Bản quyền truyền hình: Nhập nhèm vì mối lợi lớn

08:02, 17/02/2014
.

Gần đây, một loạt vụ tranh chấp về bản quyền liên quan đến các chương trình truyền hình đã dấy lên không ít lo ngại về việc nhập nhèm trong việc sử dụng tác phẩm. Dù có những vụ việc chưa giải quyết rõ trắng đen nhưng điều đáng nói là cách ứng xử, thái độ của những bên liên quan khi xảy ra tranh chấp khiến công chúng không khỏi suy nghĩ.

Từ tranh chấp không hồi kết

Trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Công ty TNHH Hãng phim Hoàng Thảo mà đại diện là tác giả Hoàng Thảo đã chính thức lên tiếng về việc VTV vi phạm bản quyền chương trình "Lotte VK Super star - Ngôi sao Việt" khi chương trình vừa hoàn tất 3 vòng sơ tuyển tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng. Theo đó, chương trình "Ngôi sao Việt" thuộc quyền sở hữu của tác giả Hoàng Thảo và ông này đưa bằng chứng rằng, năm 2011 đã được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu tác phẩm "Ngôi sao Việt Nam". Do đó, chương trình "Ngôi sao Việt" mà Đài THVN giới thiệu là mua bản quyền nước ngoài giống đến 60-70% tác phẩm của ônh, kể cả tên gọi.
 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Trước lời cáo buộc nói trên, phía Đài THVN cũng đã có công văn gửi Công ty TNHH Hoàng Thảo đưa ra bằng chứng của riêng mình về quyền sở hữu chương trình. Theo văn bản của nhà đài, chương trình "Ngôi sao Việt" đã được VTV mua bản quyền hợp pháp từ các đối tác nước ngoài. Các đối tác này đã được Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH,TT&DL) cấp văn bằng bảo hộ quyền tác giả cho kịch bản chương trình cũng như tên chương trình "Ngôi sao Việt". Văn bản của VTV cũng cho biết, khi nhận được đơn khiếu nại của ông Hoàng Thảo, tại Đài THVN, đại diện đài đã làm việc với ông Hoàng Thảo. Tuy nhiên, ông Hoàng Thảo đã không cung cấp được các tài liệu, chứng cứ để chứng minh rằng chương trình "Ngôi sao Việt" có kịch bản giống tương tự kịch bản "Ngôi sao Việt Nam" mà chủ yếu đưa ra lời cáo buộc dựa trên tên gọi của hai chương trình. Sự việc càng trở nên khó phân định khi cả hai phía là Đài THVN và Công ty TNHH Hãng phim Hoàng Thảo đều khăng khăng mình đúng và sẵn sàng khởi kiện bên còn lại.

Hiện nay, tranh chấp về bản quyền của chương trình này vẫn chưa rõ trắng - đen vì cả hai bên đều không chịu công bố kịch bản của chương trình. Có lẽ chính mối lợi quá lớn từ chương trình được dự đoán sẽ ăn khách trên truyền hình này chính là nguồn cơn của những lời cáo buộc gay gắt và những lời dọa kiện thời gian vừa qua. Theo nhận định của không ít người trong cuộc, với một vụ việc tranh chấp lớn liên quan đến VTV và những đối tác Hàn Quốc, Công ty TNHH Hoàng Thảo sẽ nhận được khá nhiều lợi ích, ít nhất là cái tên Hoàng Thảo cũng được PR một cách hiệu quả mà chẳng cần phải tốn kém tung ra nhiều "chiêu trò".

Đến những vi phạm rõ trắng – đen

Vẫn là những việc liên quan đến bản quyền chương trình truyền hình, gần đây nhất là việc Công ty Đầu tư và phát triển an ninh công nghệ cao (CNC), đơn vị được Đài THVN ủy quyền trong vấn đề bảo hộ bản quyền chương trình "Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2014" trên internet, đã lên tiếng về việc một số đơn vị kinh doanh mạng tự ý phát tán trái phép clips chương trình này trên internet, trong đó đáng kể là có những tên tuổi lớn như Youtube. Theo đại diện CNC, trước đó đơn vị này đã gửi văn bản tới hơn 100 đơn vị kinh doanh mạng thông báo về vấn đề bản quyền của chương trình, nhưng có lẽ vì những lợi ích lớn từ việc khai thác chương trình "Táo quân 2014" vẫn rất "hot" nên nhiều đơn vị đã cố tình phớt lờ các vấn đề bản quyền. Sau phản ứng gay gắt của CNC, phần lớn các đơn vị được CNC "điểm mặt chỉ tên" đã gỡ bỏ chương trình "Táo quân 2014" khỏi hệ thống dữ liệu nhưng phía CNC vẫn cho biết sẽ đòi bồi thường một số đơn vị vì đã gây những thiệt hại không nhỏ cho lợi ích của họ.

Vấn đề bản quyền từ lâu đã rất phức tạp và khó quản lý, bởi chúng ta vẫn thiếu cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt nhẹ và hơn hết là ý thức của người Việt trong vấn đề tôn trọng bản quyền chưa cao. Đã có rất nhiều vụ việc liên quan đến vấn đề tranh chấp bản quyền diễn ra nhưng không phải lần tranh chấp nào cũng được giải quyết thấu đáo. Theo ông Nguyễn Ngọc Long, một chuyên gia truyền thông trên internet, đôi khi có những tranh chấp không đi đến đâu, nhưng đơn vị bị vi phạm vẫn phải lên tiếng đòi bồi thường, không phải vì tham vọng đòi được số tiền lớn mà vì muốn khẳng định quyền sở hữu của mình mà thôi.

 


Ngô Kim Thủy/VnMedia


.