Nhớ lúa trì trì

09:03, 21/03/2014
.

Ai về đồng cát mà mê
Gạo trì trì trắng ỏng, con cá trê vàng hườm!


Câu ca ấy có lẽ là niềm tự hào của những người sinh ra nơi vùng đất cỗi cằn nhưng cũng có những sản vật mà ít nơi nào có được. Đấy là hạt gạo trì trì đã gắn bó với người đồng cát quê tôi một thuở.

Không ai biết, ai đã đặt tên cho cái giống lúa này mà mãi sau này tôi mới vỡ lẽ. Theo nghĩa của tiếng Việt, “trì” là níu giữ, là làm cho dài ra. Thật vậy, trì trì là một giống lúa rất dài ngày và cũng được gieo trồng trên một vùng đất khá đặc biệt.

Ai đã từng sống ở vùng đất cát thì biết. Đồng ruộng ở đây không có cảnh “cò bay thẳng cánh” mà chỉ là những mảnh ruộng nhỏ nằm uốn lượn ven các chân đồi, gò đất. Đất cát bạc màu, nắng thì khô cằn, mưa thì sa bồi thủy phá. Trong những mảnh ruộng ấy, có những khoảnh nằm sát chân đồi hoặc gò đất. Mỗi năm có thể canh tác được hai vụ. Một vụ khoai và một vụ lúa. Và vụ lúa ấy chính là vụ lúa trì trì.

Khoảng tháng hai, tháng ba âm lịch, sau khi thu hoạch vụ khoai thì những khoảnh ruộng ấy được cày vỡ. Ăn Tết Đoan Ngọ xong là người dân quê tôi ra đồng để gieo lúa. Đất được bừa kỹ, sau đấy là vãi giống, cày xóc lại và bừa kỹ một lần nữa. Dưới cái nắng tháng năm, cây lúa mọc lên cứ lơ phơ, èo uột. Phải siêng làm cỏ, bón phân thì cây lúa mới thành hình. Cứ thế chờ mãi đến tháng tám, tháng chín thì trời bắt đầu mưa.

Những cơn mưa đầu mùa của miền Trung đã giúp cho cây lúa trì trì bắt đầu xanh lại sau những ngày cháy hoe vì nắng. Nhưng phải đợi đến tháng mười, khi những cơn mưa “thúi trời thúi đất” bắt đầu đổ xuống thì đây mới là thời điểm thích hợp để cho cây lúa trì trì phát triển. Gò cát ngấm nước, những mạch nước như những đồng xu nhỏ từ dưới đất trào lên, mang bao nhiêu là khoáng chất mà dân quê tôi quen gọi là “dậy mạch”. Những cây lúa trì trì lúc này bắt đầu đẻ nhánh, sau đó là tròn mình và xanh ngăn ngắt. Từ bụi lúa lơ phơ, èo uột  ngày nào, bây giờ đã xòa to, nắm một nắm tròn không hết. Mưa nhiều cũng là thời điểm lũ cá đồng bắt đầu theo dòng nước chảy tìm lên những chân ruộng trì trì để sinh sôi nảy nở. Trong đấy có cá trê là một loài thường ưa ở cạn.

Cuối tháng mười một là lúa bắt đầu trổ. Nửa tháng sau là bông lúa bắt đầu ngậm sữa. Bọn trẻ chúng tôi phải ra đồng để đuổi chim. Lúa trái vụ lại rơi vào mùa lạnh nên bọn chim đồng khá lì lợm. Từng đàn, từng đàn cứ ríu rít sà xuống những bông lúa cong như những chiếc đuôi trâu bất chấp bọn “bù nhìn” phất phơ và tiếng đuổi í ới của đám con nít.

Cuối tháng Chạp hoặc đầu tháng Giêng là lúa có thể thu hoạch. Hạt lúa trì trì quý ở chỗ nó là “ hạt lúa tháng Giêng, đồng tiền tháng Chạp”. Khi cắt lúa cũng là cơ hội để bắt cá đồng. Sau mấy tháng nằm trong chân ruộng nước nhỉ, nhiều thức ăn nên bọn trê đồng cứ béo tròn, vàng hườm, nhìn thôi đã thích.

Cá cứ rộng trong lu. Lúa cứ phơi phóng cho khô rồi xay giã, giần, sàng. Bỏ vào nồi vài lon gạo trắng. Bắt mấy con cá chà rửa thật sạch. Nồi than được cời lên, đặt lên vài lụi cá. Mùi gạo lúa mới thơm lừng quyện với mùi cá nướng chảy mỡ trên bếp than hồng như đánh thức toàn bộ cơ quan cảm giác. Bới một bát cơm trắng, bẻ một khúc cá trê, chan một tí mắm gừng… Cứ thế mà ăn và thưởng thức. Chút bùi bùi của hạt gạo, cái béo ngọt của cá trê đồng, chút cay nồng của mắm gừng nơi đầu lưỡi…Tất cả như hòa quyện, như quyến rũ của món cơm quê đậm đà hương vị mà ít có món  ngon nào sánh kịp. Chỉ trong những lúc này, ta mới thật thấm thía ý nghĩa của câu ca trên!
                       

    Nho Vũ
 


.