Chiếc máy ảnh của Ronald Haeberle

02:03, 20/03/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đối với nhà báo chuyên nghiệp, chiếc máy ảnh được xem như một thứ vũ khí mỗi khi “ra trận” tác nghiệp. Ông Ronald Haeberle, tác giả của bộ ảnh “thảm sát Mỹ Lai” nổi tiếng, có đến hai chiếc máy ảnh để làm “vũ khí” ngay trong ngày 16.3.1968.

TIN LIÊN QUAN

Sau 43 năm im lặng, cuối tháng 11.2011, Ronald Haeberle bất ngờ xuất hiện tại Sơn Mỹ. Hay tin Ronald Haeberle trở lại mảnh đất đã gắn với đời ông trong một buổi sáng ngắn ngủi nhưng đầy kỷ niệm rớm máu, trong đầu tôi hình dung trên tay cựu nhà báo chiến trường ấy thế nào cũng có một chiếc máy ảnh xịn, nhưng tôi đã nhầm. Ronald Haeberle mang theo một chiếc máy ảnh mini, loại máy ảnh dành cho người đi du lịch. Ông đi lại trên những con đường làng mà 43 năm trước ông đã từng đi để ghi lại những khoảnh khắc mà không phải một phóng viên chiến trường nào cũng làm được. Đó là bộ ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai làm chấn động lương tri nhân loại từ hơn 40 năm trước.

 

Ông Ronald Haeberle chụp những ngôi mộ trong vụ thảm sát Sơn Mỹ bằng chiếc máy ảnh mini.              Ảnh: Trần Đăng
Ông Ronald Haeberle chụp những ngôi mộ trong vụ thảm sát Sơn Mỹ bằng chiếc máy ảnh mini. Ảnh: Trần Đăng


Chiếc máy ảnh mini trên tay ông cứ chớp sáng liên hồi, như thể đây là lần cuối cùng, “ông già” 71 tuổi này không còn quỹ thời gian để quay lại Sơn Mỹ nữa vậy. “Tôi muốn ghi lại những cảnh vật hôm nay để có sự đối chiếu với những gì mà tôi ghi được từ 43 năm trước”, ông nói. Tôi tò mò hỏi: “Dĩ nhiên là khác trước rồi, nhưng tôi muốn biết loạt ảnh mà ông ghi lại vụ thảm sát được ông chụp bằng chiếc máy như thế nào?”. Ronald Haeberle nhún vai: “Ồ, tôi có mang nó theo đây, nhưng là để tặng cho một người bạn, một nhân chứng sống sót trong vụ Mỹ Lai. Chiếc máy ảnh này chỉ gợi nhớ một kỷ niệm đau thương chứ nó đã xong phận sự của mình rồi”.

Ronald Haeberle kể, ông là phóng viên mặt trận, thường theo chân các đơn vị lính Mỹ mỗi khi họ hành quân. Hôm 16.3.1968, từ núi Chóp Vung (Đức Phổ-Quảng Ngãi), nơi một đơn vị quân Mỹ đang đồn trú, ông theo chân họ bay đến Sơn Mỹ. Máy bay trực thăng vừa hạ độ cao, một cảnh tượng mà ông chưa từng chứng kiến bao giờ. Những ngôi nhà tranh ngùn ngụt cháy, những cụ già và phụ nữ tay bế tay bồng con trẻ chạy dạt ra cánh đồng trước gốc cây gòn. Ronald Haeberle lôi trong túi của mình ra chiếc máy ảnh thứ nhất, hiệu Leica. Đây là chiếc máy ảnh do quân đội Mỹ trang bị cho phóng viên chiến trường. Ông chụp tất cả những gì diễn ra trước mắt, được 40 kiểu ảnh trắng đen. Ông lôi tiếp trong túi ra chiếc máy ảnh còn lại, hiệu Nikon-F, và bấm.

Tất cả được 19 bức ảnh màu. Loạt ảnh màu đang trưng bày tại Bảo tàng Sơn Mỹ chính là những bức ảnh mà Ronald Haeberle chụp chiếc máy ảnh thứ hai này. Theo quy định, máy ảnh nào do quan đội Mỹ cấp, phóng viên chụp xong là giao toàn bộ số phim đã chụp cho người quản lý truyền thông. Vì vậy, 40 bức ảnh trắng đen mà ông chụp bằng máy Leica không thuộc về Ronald Haeberle nữa. Riêng 19 bức ảnh màu chụp bằng máy Nikon-F là của Ronald Haeberle vì đó là chiếc máy cá nhân. Người Mỹ họ khá rạch ròi trong câu chuyện “cá nhân-tập thể” này. Chính vì sự “rạch ròi” ấy mà toàn thế giới mới có điều kiện biết được một góc tối của chiến tranh sau khi Ronald Haeberle công bố những bức ảnh về vụ thảm sát Mỹ Lai trên Tạp chí Life cuối năm 1969. Có thể nói, 19 bức ảnh ấy chẳng khác gì một khối thuốc nổ làm rung chuyển  toàn bộ nước Mỹ thời bấy giờ.

Chiếc máy Nikon-F đã theo Ronald Haeberle hết cuộc chiến tranh. Ông xem nó như một báu vật trong cuộc đời làm báo của mình. 19 bức ảnh Mỹ Lai là những tấm ảnh cuối cùng mà chiếc Nikon-F đã ghi lại trong “cuộc đời” của nó. Ông Ronald Haeberle đã cất giữ nó rất cẩn thận và hôm cuối năm 2011, chiếc máy đã được trao cho một chủ nhân khác. Hôm gặp ông ở Sơn Mỹ tôi bất chợt thấy trong đôi mắt xanh biếc của Ronald Haeberle lăn ra hai giọt nước. Có lẽ sau hơn 40 năm, ông mới có dịp rơi nước mắt lần nữa trên mảnh đất đau thương này.


TRẦN ĐĂNG
 


.