Người đưa G. G.Marquez tới Việt Nam

10:04, 20/04/2014
.

*Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Người đó là nhà văn-dịch giả Nguyễn Trung Đức. Anh Trung Đức đã mất cách đây 14 năm, nhưng có điều lạ, là những bản dịch sách Marquez của anh vẫn được tái bản hàng năm, đều đặn.
 

dịch giả Nguyễn Trung Đức
Dịch giả Nguyễn Trung Đức

Khó có nhà văn nước ngoài nào có số lượng sách dịch được in nhiều nhất ở Việt Nam như nhà văn G.G. Marquez, kể cả số lượng đầu sách và số lượng bản in. Và cũng khó có dịch giả Việt Nam đương đại nào mà tên tuổi gắn chặt với tên tuổi một nhà văn vĩ đại như dịch giả Nguyễn Trung Đức gắn bó với Marquez.

Nguyễn Trung Đức đã đưa Marquez tới Việt Nam. Chính xác hơn, anh đã đưa tác phẩm của Marquez thông qua bản dịch Việt ngữ tới với người đọc Việt Nam, trong thời điểm văn học Việt Nam khát khao sự thay đổi.

Tôi còn nhớ, vào tháng 11.1983, khi ra Hà Nội dự đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ 3, tôi được bạn bè đón về nhà dịch giả Nguyễn Trung Đức ở số 8 phố Tràng Tiền. Tôi lập tức trở thành bạn thân suốt đời với anh Trung Đức ngay từ ngày ấy. Và cũng gần như ngay lập tức, món quà tôi nhận được từ anh Trung Đức là bản thảo đánh máy tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn” vừa được Nguyễn Trung Đức và hai cộng sự dịch ra tiếng Việt. Tôi ôm tập bản thảo suốt mấy ngày, đọc mê mải từ trang đầu tới trang cuối.

Tôi thực sự biết G.G. Marquez từ đó. Cũng như tôi, rất nhiều nhà văn, nhiều độc giả Việt Nam cho tới lúc ấy chỉ mới nghe danh Marquez, chứ chưa hề được đọc tác phẩm của ông. Dù lúc ấy, Marquez đã nổi tiếng khắp thế giới. “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” của Marquez, qua tác phẩm “Trăm năm cô đơn” mà Nguyễn Trung Đức dịch ra tiếng Việt, đã mở ra cho các nhà văn, nhà thơ Việt Nam một chân trời sáng tạo mới. Nhiều nhà văn Việt Nam, nhất là các nhà văn trẻ vào thời điểm ấy, đều công nhận họ đã được ảnh hưởng từ cách tư duy, cảm nhận thế giới cho tới lối viết của Marquez. Và đó là những ảnh hưởng rất tích cực cho quá trình tìm tòi, sáng tạo của họ.

Nguyễn Trung Đức đã làm được một việc lớn lao hơn cả việc một dịch giả làm được. Là một dịch giả, nhưng là một nhà nghiên cứu văn học tiếng Tây Ban Nha, Nguyễn Trung Đức không chỉ dịch mà còn giới thiệu, không chỉ giới thiệu mà còn hệ thống, làm bật sáng những nét cơ bản của “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” mà Marquez chủ xướng. Điều đó cần thiết cho người đọc, nhưng còn cần thiết hơn cho các nhà văn Việt Nam.

G.G. Marquez là một trong số rất ít những nhà văn vĩ đại nhất thế kỷ hai mươi, “vắt dòng” sang thế kỷ hai mốt. Đó là nhà văn có ảnh hưởng nhiều nhất tới văn học thế giới nửa cuối thế kỷ hai mươi. Nhưng Marquez không chỉ là nhà văn vĩ đại. Ông còn là nhà tiên tri, là nhà báo dám xông vào những điểm nóng nhất của Mỹ la tinh để vinh danh tính chiến đấu và sự can đảm của nghề báo. Với Marquez, làm báo cũng là để làm văn học.
 

Nhà văn G.G Márquez mãi ra đi
Nhà văn G.G Marquez mãi ra đi.

Nhiều tác phẩm của ông đã ra đời sau khi ông vào cuộc với tư cách một nhà báo, một người thầy tổ chức và đào tạo những nhà báo chuyên viết phóng sự. Những tác phẩm của Marquez, vì thế, không chỉ có ích với nhà văn, mà còn rất có ích với nhà báo. Nhiều lần, trong lúc tâm sự với tôi, nhà văn-dịch giả Nguyễn Trung Đức đã hy vọng những tác phẩm của Marquez, qua bản dịch tâm huyết của anh, sẽ kích hoạt được những tìm tòi mới, những cách tân trong văn học Việt Nam. Anh cũng rất kỳ vọng vào những nhà văn trẻ thời thập niên 80 của thế kỷ hai mươi ấy, những người mà anh nghĩ họ sẽ hân hoan đón nhận tác phẩm và cả chủ thuyết hiện thực huyền ảo của Marquez. Nguyễn Trung Đức đã không nhầm.

Bây giờ, có thể nói, chính Marquez-qua những tác phẩm của ông-đã là nhà văn nước ngoài có ảnh hưởng nhiều nhất, tích cực nhất tới tiến trình phát triển của văn học Việt Nam những thập niên cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Đầu những năm 80 của thế kỷ hai mươi, Marquez đã tới thăm Việt Nam, đã đàm đạo với những nhà văn hàng đầu Việt Nam lúc ấy như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Minh Châu… Và dĩ nhiên, người tiếp xúc với Marquez nhiều nhất, trò chuyện với nhà văn Colombia vĩ đại lâu nhất chính là dịch giả Nguyễn Trung Đức.

Theo anh Trung Đức kể lại, thì Marquez rất vui khi biết tiểu thuyết quan trọng nhất của mình Trăm năm cô đơn  đã được dịch và sẽ được in tại Việt Nam. Thậm chí, ông còn hồ hởi nói là sẽ tài trợ cho phần in ấn, nếu Việt Nam khó khăn. Dù bây giờ Việt Nam đã mở cửa ra với thế giới, rất nhiều nhà văn lớn của thế giới có tác phẩm được dịch ra tiếng Việt. Nhưng chúng ta luôn nhớ lại và biết ơn những bước khởi đầu ấy. Khi nhà văn-dịch giả Nguyễn Trung Đức không chỉ là người đầu tiên đưa Marquez tới Việt Nam, mà còn là người đầu tiên hệ thống những đặc điểm của thi pháp văn xuôi Marquez, giới thiệu với người đọc và những nhà nghiên cứu Việt Nam về Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo mang màu sắc Mỹ la tinh của Marquez.

 


.