Cái gốc của bất diệt

03:02, 03/02/2014
.

Thanh Thảo

(Baoquangngai.vn)- Cùng trong năm 2002, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ viết xong hai kịch bản phim. Một kịch bản nhan đề “Triệt diệt”. Một kịch bản nhan đề “Bất diệt”. Kịch bản “Triệt diệt” kèm theo phụ đề “Trảm long mạch Trà Khúc”. Kịch bản “Bất diệt” kèm phụ đề “Uẩn khúc Cao Muôn”. Hai kịch bản như cùng một tiếp nối, nhưng cùng được xây dựng trên một “Cái gốc”. Muốn xây lên “núi” cũng phải bắt đầu từ “đất”.

Bạn đến Thái Lan, thấy tượng thần Shiva bằng đồng thiếp vàng trên lưng bò Nandin. Đó là vị thần rất dữ tợn. Thần Hủy diệt. Nhưng bạn sẽ thích thú hơn, khi biết được Thần Hủy diệt, một trong ba vị thần: Brahma (thần Sáng tạo),Vishnu (thần Bảo tồn) và Shiva (thần Hủy diệt), biểu thị cho nguồn gốc vũ trụ của Ấn Độ giáo…

Trên khắp các châu lục, khi phát hiện ra một vật lạ, người ta bao giờ cũng muốn tìm ra cái Gốc. Chuyện nhỏ như cái đĩa hát thôi, khi in ta cũng muốn in ra từ đĩa gốc của nó. Cội nguồn đều từ Gốc. Gốc là tất cả ngọn cành, chồi lá. Có xanh tươi hay tàn héo đều qui về Gốc… Nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ hiểu sâu về mối quan hệ hữu cơ này, không chỉ lúc anh cho in lên bìa sách của mình nhan đề: “Uẩn khúc Cao Muôn”.

Khi Cao Biền-kẻ thù phương Bắc cưỡi diều giấy-hay cưỡi máy bay phản lực gì đó-tới miền đất Ấn-Trà, thì mục đích của hắn là “Trảm long mạch Trà Khúc”. Tại sao lại long mạch Trà Khúc? Đơn giản, vì sông Trà Khúc từ ngàn đời được coi là động mạch chủ của vùng đất Quảng Ngãi giàu truyền thống yêu nước và bất khuất. Cắt động mạch chủ, thì vùng đất ấy-cũng giống như con người-sẽ chết.

Cao Biền thật thâm hiểm! Nhưng cũng thật ngu xuẩn! Vì sông Trà Khúc ẩn chứa “Long mạch”-tức đã ẩn chứa “Bí mật của Rồng”, là bí quyết của thành công, cái gốc của Bất diệt. Cái gốc ấy, chính là lòng yêu nước, tự nhiên như nước sông Trà. Lòng yêu nước bắt nguồn từ những người dân ở hai bên bờ sông Trà, từ thượng nguồn tới hạ lưu con sông ấy. Đó là Nhân dân.
 

 

Cao Biền có thể tinh thông phép thuật, nhưng không thể hiểu “Cái gốc” có từ đâu? Và làm sao có thể “trảm” được “Cái gốc” ấy? Đơn giản, vì làm sao hắn “trảm” được Nhân dân! Truyền thuyết về “Nam Chiếu Vương” trên bờ sông Trà chính là khúc ca tuyệt vời ngợi ca Nhân dân, là một huyền thoại về Nhân dân.

Nhưng Nhân dân là ai? Nhân dân chính là Chiếu, là người mẹ nhân hậu, dễ tin người của Chiếu, người thụ thai và đẻ ra Chiếu từ khí thiêng ẩn khuất trong lòng sâu sông Trà. Là ông nội, ông ngoại của Chiếu, những nông dân, ngư dân thật thà, nhân hậu. Là những người bạn trẻ con cùng chơi trận giả, cùng phất cờ mía lau với Chiếu.

