Tây Trà: Phát huy bản sắc văn hóa truyền thống

08:01, 19/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm qua, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc ở Tây Trà được quan tâm phát huy và gìn giữ. Đây là động lực, là nền tảng tinh thần để đồng bào các dân tộc nơi đây vươn lên xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.

TIN LIÊN QUAN

Là một huyện miền núi có trên 95% dân số là người dân tộc thiểu số (gồm Cor, Cadong, Hrê), Tây Trà sở hữu những giá trị văn hoá truyền thống phong phú, độc đáo và giàu tính nhân văn, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhận thức sâu sắc vai trò của văn hóa trong quá trình phát triển, Huyện ủy Tây Trà đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HU về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020; Chỉ thị số 16-CT/HU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với các hoạt động VH-TDTT trong tình hình mới. Triển khai thực hiện chủ trương của Huyện ủy, các ngành và địa phương.

 

Đội văn nghệ huyện Tây Trà tham gia liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca do Sở VHTT&DL tổ chức tại huyện Ba Tơ.
Đội văn nghệ huyện Tây Trà tham gia liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca do Sở VHTT&DL tổ chức tại huyện Ba Tơ.


Đã chủ động xây dựng các thiết chế văn hóa từ huyện đến thôn. Đến nay, toàn huyện đã có 20/37 thôn cơ bản có Nhà sinh hoạt cộng đồng. Các trang phục, trang sức truyền thống dần được phục hồi, đầu tư phát triển. Hàng năm, Tây Trà thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống, tổ chức nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc, liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca...

Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hoá các dân tộc trên địa bàn huyện bước đầu được chú ý. Theo thống kê, cả huyện còn lưu giữ hơn 1.530 bộ chiêng, 10 người biết chỉnh chiêng, hơn 1.200 người biết đánh chiêng. Huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai dàn dựng, phục hồi văn hóa cồng chiêng, thành lập đội chiêng tại các thôn; mở các lớp dạy chiêng, nhạc cụ dân tộc, hát dân ca tại các thôn.

Tây Trà là địa phương có nhiều địa danh, điểm di tích lịch sử - văn hóa, như suối Gò Rô, nơi tổ chức Hội nghị Diên Hồng để triển khai Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng chuẩn bị cho Cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi (1959), núi Cà Đam là căn cứ cách mạng của tỉnh Quảng Ngãi thời chống Mỹ,… Đây là những di tích thuộc quần thể di tích Quốc gia cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vào năm 1959. Vì vậy, việc bảo vệ và phát huy các điểm di tích lịch sử gắn liền với phát triển du lịch là rất quan trọng, nâng vị thế của một vùng đất anh hùng có những người con trung dũng kiên cường không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, có tinh thần đoàn kết một lòng một dạ đi theo Đảng và Bác Hồ làm cách mạng.

 Để các giá trị văn hóa truyền thống phát triển trong tương lai, huyện Tây Trà xác định vai trò của cộng đồng khu dân cư, của các nghệ nhân để tham gia giữ gìn, bảo tồn và phục dựng lễ hội tại cơ sở; bổ sung, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho cán bộ văn hoá cơ sở, nhất là kiến thức về lĩnh vực văn hóa dân tộc và các hoạt động văn hoá dân gian.

Từng bước kết hợp việc tổ chức lễ hội  với các hoạt động thương mại - du lịch, xây dựng kế hoạch về phát triển du lịch ở Tây Trà, tổ chức các dịch vụ phục vụ khách tham quan du lịch với các sản phẩm truyền thống. Sưu tầm, điều tra, khảo sát, phục dựng các lễ hội truyền thống, có giá trị, mang đậm bản sắc văn hoá vùng đất truyền thống anh hùng cách mạng. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông qua các kênh thông tin, các loại hình truyền thông khác nhau. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng lễ hội để hoạt động mục đích xấu.
    

X.THIÊN
 


.