Ngôi sao và tầm nhìn

09:03, 14/03/2014
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà chính trị Phạm Văn Đồng đã có một nền tảng cơ bản: Ông là nhà văn hóa. Sự tích hợp văn hóa qua quá trình hoạt động cách mạng, quá trình trải nghiệm bản thân, quá trình nhận thức về vai trò của Nhân Dân trong lịch sử và trong văn nghệ, đã làm nên một Phạm Văn Đồng-nhà văn hóa nhân dân.

TIN LIÊN QUAN


“Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt của chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng. Văn thơ của Nguyễn Đình Chiểu cũng vậy”.

Nhà lãnh đạo, nhà chính trị, nhà văn hóa Phạm Văn Đồng đã mở đầu bài viết  “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc” như vậy. Chỉ một câu đã nói lên được độ sáng của ngôi sao và độ sáng của tầm nhìn người ngắm sao. Bài này được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết năm 1963, cách đây tròn 51 năm.
 

Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bêân trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng (bêân trái), Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng LLVT Trần Thị Lý, năm 1975.

Nhưng cũng như cách người viết nhìn ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu, bây giờ đọc lại bài viết, chúng ta “càng nhìn thì càng thấy sáng” và càng ngẫm càng thấy sâu những nhận định về nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sở dĩ tôi luôn dùng chữ “Thủ tướng Phạm Văn Đồng” chứ không dùng “Cụ Phạm Văn Đồng” hay “Ông Phạm Văn Đồng”, vì muốn nhấn mạnh một điều: Thật hiếm có vị Thủ tướng nào trên thế giới viết được bài phê bình nhận định về một nhà thơ của nước mình, mà lại viết hay đến như vậy, xác đáng đến như vậy.

Tôi đã đọc bài viết này của Thủ tướng từ năm 1965, lúc tôi mới vào khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội sơ tán tận Đại Từ-Thái Nguyên. Và tôi có thể nói, chính bài viết này đã làm bật sáng sự vĩ đại của nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu cùng những tác phẩm của ông-vốn trước đó chưa được đánh giá đúng tầm mức ở miền Bắc Việt Nam.

Hồi đó, nhiều nhà phê bình, nhiều nhà giáo dục ở miền Bắc thường so sánh thơ Nguyễn Đình Chiểu với thơ Nguyễn Du, và họ cho rằng thơ Cụ Đồ Chiểu quá nôm na, nhiều khi dễ dãi. Văn bản để họ so sánh là truyện thơ Lục Vân Tiên của Cụ Đồ Chiểu và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Họ hay dẫn chứng những câu thơ nói kể mộc mạc trong Lục Vân Tiên như “Vợ Tiên là Trực chị dâu”, hay Nguyệt Nga “Nhằm dòng nước chảy vội vàng nhảy ngay” để chê thơ ấy quá nôm na và “chưa chuẩn về ngữ pháp”.

Bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhằm cảnh tỉnh cách suy nghĩ thiên lệch, thiếu công bằng đó. Cơ sự chỉ vì, như Thủ tướng viết: “Có người chỉ biết Nguyễn Đình Chiểu là tác giả của Lục Vân Tiên, và hiểu Lục Vân Tiên khá thiên lệch về nội dung và về văn, còn rất ít biết thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, khúc ca hùng tráng của phong trào yêu nước chống bọn xâm lược Pháp lúc chúng đến bờ cõi nước ta cách đây một trăm năm!” (Bài này viết năm 1963). Ngay với tác phẩm Lục Vân Tiên, cái nhìn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng rất khác với cái nhìn của nhiều nhà nghiên cứu phê bình: “Bây giờ xin nói về Lục Vân Tiên, một tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa! Tất nhiên những giá trị luân lý mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây, vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quí trọng. Lại thêm Nguyễn Đình Chiểu sống trong lòng quần chúng nhân dân, giữa lúc nhân tình thế thái là sự mỉa mai đối với triết lý Khổng-Mạnh.

Chính Nguyễn Đình Chiểu phải viết câu:  “Trượng phu có chí ngang tàng!” không thể trói mình trong khuôn khổ của đạo lý cổ truyền. Cho nên các nhân vật của Lục Vân Tiên: Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng…là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn. Họ là những nhân vật của một thuở đã qua, điều đó không cần phải nói. Nhưng họ là những con người có ruột gan, xương thịt. Họ sống trong một xã hội cũng như biết bao xã hội từ xưa tới nay-có người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian, có nhiều đau khổ, bất công-họ đã đấu tranh không khoan nhượng chống mọi giả dối, bất công và họ đã thắng. Họ là những tấm gương dũng cảm. Vì những lẽ đó họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú.