Là những sinh vật cư ngụ trên và dưới dòng sông Trà từ bao đời nay: Con cá Bống hay con Rái cá, con Thuồng luồng hay con Lươn con Lịch... Cao Biền ngu xuẩn, bởi hắn không biết, mỗi khi “phép thuật đểu” của hắn động vào dòng sông này cùng những con người và mọi sinh vật nơi dòng sông, thì phép lạ liền xảy ra. Phép lạ ấy giữ cho sông Trà không đoản mạch, giữ cho đất Việt không bao giờ bị triệt diệt. Phép lạ ấy, vì giản dị quá mà hóa ra khó hiểu: đó chính là lòng yêu nước. Lòng yêu nước của “Cái gốc”, lòng yêu nước của Nhân dân.

Cuộc khởi nghĩa của Vua Nam Chiếu-theo truyền thuyết-là sự thể hiện lòng yêu nước của “Cái gốc” ấy. Thể hiện một cách mộc mạc nhất, mãnh liệt nhất, đầy xúc cảm nhất. Và cũng ngây thơ nhất. Nhưng đừng tưởng, sự thâm hiểm có thể dễ dàng lừa dối sự ngây thơ. Bọn xâm lược phương Bắc, từ xưa nay vẫn cứ nghĩ người Việt ở phương Nam ngây thơ, dễ lừa. Cũng có khi như vậy, và với một số người nào, thì như vậy. Nhưng đó chỉ là “có khi” và với số ít.

Người Việt Nam, người Quảng Ngãi thật thà lắm, ngọt lành thơm thảo lắm, như “nước chè hai”, như đường mía sông Trà. Nhưng khó lừa họ lắm! Bởi sự thật thà chính là thể hiện nhân cách của họ, trí huệ của họ, niềm tin cùng với sự nhạy cảm của họ. Sự thật thà ấy dùng đối đãi với người thật thà, nhưng sẽ là sự cảnh giác khi gặp phải lũ gian manh.

Cứ nghe Nguyễn Thế Kỷ kể về chuyện làm đường mía-một nghề truyền thống, một đặc sản của Quảng Ngãi-là ta cảm nhận được ngay sự thật thà ngọt ngào của vùng đất này, của nhân dân này: “Trong chòi người ta dùng bò hoặc trâu để kéo che ép mía. Nước mía được múc lên thùng gỗ xách tay đổ vô ba chảo gang bắc cố định trên cái lò đắp đất sét, cô lại thành nước chè hai.

Thợ nấu đường chuyên nghiệp tiếp tục cô nước chè hai đặc thành mật và cô mật ra đường. Họ không nấu bằng củi, mà nấu bằng nùi lá mía khô bên trong, bả mía bọc lớp ngoài, đẩy nùi vô lò bằng một cây sào tre dài. Những đám mía đang dựng chòi từ núi Thiên Ấn xuống thành Châu Sa hay từ núi Sứa lên đất Hà Nhai, vào khoảng ba tháng cuối năm trước, qua giêng hai đầu năm sau. Đó là mùa mía chính ở Quảng Ngãi.” Thế thôi, vậy mà xiết bao thấm thía!

Kịch bản phim, dù là phim nhựa hay phim truyền hình nhiều tập, đều có những yêu cầu riêng của nó. Tôi nghĩ, Nguyễn Thế Kỷ đã không chỉ tuân thủ những yêu cầu riêng ấy của loại hình nghệ thuật, mà còn đi xa hơn trong khả năng thể hiện để có thể giúp những nhà đạo diễn khi chuyển kịch bản văn học này thành kịch bản phân cảnh có nhiều “đất” hơn để “dụng võ”. Nhà văn, nhà viết kịch hoàn toàn có thể kết hợp ăn ý với đạo diễn phim, nếu kịch bản văn học có nhiều “chất điện ảnh”. “Triệt diệt” và “Bất diệt” đều làm được việc đó, nghĩa là giàu chất điện ảnh thể hiện qua ngôn ngữ viết.

