Nhớ mùa mít non...

10:04, 12/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Có một thời chưa xa, cuộc sống giữa đồng bào miền xuôi, miền ngược còn nghèo khó. Cái tình, cái nghĩa được thể hiện qua những món quà thuộc "cây nhà lá vườn".

Ngày ấy, cứ mỗi độ tháng ba âm lịch về, các dòng sông không còn tuôn dòng réo rắt. Dòng nước trong xanh lững lờ trôi. Lúc này, đường bộ chưa phát triển, một bộ phận dân nghèo dùng ghe bầu chèo ngược các dòng sông lên thượng nguồn mua, đổi nông lâm thổ sản. Hành trình ngược nguồn, trên chiếc ghe bầu họ thường chất đầy những sản phẩm từ biển còn nguyên sơ, hay đã chế biến, như mắm nục, ruốc khô, tươi, cá chuồn muối và nhiều sản phẩm tiêu dùng khác.

 


Bởi, sau Tết Nguyên đán, giông bão đi qua, biển hiền hòa ưu đãi cho ngư dân những mẻ cá chuồn đầy ắp khi cập bến. Trong tiết trời giao hòa giữa xuân sang hạ, trên vùng cao lúc này trời nắng ấm. Con tu hú gọi bầy, cũng là mùa con ong đi lấy mật. Những sản vật từ núi rừng như mây, đót, đường mía, ngô, bà con cũng dần thu hoạch. Đây cũng là mùa đồng lúa bắt đầu trĩu hạt...

Người miền xuôi cần nông sản người miền ngược cần con cá, hạt muối mặn để làm đồng, để làm thức ăn dự trữ quanh năm. Cuộc trao đổi diễn ra ở khắp các làng quê vùng cao. Giá trị của sản vật từ biển, từ núi rừng thường không thương mại hóa tính bằng đơn vị tiền, cũng chẳng so đo tính toán hơn thua, mà họ thỏa thuận rồi đổi với nhau. Đôi khi là ghè mắm nục đổi muỗng đường. Đôi khi bó mây đổi vài ang muối. Trái mít non, đổi vài con cá chuồn... Ngày ấy, cây mít luôn gắn chặt ở mỗi mảnh vườn quê tôi. Tuy mộc mạc, đơn sơ nhưng mỗi mùa mít non về là cải thiện bao bữa cơm của gia đình. Bởi mít non có thể nấu với tôm bắt từ suối lên, luộc làm rau trộn với đậu phụng, với ruốc khô để xúc bánh tráng. Những bữa cơm đậm đà vị ngọt của biển, quyện cùng vị bùi bùi của mít non càng làm thêm ngon miệng.

Trong cuộc buôn bán, nhiều gia đình chẳng có gì để đổi, người miền ngược thường lấy mít non để biếu người miền xuôi, người miền xuôi cũng thơm thảo cho lại vài con cá chuồn. Tình sâu, nghĩa nặng cũng được đong đầy qua những ngày tháng nghèo khó như vậy. Câu ca "Ai về nhắn với nậu nguồn. Mít non gửi xuống, cá chuồn gửi lên" đã tạc vào sông, vào núi từ đó.


Cuộc sống đổi thay, bây giờ tôi trở thành công chức ở một thành phố nhỏ bé đầy nắng gió miền Trung. Dẫu xa quê, nhưng mỗi độ tháng ba âm lịch về, khi con tu hú gọi bầy, tôi lại nhớ da diết món cá chuồn kho mít non của mẹ.  


TRƯỜNG AN
 


.