Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa: Điểm nhấn để phát triển du lịch ở Lý Sơn

09:04, 04/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được các tộc họ ở Lý Sơn tổ chức hàng năm nhằm tri ân những thuỷ binh hùng mạnh của hải đội Hoàng Sa năm xưa. Lễ khao lề được tái hiện đã khơi dậy lòng yêu nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế. Đây chính là điểm nhấn để phát triển du lịch ở Lý Sơn.

TIN LIÊN QUAN

Tái hiện lễ khao lề

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa do các tộc họ ở Lý Sơn tổ chức vào tháng 2 âm lịch hằng năm. Sau khi tổ chức lễ, người dân Lý Sơn thả thuyền để gọi hồn những chiến binh. Trong lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, việc thả thuyền có hình nộm bên trong là nhằm mục đích thế mạng cho các đăng binh. Các hình nộm sẽ gánh chịu nguy hiểm thay cho các hùng binh trong những tháng ngày lênh đênh trên biển. Các hùng binh sống trên mặt nước trong suốt 6 tháng (từ tháng 2 cho đến tháng 8 âm lịch) để tìm kiếm sản vật ngoài biển, rất hiếm người có cơ may trở về. Để người nhà có thể tìm thấy và nhận ra xác, trước khi đi mỗi hùng binh mang theo một đôi chiếu, 7 sợi dây mây, 7 đòn tre và một thẻ bài có ghi rõ họ tên. Nếu thuyền bị sóng đánh dạt thì các vật dụng mang theo dùng để quấn thi thể, giúp thi thể trôi dạt vào đất liền hoặc đảo.

Ông Phạm Thoại Tuyền - hậu duệ của suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật cho biết: Lễ khao lề đã có từ khoảng năm 1817. Khi các thuỷ quân Hoàng Sa đi làm nhiệm vụ không trở về, người nhà đã làm lễ khao lề thế lính.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.

Trước đây, vào tháng 2 âm lịch, triều đình tổ chức lễ khao lề tế sống lính Hoàng Sa để các đăng binh yên tâm đi làm nhiệm vụ. Mãi đến nay các hậu duệ đời sau của tộc họ vẫn làm lễ khao lề hằng năm nhằm tri ân những chiến sĩ trận vong; đồng thời để cháu con đời đời không quên ân đức của các vị tiền hiền. Các thế hệ con cháu trên đất đảo Lý Sơn luôn tự hào về thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương để giữ gìn chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Để phát triển du lịch bền vững

Chính những sử sách còn lưu giữ; các di tích gắn liền với hải đội Hoàng Sa như nhà thờ, mộ gió cai đội Phạm Quang Ảnh, suất đội thuỷ quân Phạm Hữu Nhật, đình làng An Vĩnh, An Hải- nơi xưa kia các hùng binh tế thần trước khi ra đi làm nhiệm vụ, Âm linh tự và mộ lính Hoàng Sa, các văn bản thời phong kiến do các hương chức trong làng kiến nghị lên cấp tỉnh được giảm thuế và được lập đình làng, miếu mạo từ năm 1817 (thời vua Gia Long) để tách rời khỏi xã Tịnh Kỳ và hơn hết là lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức hằng năm ở các nhà thờ tộc họ Phạm (Văn), Phạm (Quang), Võ (Văn), tộc Nguyễn… đã minh chứng rằng Hoàng Sa là của Việt Nam.

Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc tái hiện lại Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã góp phần khơi dậy lòng yêu đất nước, thu hút sự quan tâm đặc biệt của đông đảo người dân trong cả nước và bạn bè quốc tế. Những năm qua, đông đảo du khách tìm đến Lý Sơn để hiểu hơn về Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, để biết về lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo của dân tộc. Đây là cơ hội và cũng là điểm nhấn để phát triển du lịch ở Lý Sơn. Tuy nhiên, hiện tại Lý Sơn vẫn chưa hội đủ các điều kiện để phát triển du lịch bền vững. Vấn đề môi trường, cơ sở lưu trú và dịch vụ, phương tiện đi lại chưa đảm bảo…

Ông Nguyễn Phúc Nhân-Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, vào trung tuần tháng 3, Tổng cục du lịch đã tổ chức hội thảo tại Lý Sơn với sự tham dự của 40 doanh nghiệp lữ hành trên toàn quốc. Có nhiều giải pháp, sáng kiến hay được nêu ra nhằm thúc đẩy phát triển du lịch ở Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung”. Ông Nhân cũng cho biết thêm, lượng khách đến vào dịp lễ khao lề và các mùa lễ hội khác trên  đảo tăng đột biến.

Tuy nhiên, theo các nhà làm du lịch chuyên nghiệp,  khách đến Lý Sơn theo mùa dẫn đến hệ số sử dụng đồng đều không thường xuyên nên nếu xây dựng cơ sở lưu trú và các dịch vụ khác theo lượng khách của mùa lễ hội sẽ không có tính bền vững. Theo tính toán thì hệ số sử dụng thường xuyên đối với những tỉnh phát triển du lịch ở mức trung bình chỉ cần từ 30- 40% so với những ngày lễ hội đã đạt thành công. Bên cạnh đó, cần tăng cường nguồn nhân lực về du lịch cho địa phương. Lý Sơn có nhiều đặc sản nhưng để tạo thương hiệu và hấp dẫn du khách đòi hỏi phải nâng tầm chế biến.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.