“Triệt diệt” là một tác phẩm mang tính cảnh báo, cảnh giác cao khi đánh thức lòng yêu nước tỉnh táo của Nhân dân trước những hiểm họa ngoại xâm, dù là ngoại xâm bằng chiến tranh, bằng vũ khí, hay ngoại xâm bằng những trò lừa đảo “tâm linh”, ngoại xâm bằng thực phẩm bẩn, hàng hóa chứa chất độc hại người, hay bằng thói dọa dẫm bắt nạt ngư dân Việt trên những vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, những ngư trường truyền thống của ngư dân Việt.

Ngược lại, “Bất diệt”-viết về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ oanh liệt, cuộc khởi nghĩa thành công của những người tù “an trí” tại “căng an trí Ba Tơ”- Quảng Ngãi, báo trước cho thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, lại là khúc tráng ca về những con người yêu nước đầy nghĩa khí, những người “từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu”. Bởi họ là tiền thân cho Vệ quốc đoàn, cho hình ảnh “Anh bộ đội Cụ Hồ” sau này trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Về cuộc khởi nghĩa Ba Tơ, rất nhiều sách vở, tài liệu lịch sử đã nói rất rõ. Nhưng khi vào kịch bản phim của nhà văn Nguyễn Thế Kỷ, thì hình ảnh bao trùm nhất chính là “Cái gốc”, lại hiện lên rỡ ràng: hình ảnh của Nhân dân yêu nước.
 

Bảo tàng Ba Tơ
Bảo tàng Ba Tơ

 

Đây là một kịch bản văn học được viết kỹ, viết với cả tấm lòng và sự am hiểu không chỉ về lịch sử mà quan trọng hơn, là về cuộc sống nhiều cay đắng và cũng đầy phức tạp của người dân Quảng Ngãi dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Hình tượng văn học phong phú, ngôn ngữ văn học luôn song hành với ngôn ngữ điện ảnh, dù ngôn ngữ thứ hai này còn chìm ẩn, đợi bàn tay tài ba của nhà đạo diễn “vớt lên”. Tôi phải bày tỏ ở đây lòng khâm phục với một nhà viết kịch, khi viết hai kịch bản này, đã qua tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng văn vẫn tươi lắm, trẻ lắm, vẫn huy động được tối đa vốn sống, vốn ký ức và lòng nhiệt thành.

Cứ như Nguyễn Thế Kỷ ngày còn là “anh bộ đội Cụ Hồ” thời kháng chiến 9 năm ở Quảng Ngãi vậy. Viết với tấm lòng như thể muốn trả nghĩa tri ân mảnh đất sinh ra mình, muốn tôn vinh Nhân dân không chỉ đã nuôi nấng mình trong kháng chiến, mà còn ấm áp bên mình suốt cuộc tồn sinh. Bởi Nhân dân chính là cha mẹ ta, bà con ta, làng nước ta, chứ còn ai vào nữa!

Nhân dân ấy bao trùm cả hai kịch bản, nó đã là “basic”(cái gốc) cho mọi đường băng, cho mọi khát khao khám phá và sáng tạo. Nếu không có cuộc khởi nghĩa thất bại nhưng lẫm liệt của Nam Chiếu Vương, làm sao có thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Ba Tơ oanh liệt?

Và nếu không có cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, Ba Tơ, Bắc Sơn... làm sao có cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945?

Tất cả đều tiếp nối trong một dòng chảy của lòng yêu nước, dòng chảy của Nhân dân bất diệt.

Dấn thân vào dòng chảy ấy, thể hiện nó bằng tác phẩm tâm huyết, Nguyễn Thế Kỷ đã đồng hành với Nhân dân trong công cuộc giữ gìn bờ cõi, giữ gìn những “Long mạch” tiềm ẩn trong lòng đất, lòng nước của Tổ quốc chúng ta. Chưa bao giờ chúng ta cần những tác phẩm văn học nghệ thuật yêu nước, yêu nhân dân như lúc này, dù đất nước ta đang hòa bình.

Nếu “Triệt diệt” là cảnh báo, thì “Bất diệt” là khẳng định. Việt Nam muôn năm!
                                                              
 


.