Con trâu trong đời sống văn hoá Việt Nam

04:03, 13/03/2014
.

(Baoquangngai.vn)- Những lễ hội đua trâu, chọi trâu hàng năm không chỉ diễn ra ở Đồ Sơn, Hải Dương hay ở miền Tây Nam Bộ của nước ta, mà còn ở Thái Lan, Campuchia và nhiều vùng khác trên thế giới. Đây chính là một nét văn hoá độc đáo của cư dân có truyền thống trồng lúa nước.

TIN LIÊN QUAN


Ở Việt Nam, câu ngạn ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” không biết có từ bao giờ, nhưng những bộ xương trâu có niên đại khá cổ được tìm thấy ở Bình Ca (Tuyên Quang), tượng trâu bò tìm thấy ở Đồng Đậu (Vĩnh Phú), Tiên Hội, Đình Tràng (Đông Anh, Hà Nội), những lưỡi cày đồng được xem như những công cụ sản xuất điển hình của văn hoá Đông Sơn tìm thấy ở các di chỉ Triệu Dương (Thanh Hoá), Vạn Thắng (Vĩnh Phú), ... cũng như một bộ lạc có tên là “Trâu” ở vùng đồng bằng Văn Giang (Hải Hưng) được sử cũ ghi nhận, đã là những dẫn chứng đầy thuyết phục cho thấy con trâu đã gắn bó với đời sống cư dân Âu Lạc từ khá xa xưa.

Trâu đầm - Ảnh LHK
Trâu đầm - Ảnh LHK


Các nhà cổ nông học cho rằng, ban đầu trâu được sử dụng để kéo gỗ, sau đó được lùa xuống ruộng giẫm cho đất lún thành bùn để dễ cấy như đồng bào Mường vẫn còn làm cách đây không lâu, sau đó mới dùng để kéo cày, bừa.

Có thể nói rằng, con trâu đã cùng người Việt đi suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm, trở thành một hình ảnh gắn bó tha thiết với làng mạc, ruộng đồng và cuộc đời một nắng hai sương của người nông dân. Đâu phải đã là xa xôi lắm, cảnh tượng đầy thương cảm khi người nông dân vì quá quẩn bách đành bán đi con trâu bấy lâu chia sẻ gian lao với mình để rồi ngày đêm quên ăn, quên ngủ, não một tiếng thở dài; còn con trâu thì dùng dằng bước ra khỏi chiếc chuồng tre quen thuộc, nước mắt ròng ròng.

 Con trâu là đầu cơ nghiệp; mất trâu trở thành cái hoạ tày đình; bởi thế mà ca dao Nam Trung Bộ có câu hát ghẹo:

            Mất chồng như nậu mất trâu
            Chạy lên, chạy xuống cái đầu chơm bơm...


Ở những ngày chưa xa ấy, thanh bình ở làng quê nước Việt là hình ảnh đàn trâu thảnh thơi gặm cỏ trên cánh đồng mùa gặt, tiếng sáo diều vi vút từng không hoà trong tiếng cười hồn nhiên của lũ trẻ mục đồng.

Trong số những vĩ nhân làm nên vinh quang cho đất nước, không ít người vốn là chú bé chăn trâu tinh nghịch. Giữa thế kỷ thứ 10, sau khi Ngô Quyền mất (944), nhà Ngô suy yếu, 12 sứ quân mỗi người nổi lên hùng cứ một phương, đất nước chia phân, dân tình điêu linh đồ thán; có một người hùng nổi lên ở Động Hoa Lư, dẹp yên phường nội loạn, củng cố nền độc lập còn non trẻ của nước nhà, lên ngôi Hoàng đế, bỏ niên hiệu của vua Tàu, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Người đó chính là Đinh Bộ Lĩnh, tức Đinh Tiên Hoàng Đế, vị Hoàng Đế thuở hàn vi vẫn cùng đám bạn chăn trâu, lấy bông lau làm cờ tập trận.


Là nước chịu ảnh hưởng văn hóa Phật giáo sâu sắc và lâu đời, nên hình ảnh con trâu trong kinh Phật cũng thường được nhắc đến nhiều lần trong những câu chuyện về giáo hóa thiện tâm, nhắc nhở mọi người tu tâm tích đức.

Con trâu gắn bó với nông thôn, đất nước ta đến vậy, nên con vật thân yêu này đã sớm đi vào văn học nghệ thuật và trở thành một trong những hình tượng loài vật thể hiện sâu sắc tâm linh, tình cảm của người dân Việt. Mấy ai trong chúng ta lại không biết đến câu ca dao: “Trâu ơi ta bảo trâu này; Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta...”, hoặc thiên chuyện tình Ngưu Lang - Chức Nữ, gắn phận người đời với sự chuyển vận của trăng sao.

Trong văn học cổ, nếu “Lục súc tranh công” mượn lời kể khổ của con trâu để nói lên cuộc đời gian nan, cơ cực của người cày ruộng “làm không kịp thở, ăn chẳng kịp no”, thì ở Truyện Kiều, nhận “làm thân trâu ngựa” ở kiếp sau để đền đáp nợ tình dang dở kiếp này, là lời nguyền làm nhói lên trong lòng người đọc bao nhiêu thương xót:

        “Tái sinh chưa dứt hương thề
        Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai
        Nợ tình chưa trả cho ai
        Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan...


                                                                      

  Lê Hồng Khánh

 


.