Nhà giáo đam mê nhiếp ảnh

05:03, 29/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, anh Nguyễn Tấn Khâm (SN 1956) ở 126/2 Phan Đình Phùng, TP.Quảng Ngãi, giáo viên toán Trường THCS Tịnh Hà (nay là Trường THCS Nguyễn Chánh, huyện Sơn Tịnh), hội viên Hội VHNT tỉnh,  chập chững bước vào nghề nhiếp ảnh với chiếc máy điện tử không mấy hiện đại. Nhưng rồi, những khoảnh khắc cuộc sống thường ngày mà anh bất chợt ghi lại được khiến anh ngày càng đam mê với nhiếp ảnh- một nghề tay trái nhưng anh thầm hứa với lòng không bao giờ bỏ.
 

Nhà giáo Nguyễn Tấn Khâm.
Nhà giáo Nguyễn Tấn Khâm.

Sau những giờ lên lớp, anh lại kè máy ảnh bên chiếc cặp giáo án đi xe máy rong ruổi khắp chốn làng quê, hết lên rừng lại xuống biển và không một lễ, hội nào trên địa bàn tỉnh anh không đặt chân đến. Với anh, những chuyến đi như thế chỉ là để thoả niềm đam mê, nhưng không ngờ...

Khoảnh khắc trong nghề

So với giới cầm máy ảnh ở Quảng Ngãi, Nguyễn Tấn Khâm chỉ dám nhận mình là "dân chơi nghiệp dư". Mà cũng đúng thôi, bởi anh là một nhà giáo thứ thiệt với 34 tuổi nghề, thời gian dành cho nhiếp ảnh không nhiều, điều kiện gia đình cũng không cho phép anh sắm chiếc máy ảnh hàng xịn. Dẫu vậy, niềm đam mê sáng tác ảnh vẫn không bao giờ nguôi trong anh.

Ngoài thời gian lên lớp, ai gọi chụp hình dịch vụ anh đều nhận lời, bất kể nắng mưa, hay gần xa và chụp ảnh gửi cộng tác các báo trong và ngoài tỉnh. Những món tiền có được từ dịch vụ ấy dù không đáng là bao nhưng cũng góp ít nhiều cho anh làm lộ phí cho những chuyến đi sáng tác dài ngày. "Đây là nghề của nhà giàu. Ngoài góc nhìn thẩm mỹ của tác giả, chất lượng ảnh còn phụ thuộc rất lớn vào chất lượng phương tiện và thời gian trải nghiệm, đôi lúc chụp hàng chục kiểu nhưng chỉ chọn được vài ảnh, có khi thì không chọn được kiểu nào. Trong khi đó, đồng lương nhà giáo ít ỏi của mình đủ lo nuôi con ăn học là may lắm rồi", anh Khâm chia sẻ.

Và rồi, trong rất nhiều chuyến đi đó, anh bất chợt đón nhận một khoảnh khắc mà không phải tay săn ảnh nào cũng có được. Đó là bức ảnh "Âm vang Hoàng Sa" mà anh chụp một nghệ nhân thổi ốc u trong lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa ở đảo Lý Sơn năm 2012. Bức ảnh đã khắc họa được cái hồn của người nghệ nhân thả vào trong tiếng kèn ốc u vang vọng giữa đại dương bao la, vừa là lời thúc giục đoàn tàu nối đuôi ra Hoàng Sa, Trường Sa để giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; đồng thời vừa là lời tri ân bậc cha anh có công khám phá, đặt mốc chủ quyền biển đảo cho đất nước. Chính cái hồn đó đã nâng giá trị nghệ thuật, tính thời sự trong bức ảnh và đã vượt qua 1.600 tác phẩm để đạt giải nhất cuộc thi Nhịp sống biển Đông do báo Tuổi trẻ TP.Hồ Chí Minh tổ chức mà đa phần tác giả dự thi là những nhà báo, nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp.

Cơ duyên chỉ có một lần

Giải thưởng giải nhất cuộc thi Nhịp sống biển Đông dành cho anh Khâm là 20 triệu đồng và một chuyến đi tham quan Trường Sa 12 ngày. "Đối với tôi, phần thưởng này là rất lớn mà mấy chục năm cầm máy tôi chưa bao giờ dám nghĩ, đặc biệt là chuyến đi Trường Sa. Cơ duyên này chắc chỉ có một lần trong đời dù trong tôi luôn dâng trào niềm tin yêu, tự hào với biển, đảo của Tổ quốc". Thật vậy, mấy chục năm cầm phấn, hiếm khi anh có cơ hội được trải lòng mình dọc theo chiều dài đất nước hình chữ S, huống chi là được bước chân lên quần đảo Trường Sa thân yêu. Chính vì lẽ đó, khi đặt chân lên đảo, một cảm giác mệt nhọc sau chuyến hành trình nhiều giờ liền trên biển đã xua tan trong chốc lát, mà theo anh đến đây, ai không biết sáng tác thơ, ca,... rồi cũng có thể làm được, bởi một cảm xúc dạt dào luôn có trong lòng mỗi một người dân đất Việt, dù chỉ lần đầu hay thường xuyên ra thăm đảo đều như vậy.

