Chi hội Âm nhạc Quảng Ngãi: Nhìn lại để đi tới

01:01, 08/01/2014
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhạc sĩ Lê Điền Sơn cho biết, trước năm 1975, hoạt động âm nhạc ở Quảng Ngãi rất mạnh, thanh niên, học sinh Quảng Ngãi đã dùng tiếng hát như một thứ vũ khí chống lại bạo quyền áp bức, với phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Sau ngày thống nhất đất nước, nhất là vào những năm 1980 của thế kỷ trước, CLB Âm nhạc thị xã Quảng Ngãi được hình thành, hội viên của CLB là hạt nhân trong các phong trào văn nghệ quần chúng lúc bấy giờ. Năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập, Hội VHNT hình thành và Chi hội Âm nhạc trực thuộc Hội có điều kiện để nâng tầm hoạt động sâu rộng hơn.

Hiện nay, mỗi thành viên của Chi hội luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm với quê hương, hướng mọi hoạt động âm nhạc vào việc xây dựng con người Việt Nam mới, gắn với thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh... Hiện chi hội có 13 hội viên, hằng năm, các hội viên đã kết hợp cùng với 30 hội viên âm nhạc địa phương, cộng tác viên yêu âm nhạc đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ âm nhạc như: Sáng tác, phối khí, dàn dựng và biểu diễn… mang tính chuyên nghiệp hơn. Chi hội đã tích cực tổ chức cho hội viên đi thực tế để sáng tác những tác phẩm có giá trị cao...

Đoàn Ca múa dân tộc và hội viên Chi hội Âm nhạc biểu diễn hát múa “Biển  đảo nghìn trùng Tổ quốc ta” tại Ngày Âm nhạc VN tại Quảng Ngãi.  Ảnh:TL
Đoàn Ca múa dân tộc và hội viên Chi hội Âm nhạc biểu diễn hát múa “Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc ta” tại Ngày Âm nhạc VN tại Quảng Ngãi. Ảnh:TL


Các nhạc sĩ đã tổ chức thành công nhiều đêm nhạc như tại đêm nhạc Ngày Thơ Việt Nam, Ngày Âm nhạc Việt Nam; phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam, tổ chức biểu diễn văn nghệ kêu gọi lòng từ thiện… chiếm được nhiều tình cảm của công chúng yêu mến âm nhạc. Các nhạc sĩ còn sáng tác cho thiếu nhi, hòa tấu nhạc không lời, nhạc múa, nhạc phổ thơ, cả diễn tấu đánh chiêng, đấu chiêng của dân tộc miền núi. Những chủ đề âm nhạc có tính bao quát như: “Âm nhạc đồng hành cùng đất nước”; “Biển đảo nghìn trùng Tổ quốc ta”… được các hội viên thể hiện rất thành công tại các đêm nhạc.

Từ hoạt động sáng tác đã có hàng chục anbum, tập nhạc của hàng chục tác giả in ấn phát hành được dư luận đánh giá cao. Các tác phẩm của hội viên đoạt 19 giải thưởng cấp khu vực và toàn quốc. Trong đó, nhạc sĩ Trần Xuân Tiên đoạt 3 giải thưởng; nhạc sĩ Nguyễn Văn Phượng đoạt 3 giải thưởng; nhạc sĩ Lê Điền Sơn đoạt 1 giải… Chi hội được Hội Nhạc sĩ Việt Nam và UBND tỉnh tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý về các thành tích trong hoạt động âm nhạc…      

   
Sông Thương


 


.