Hụt hẫng rạp chiếu phim

12:04, 17/04/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Rạp chiếu phim được xem là thiết chế văn hóa quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, góp phần nâng cao dân trí trong công cuộc đổi mới của đất nước. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các phương tiện giải trí đa năng, rạp chiếu phim được xây dựng từ lâu ở Quảng Ngãi đã trở nên lạc hậu, xuống cấp nghiêm trọng, hiệu quả sử dụng thấp.

Vất vả như... đi xem phim

Đối với các bạn trẻ, rạp chiếu phim là nhu cầu không thể thiếu. Đó là nơi các bạn giải trí và hòa nhập với các nền văn hóa khác trên thế giới. Số đông khán giả trẻ hiện đại là những nhà tiêu dùng thông thái, sẵn sàng chi ra khoản tiền xứng đáng dành cho giải trí. Để thỏa mãn đam mê phim ảnh, nhiều người đã phải vượt gần 200km để đến TP.Đà Nẵng... xem phim. Anh Phạm Ngọc Huy, sống và làm việc ở TP.Quảng Ngãi, nhưng vào cuối tuần vẫn hay đến Đà Nẵng để xem phim và giải trí. “Dù giá vé xem phim đang tăng lên nhưng không đến mức không chấp nhận nổi, khi mức sống của người trẻ thành thị cũng ngày càng nâng cao và nhu cầu thưởng thức điện ảnh là không giới hạn”- anh Huy chia sẻ.

 

Rạp Hòa Bình nay đã xuống cấp, cũ kỹ.
Rạp Hòa Bình nay đã xuống cấp, cũ kỹ.


Tại các rạp chiếu phim ở các thành phố lớn như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, nhiều nhà phát hành còn thể hiện sự quan tâm đến khán giả bằng những chương trình ưu đãi như giảm giá vé cho học sinh - sinh viên, giảm giá vé vào những ngày chiếu, ca chiếu nhất định. Tất cả những thay đổi tích cực này đã khiến đội ngũ khán giả yêu phim có nhiều lựa chọn cho nhu cầu xem phim, giao lưu bè bạn, tiếp cận nền điện ảnh thế giới.

Trái ngược với sự náo nhiệt, sôi động trên là sự đìu hiu của rạp Hòa Bình. Những thời điểm được xem là “giờ vàng” như Tết Nguyên đán, dịp nghỉ hè thì rạp chiếu phim vẫn rất ít phim để chiếu. Nhiều tác phẩm điện ảnh đã cũ lại được đem ra chiếu, khiến khán giả có ít lựa chọn. Hệ thống máy điều hòa, ghế xem phim... đã vô cùng lỗi thời, không đáp ứng được nhu cầu của khán giả đến với rạp.

Chờ đầu tư

Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, rạp Hòa Bình được xây dựng từ những năm 1950, sau giải phóng 1975 thì Nhà nước quản lý, khai thác. Đến năm 1993, rạp Hòa Bình được Bộ Văn hóa - Thông tin khi đó đầu tư hơn 1 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp. Rạp Hòa Bình hiện có 1 phòng chiếu ở tầng 2, với khoảng 300 ghế ngồi. Điều đáng nói là phòng chiếu phim được trang bị máy chiếu phim nhựa đã cũ, lạc hậu. Theo tốc độ phát triển của thị trường phim ảnh như hiện nay, với những kỹ thuật tối tân, hiện đại, thì máy chiếu phim hiện có của rạp Hòa Bình rất khó sử dụng để phục vụ cho công tác trình chiếu đạt chuẩn.

Ông Đỗ Hữu Dân – Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng (Sở VH-TT&DL), cho rằng, việc cải tạo, nâng cấp, sửa chữa rạp Hòa Bình là tạo điều kiện cho Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Quảng Ngãi tiếp tục thực hiện các hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị được giao. “Quảng Ngãi có thể kêu gọi xã hội hóa công tác xây dựng và khai thác các rạp chiếu phim tư nhân. Nhưng là ở một địa điểm khác, chứ không nhất thiết là phải đặt ngay vị trí của rạp Hòa Bình hiện hữu. TP.Quảng Ngãi hay KKT Dung Quất rất cần có những rạp chiếu phim hiện đại. Nhưng rạp Hòa Bình phải được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới bằng nguồn ngân sách nhà nước, để duy trì một thiết chế văn hóa quan trọng của Quốc gia”- ông Dân nói.

Cơ sở để ông Dân đề xuất việc xây dựng cụm rạp chiếu phim Hòa Bình mới là từ quyết định phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, định hướng đến 2030” vào tháng 11.2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, phấn đấu xây mới khoảng 10 rạp chiếu phim ở các tỉnh thành miền Bắc; 15 rạp tại miền Trung và 24 rạp tại miền Nam, với trang thiết bị kỹ thuật phù hợp, đạt tiêu chuẩn; trong đó, ưu tiên các địa phương chưa có rạp chiếu phim. Ngoài ra còn sửa chữa, cải tạo và nâng cấp những rạp hiện có để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Ông Dân cho hay, căn cứ quyết định này, thì Quảng Ngãi được phép xây dựng cụm rạp chiếu phim mới có từ 1- 2 phòng chiếu, với gần 1.000 ghế ngồi.

Hiện nay, vốn dành cho đầu tư công rất khó khăn, nên việc đầu tư phát triển các rạp chiếu phim cần đẩy mạnh thực hiện theo phương thức xã hội hóa. Nhưng do rạp chiếu phim là những thiết chế văn hóa mang tính đặc thù nên, tỉnh cần ban hành những chính sách ưu đãi về đất, lãi suất vay vốn và thuế để khuyến khích tư nhân, nhà đầu tư.    

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.