy sống xứng đáng với làng quê con nhé. Nói xong, mẹ ôm chặt anh vào lòng, giọt nước mắt của mẹ rơi trên mái tóc anh.

Trời vừa mờ sáng, một người cán bộ đến, cha vội đeo chiếc gùi vải lên vai anh. ông tiễn anh đến cuối con đường làng, vỗ nhẹ lên vai anh.

Con đi nhé! Nhớ giữ gìn sức khoẻ, kết thúc chiến tranh cha mong con sớm trở về! Hoàng khẽ dạ rồi vội vã chạy theo người cán bộ cách mạng.

Tiễn con đi rồi, ông lặng lẽ quay về, trong ông bao buồn vui lẫn lộn. Anh Hoàng không ngờ đó là lần cuối cùng được gặp cha. Sau này anh được biết, cha cùng đơn vị bộ đội chủ lực, du kích địa phương tổ chức đánh chặn địch trong trận càn tại Bàu Sen, xã Nghĩa Thắng. Lực lượng địch quá đông, hoả lực mạnh, chiến sĩ của ta người bị thương, người hy sinh, cha đã hy sinh vào đêm tháng Chạp năm 1968. Nhận tin cha hy sinh, Hoàng chết lặng người, anh không khóc nhưng nước mắt cứ tuôn rơi. Anh hứa với lòng mình phải trả thù cho cha. Anh tình nguyện xin ra tuyến trước.

Ba giờ sáng một ngày tháng 10 năm 1972, trong tiết trời se lạnh của mùa đông, Hoàng cùng 28 đồng chí ở các đơn vị của tỉnh và ngành giao bưu xuất quân đến núi Lách, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh khi trời đã sáng. Để bảo đảm bí mật, cả đơn vị đi men theo bờ tre sông Trà Khúc đến xã Tịnh Sơn (Sơn Tịnh). Không gian bốn bề vắng lặng, một vài ngôi nhà tranh, vách đất nằm ẩn mình dưới rặng tre, làng mạc tiêu điều, xác xơ.

Không gian bao trùm sự chết chóc của chiến tranh sau những trận càn ác liệt. Cả đơn vị vừa đi, vừa chạy, ai nấy lưng ướt đẫm mồ hôi. Họ bơi xuôi theo dòng nước sông Trà Khúc qua bãi cát thôn Xuân Phổ. Khi còn cách kho hàng chừng 300m, bỗng hàng trăm quả đạn pháo 105 ly từ hướng căn cứ Chu Lai (Quảng Nam), Bình Liên, huyện Bình Sơn bắn cấp tập, dồn dập rơi xuống đội hình đơn vị. Loạt pháo đầu 3 đồng chí hy sinh, hai người bị thương, toàn trận địa khói bụi mịt mù. Tiếng đạn pháo rít liên hồi xen lẫn tiếng gầm rú của máy bay phản lực dội bom, máy bay HU1A quần đảo trên đầu. Địch bắt đầu đổ quân với  một tiểu đoàn lính Mỹ, súng tiểu liên và AR 15 lăm lăm trên tay. Chúng bắn xối xả vào các mục tiêu nghi ngờ. Tình thế bất ngờ, nguy hiểm, anh Hoàng, anh Bửu và đồng đội vẫn bình tĩnh triển khai lực lượng chiến đấu. Khoảng 16 giờ 30 phút trận đánh nổ ra.

Lực lượng giữa ta và địch không cân sức, anh Bửu và một số đồng chí hy sinh, số còn lại dìu các đồng chí bị thương bí mật rút lui. Anh Hoàng nhận nhiệm vụ ở lại, đánh lạc hướng địch, thu hút hoả lực địch về mình. Mặc dầu trên đầu anh bị thương khá nặng 1 viên đạn xuyên qua chân trái và 1 viên xuyên qua bả vai phải, máu từ các vết thương tuôn lai láng, anh vẫn bình tĩnh chiến đấu ngoan cường. Anh trườn mình bò từ bụi cây rù rì này qua bụi rù rì khác; lợi dụng hố pháo, đụn cát làm nơi ẩn nấp. Anh bắn tỉa hạ gục một số tên Mỹ định liều chết xông lên bắt sống anh.

Mặt trời phía tây bắt đầu lặn, địch siết chặt vòng vây, súng của anh hết đạn. Không để kẻ thù thu vũ khí, anh bò đến mé sông, nơi có hòn đá bàn, anh dồn sức đập mạnh khẩu AK vào tảng đá, khẩu súng gãy nát. Ném tất cả xuống dòng sông và huỷ tất cả tài liệu, anh gục xuống ngất lịm. Tỉnh lại nghe tiếng nổ của động cơ máy bay trực thăng, anh biết mình đã bị bắt. Không để lọt vào tay kẻ thù, anh Hoàng quyết định tự sát. Anh vùng dậy lao ra khỏi cửa máy bay trực thăng, khi chiếc máy bay đang ở độ cao khoảng 800m.

Tên lính Mỹ giữ khẩu đại liên ngồi ở cửa máy bay nhanh tay chụp cánh tay anh, toàn thân anh Hoàng bị treo lơ lửng dưới cửa máy bay. Mất cân bằng, máy bay chao nghiêng nên bọn chúng phải bay lượn một vòng trên sông. Sự kiện lạ, làm dân chúng hai bên bờ sông đổ ra xem. Lượn 2 vòng chiếc trực thăng hạ xuống bãi cát Xuân Phổ. Chúng thi nhau đánh đập anh đến ngất lịm rồi trói tay, chân ném lên máy bay, bay thẳng về sân bay Gò Hội khi màn đêm ập xuống, chỉ còn bầu trời nhấp nháy các vì sao. Dưới mặt đất, những góc phố thấp thoáng ánh đèn điện sáng li ti toả sáng một góc trời.

Bây giờ được sống trong hoà bình, có dịp đến thăm đồng đội, những người bạn một thời cùng anh xông pha trận mạc, sự sống và cái chết cận kề, anh vẫn không sao quên được những ngày tháng đen tối trong nhà tù Mỹ, Ngụy, đi hết xà lim này, qua xà lim khác. Ở đâu anh cũng phải trải qua những trận đòn tra tấn khốc liệt, song anh vẫn giữ vững khí tiết của một người cộng sản, giữ lời hứa với người cha thân yêu thuở nào. Giờ đây, trong cuộc sống hiện tại, có lúc anh chạnh lòng, xót xa đâu đó vẫn có người vì lợi ích cá nhân đã đánh mất phẩm giá của mình trước cám dỗ của đời thường, lãng quên đi những ngày giông tố. Hồi tưởng về những ngày đã qua, anh Hoàng chợt nhận ra ánh bình minh đã toả sáng ở chân trời, báo hiệu một ngày mới đang về trên quê hương anh.

Truyện ngắn: Đông Hà
 


.