 

Chiến sĩ đảo chìm Cô-lin thuộc huyện đảo Trường Sa xem cô Phạm Triều Nghi trình bày cách gieo trồng và chăm sóc rau xanh bằng công nghệ mới.                      Ảnh: T.Khâm
Chiến sĩ đảo chìm Cô-lin thuộc huyện đảo Trường Sa xem cô Phạm Triều Nghi trình bày cách gieo trồng và chăm sóc rau xanh bằng công nghệ mới. Ảnh: T.Khâm



Những ngày ở đây, anh vinh dự được đặt chân lên 11 điểm đảo lớn nhỏ của quần đảo Trường Sa thân yêu và anh không bỏ qua một khoảnh khắc nào về những hoạt động của quân và dân trên đảo mỗi khi có cơ hội được cầm máy. Nhưng có lẽ khoảnh khắc về cô sinh viên Phạm Triều Nghi chuyển giao công nghệ mới trồng rau xanh trên quần đảo Trường Sa bằng phương pháp khí canh (sử dụng kỹ thuật phun sương để kích thích cây ra rễ, mà không cần dùng đất trồng) cùng nhóm bạn ở Trường ĐH KHTN thuộc ĐHQG TP. HCM là một kỷ niệm đẹp mà anh không thể nào quên cho chuyến đi này.

Bởi lẽ, phóng sự ảnh gồm 6 ảnh về cô sinh viên này trong những ngày trên đảo với chủ đề "Khát vọng Trường Sa" đã làm lay động suy nghĩ Hội đồng giám khảo khi quyết định trao cho anh giải B (không có giải A) cuộc thi ảnh "Phụ nữ Việt Nam qua lăng kính nhà báo", do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, trong khi anh không phải là nhà báo chuyên nghiệp.

Hành trình đi đến giải thưởng này đối với anh Khâm cũng không mấy đơn giản khi phải tìm và hiểu cho bằng được quy trình trồng rau xanh của công nghệ mới này thì mới có thể chú thích làm phong phú thêm giá trị thông tin của ảnh. Thế là, trước khi gửi ảnh dự thi anh lại khăn gói lên đường vào gặp Ban Giám hiệu Trường ĐH KHTN thuộc ĐHQG TP. HCM. Biết được mong muốn của anh, lãnh đạo nhà trường cùng các thành viên trong nhóm thực hiện đề tài đã chia sẻ cùng anh với một tinh thần vì Trường Sa thân yêu.  Đó là, vào tháng 5.2011, Nghi cùng nhóm sinh viên đi thực tế tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đặc biệt là các đảo chìm, trong điều kiện thiếu ánh sáng và đất trồng vào mùa mưa. Sau đó, về lại đất liền các em tiến hành trồng thử nghiệm trong nhà lưới, mô phỏng các điều kiện sinh học tại quần đảo Trường Sa, dưới sự tư vấn chuyên môn của PGS.TS Võ Thị Bạch Mai.

 Sau 7 tháng trồng thử nghiệm với nhiều lần thay đổi về loại đèn, giống cây, cường độ chiếu sáng, khoảng cách từ đèn đến cây, thời gian thu hoạch… kết quả đề tài đã mang lại thành công tốt đẹp. Sau khi gieo hạt chỉ 11 ngày đã có thể thu hoạch với 2kg/m2 (rau được chiếu sáng từ ngày thứ ba, tính từ lúc bắt đầu gieo). Vì thế, năm 2012, nhóm triển khai công trình thanh niên đã thẳng tiến ra Trường Sa trên con tàu HQ571 và chuyển giao công nghệ trồng rau xanh bằng phương pháp mới cho 4 đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Và trong tháng 5.2013, cô Phạm Triều Nghi - một thành viên trong đoàn hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” ra thăm huyện đảo Trường Sa đã mang theo một công nghệ hoàn chỉnh, với khay rau cải đã nảy mầm, cùng một bản tóm tắt quy trình trồng rau với một khát vọng muốn cung cấp đủ rau xanh cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Nhân dịp này cô cũng đã chuyển giao công nghệ trồng rau với nhiều chủng loại khác nhau, cho ba đảo chìm trong đó có đảo Cô-lin.

Đầu năm 2014, anh Khâm trở lại TP. HCM nhận giải trong sự ngỡ ngàng của cánh nhà báo và các bậc nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, vì anh chỉ là một người viết báo, chụp hình nghiệp dư.
        

P.Đ

 


.