Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm -Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

10:03, 12/03/2014
.

Ngày 12/3, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ công bố và đón nhận Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia cho Lễ hội chùa Chùa Vĩnh Nghiêm.

 

Một góc Chùa Vĩnh Nghiêm
Một góc Chùa Vĩnh Nghiêm

Chùa Vĩnh Nghiêm, hay còn gọi là Chùa Đức La (thuộc thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), được xây dựng thời Lý và mở rộng vào khoảng thế kỷ 13 thời Trần.

Chùa thờ Phật và 3 vị Trúc Lâm tam tổ là Phật Hoàng Trần Nhân Tông, thiền sư Pháp Loa và thiền sư Huyền Quang. Chùa Vĩnh Nghiêm được coi là chốn tổ của thiền phái Trúc Lâm, trường đại học Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam.

Năm 1964, Chùa được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp quốc gia.

Đặc biệt, Chùa còn lưu giữ được kho mộc bản kinh Phật với 3.050 bản với 9 đầu sách chứa đựng những giá trị to lớn về ngôn ngữ học, văn học, y học, thẩm mỹ học được khắc ngược do những người thợ có am hiểu sâu sắc về văn hóa chế tác. Chất liệu được dùng bằng chính những cây gỗ thị được trồng trong khuôn viên của Chùa.

Năm 2012, Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận là Di sản Ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Sự kiện Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia có ý nghĩa quan trọng với người dân địa phương. Đây là dịp để tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc chùa Vĩnh Nghiêm, đồng thời thu hút thêm du khách trong và ngoài nước, cũng như ở các tỉnh thành về tham quan, chiêm bái, lễ Phật.

Lễ hội Chùa Vĩnh Nghiêm được tổ chức từ ngày 12 đến 14/2 âm lịch hàng năm với những nét độc đáo thể hiện ở cả phần lễ và phần hội.

Năm nay, ngoài lễ đón Bằng công nhận Di sản Văn hoá phi vật thể quốc gia, Lễ hội chùa Vĩnh Ngiêm còn có các hoạt động khác như: Rước lễ vật, niệm hương, đại lễ cầu an, trưng bày hình ảnh-tư liệu về bộ Mộc bản kinh Phật, văn nghệ, thể dục thể thao, trò chơi dân gian…

 

Theo Nguyệt Hà (Chinhphu.vn)
 


.