Về văn chương của Lục Vân Tiên, phải để ý đây là một truyện “kể”, truyện “nói”. Tác giả cố ý viết một lối văn “nôm na”, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Có những người hay hạch những chỗ lời văn không hay lắm: Ở đây phải nhớ rằng Nguyễn Đình Chiểu vì mù nên chỉ đọc cho người khác viết. Và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản! Lại thêm, đến nay chẳng ai biết nguyên bản ấy là bản nào! Và hiện nay mấy bản sao mà người ta có thể căn cứ đều có chỗ khác nhau. Dẫu sao đôi chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật là hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tôi không nhớ tôi đã đọc Lục Vân Tiên lúc nào, song đến nay tôi còn thuộc lòng nhiều vần thơ rất hay:

                                         “Kim Liên ơi hỡi Kim Liên
                                            Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê”
                                 ……
                                          “Vân Tiên đầu đội kim khôi
                                             Tay cầm siêu bạc mình ngồi ngựa ô”


Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân
Tiên.” (Hết trích).

Tôi có cảm tưởng, khi viết đoạn văn mà tôi xin trích trọn vẹn này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã xuất hiện như một vị luật sư tài ba phát biểu bảo vệ cho giá trị nhân văn và văn học của những tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, đặc biệt là cho truyện thơ (còn gọi là trường ca) Lục Vân Tiên.

Không chỉ bảo vệ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn văn tuyệt vời này còn bảo vệ cho lý tưởng thẩm mỹ và “gu” thưởng thức văn học của đồng bào miền Nam, độc giả miền Nam. Phải hiểu được tính cách và tâm hồn người lưu dân miền Nam ở mức sâu sắc thì mới viết được những dòng như vậy. Cái hiểu ấy về con người miền Nam là cơ sở để hiểu và đánh giá đúng những nhân vật trong Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu, cũng như minh định được giá trị văn thơ yêu nước của nhà thơ mù vĩ đại này.


Lời văn tuy ôn hòa nhưng mang tính tranh biện rất rõ, và hướng đến đối tượng cụ thể chứ không viết chung chung. Ngày còn đi học đại học, tôi đặc biệt thích đoạn văn này của Thủ tướng, vì tôi cũng đặc biệt yêu kính nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu, nhất là ngưỡng mộ nhân cách và chí khí lẫm liệt của ông.

Rồi cùng với thời gian, nhất là khi đọc thật kỹ kiệt tác Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, tôi càng nhận ra sự vĩ đại của Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm của ông. Có thể nói, nếu Trương Định là một lãnh tụ khởi nghĩa tập hợp dưới ngọn cờ của mình hàng vạn “dân ấp dân lân”, thì Nguyễn Đình Chiểu là một lãnh tụ tinh thần, tập hợp dưới thơ ca của mình hàng chục vạn người dân miền Nam yêu nước, trọng nghĩa khinh tài, dám sống xả thân để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.

Phải đi từ Lục Vân Tiên tới Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc mới thấy cả một quá trình sáng tác nhất quán của Nguyễn Đình Chiểu. Những nhân vật trong Lục Vân Tiên, như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ, họ có những phẩm chất cao đẹp của con người trong đời thường, để tới khi nước nhà bị xâm lược, họ sẽ thể hiện toàn bộ lý tưởng yêu nước và sự hy sinh vô bờ bến của mình đối đầu với bọn cướp nước được trang bị tốt hơn họ gấp nhiều lần. Và họ chính là những nhân vật của Lục Vân Tiên đã hóa thành những nhân vật trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Thơ ca Nguyễn Đình Chiểu, nói như Thủ tướng Phạm Văn Đồng, đã “ghi lại lịch sử của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại!”. Câu này là đỉnh điểm cảm hứng dâng trào của bài viết mà tôi muốn những nhà nghiên cứu phê bình văn học nên đọc và nghiền ngẫm một cách thấu suốt để có thể thức nhận cách viết phê bình văn học đầy cảm xúc và xuất thần này của một nhà chính trị. Với văn học, phải cư xử như vậy! Phải đến với tác phẩm văn học bằng toàn bộ con người mình, tâm hồn mình, xúc cảm của mình, thì mới có thể khám phá được những vẻ đẹp nhiều khi tiềm ẩn của tác phẩm, mới trục vớt được chất sống tươi rói nhiều khi dấu mình lặng lẽ dưới đáy sông của ngôn từ.

Ngôn ngữ văn học được chắt lọc từ ngôn ngữ đời sống, nhưng nó có thể thô hơn và tinh hơn ngôn ngữ đời sống. Cái “thô sơ và hực sáng” ấy của ngôn ngữ văn học đã được thể hiện trọn vẹn trong những tác phẩm thơ của Nguyễn Đình Chiểu. Chúng ta yêu ngôn ngữ thơ Nguyễn Du, và yêu ngôn ngữ thơ Nguyễn Đình Chiểu với cùng một tình yêu thơ ca đắm đuối, tỉnh táo và đầy dâng hiến. Phải yêu như thế mới thấy sự gần nhau ghê gớm của ngôn ngữ thơ giữa hai nhà thơ này, mặc dù ngôn ngữ thơ của họ là thật sự khác nhau. Bởi vì họ đều chắt lọc ngôn ngữ thơ mình từ ngôn ngữ của đời sống, ngôn ngữ của nhân dân, dù những đặc trưng ngôn ngữ vùng miền là khác nhau, và cách khai thác vốn ngôn ngữ cũng khác nhau.

