Tính nhân văn qua tập truyện ngắn "Gái ly dị" của Nguyễn Anh Tuấn

07:01, 26/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Thật vui, khi trong lúc mưa gió tơi bời, tôi được nhận tập truyện ngắn “Gái ly dị” của Nguyễn Anh Tuấn, đang công tác tại Đài PT-TH Quảng Ngãi, vui vì ước mơ của Tuấn đã thành hiện thực khi hoàn thành ước nguyện sớm cho ra đời những truyện ngắn được ấp ủ từ tâm huyết bao ngày...
 

Khép lại cuốn sách tôi vẫn còn luyến tiếc, giá như còn một vài truyện nữa, Nguyễn Anh Tuấn viết như kể chuyện, chuyện về nhân tình thế thái, chuyện cuộc đời, chuyện làng quê nghèo mộc mạc, dù truyện ngắn “Gái ly dị” thoáng một chút phố phường, với những gai góc của kinh tế thị trường và ham muốn đen tối của một chủ nhiệm  khoa về thể xác của học viên là người con gái có chồng, cái giá của sự thủy chung được đong đếm bằng điểm giường chiếu để đánh đổi bài luận văn tốt nghiệp thạc sĩ thủ khoa chín điểm rưỡi, một chút hài hước đầy cay đắng như lời chủ nhiệm khoa khi đã thỏa mãn được ý đồ đen tối “Em sẽ đạt chín điểm rưỡi, nếu không có vết mổ, em đạt điểm tối đa”. Cô gái biết mình có lỗi với chồng, chủ động ly hôn, nhưng cô gái trong “Gái ly dị” vẫn đáng thương hơn đáng trách.

Không riêng gì nhân vật chính trong truyện ngắn “Gái ly dị”, mà những nhân vật chị trong truyện ngắn “Cánh Mối” cũng rất đời thường trong suy nghĩ, trong hành động. Người Chị trong truyện ngắn  Cánh Mối long đong tình duyên như một bài thơ buồn không hồi kết, có chồng rồi chồng chết, ôm giữ bộ quần áo của chồng như một kỷ niệm, như một hơi ấm “lia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi”, rồi cái thủy chung cũng mất rất đời thường trong cái đêm đầy mưa gió, không cưỡng được sự khao khát, người Chị trong Cánh Mối hành xử theo con tim của một phụ nữ bình thường. Nhưng rồi người đàn ông ấy cũng ra đi…

Cốt truyện, nhân vật Nguyễn Anh Tuấn kể lại một cách trung thực, mặc dù có vài phần trăm hư cấu thì cũng gần gũi mọi người, gần với đời sống thường ngày. “Ông Hớn” là một truyện ngắn trong tập “Gái ly dị”, nhân vật trung tâm của truyện được tác giả kể lại như một người sống giữa hai thái cực, che giấu sự giàu sang để hóa thân một kẻ nghèo hèn, giống như bây giờ nhiều gia đình không muốn mình thoát nghèo dù cơ ngơi bề thế để hưởng lợi của Nhà nước, dù thời điểm ông Hớn tồn tại các chính sách cho người nghèo chưa rõ ràng.

Nhìn chung các nhân vật của Nguyễn Anh Tuấn xây dựng trong cả tập truyện đều có riêng tâm trạng, có những ước mơ nho nhỏ cho mình, trong sâu thẳm tâm hồn họ đều có sự giằng xé giữa lý trí và nhân cách.

Cả tập truyện không có câu chữ nào xa hoa, giọng văn đều đều gần gũi, giống như nhân cách của Nguyễn Anh Tuấn, sống hết mình, viết như một sự giải tỏa những băn khoăn trong cuộc sống, nhẹ nhàng và hóm hỉnh, triết lý nhưng đầy tính nhân văn. Tập truyện ngắn “Gái ly dị” rất cần có trong tủ sách của mỗi gia đình.

Nguyễn Đức Toàn
 


.