Không so sánh một cách cụ thể, nhưng bài viết của Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ngầm chỉ ra cho chúng ta điều đó. Và khi biết yêu như vậy, chúng ta sẽ hiểu vì sao người nông dân miền Bắc thuộc lòng cả quyển Truyện Kiều với 3254 câu thơ lục bát, còn người nông dân miền Nam lại có thể kể thuộc lòng truyện thơ Lục Vân Tiên từ đêm này sang đêm khác cũng với hàng mấy nghìn câu thơ lục bát.

Miền Nam là quê hương thứ hai của những lưu dân, những dân lậu dân ngụ sau khi họ phải từ bỏ nơi chôn rau cắt rốn của mình ở miền Bắc và miền Trung. “Bài ca đất phương Nam” của lưu dân Việt là một trường ca vĩ đại, và nó được Nguyễn Đình Chiểu thể hiện trong thơ ca của mình, từ Lục Vân Tiên tới những bài thơ văn tế, những bài thơ yêu nước thương dân theo một cách khác với Nguyễn Du khi sáng tác Truyện Kiều và những bài thơ chữ Hán. Không phải sự giống nhau, mà chính sự khác nhau làm nên văn học. Đúng như Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Vì mù cả hai mắt, hoạt động của người chiến sĩ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu là thơ văn. Và những tác phẩm đó, ngoài giá trị văn nghệ, còn quí giá ở chỗ nó soi sáng tâm hồn trong sáng và cao quí lạ thường của tác giả, và ghi lại một thời khổ nhục nhưng vĩ đại”!

Thật khó có nhận định nào về con người và thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu mà xác đáng hơn và hay hơn, giàu xúc cảm hơn nhận định này. Điều đó nói lên rằng, phê bình văn học cũng rất cần xúc cảm, và hơn thế nữa, cần không chỉ lý tưởng thẩm mỹ mà còn lý tưởng thương dân yêu nước. Chúng ta chỉ có thể yêu cả nhân loại khi chúng ta biết yêu nhân dân mình, Tổ quốc mình. Mọi lập luận về “toàn cầu hóa văn học” chỉ là ngụy biện, vì mãi mãi, văn học là của nhà văn nhà thơ cụ thể sáng tác, mà nhà văn nhà thơ ấy do mẹ mình sinh ra, có tổ có tông, có quê hương và có Tổ quốc. Dù nhà văn có trở thành “công dân toàn cầu” đi nữa, thì mãi mãi, họ chỉ có thể thành công trong văn học khi viết về ngôi làng của mình, góc phố của mình, bà con của mình, quê hương của mình, và Tổ quốc của mình.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng, nhà chính trị Phạm Văn Đồng đã có một nền tảng cơ bản: Ông là nhà văn hóa. Sự tích hợp văn hóa qua quá trình hoạt động cách mạng, quá trình trải nghiệm bản thân, quá trình nhận thức về vai trò của Nhân Dân trong lịch sử và trong văn nghệ, đã làm nên một Phạm Văn Đồng-nhà văn hóa nhân dân. Không phải dễ để có một Thủ tướng như vậy, càng không dễ để có một Thủ tướng viết một bài phê bình nhận định văn học về một nhà thơ. Có thể nói, chính cuộc kháng chiến chống Mỹ, nơi thể hiện đỉnh cao lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đã làm nên bài phê bình văn học “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong bầu trời văn nghệ dân tộc” của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Khi viết bài này, Thủ tướng Phạm Văn Đồng có mục đích rõ ràng: Khơi gợi lòng yêu nước mãnh liệt từ người dân Việt Nam, và hướng tới người dân miền Nam với tất cả lòng yêu thương và sự tin tưởng. Thời điểm năm 1963-khi Thủ tướng viết bài phê bình văn học này, cuộc chiến tranh xâm lược do Mỹ tiến hành đang có những bước leo thang nghiêm trọng, và chuẩn bị cho thời điểm Mỹ trực tiếp đổ 50 vạn quân vào miền Nam Việt Nam vào năm 1965, đồng thời mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.

Chỉ hai năm sau bài viết này, cả đất nước Việt Nam đã bị bao phủ bởi chiến tranh, và hơn lúc nào hết, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu trở thành ngọn đuốc soi đường của lòng yêu nước ở cả hai miền Nam Bắc. Nhà lãnh đạo, nhà chính trị Phạm Văn Đồng đã nhìn thấy trước điều đó, và nhà văn hóa Phạm Văn Đồng đã thể hiện điều đó qua bài phê bình văn học tuyệt vời của mình./.   

 


.