Nhà báo - đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn: Phải luôn chết sống với góc nhìn của mình

10:12, 24/12/2013
.

(Baoquangngai.vn)- Tại liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 33 tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) vừa kết thúc cách đây ít ngày, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Chuyên đề và khoa giáo- Đài PTTH Quảng Ngãi đã được vinh danh ở hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất, một giải thưởng cá nhân danh giá mà BTC đã dành tặng cho những cá nhân thể hiện được phẩm chất nghề nghiệp.  

Phim tài liệu Giai điệu Của Ám Ảnh (28 phút) dựa trên bản giao hưởng – hợp xướng Trẻ con Mỹ Lai của nhạc sĩ Lê Quang Vũ (lấy cảm xúc từ trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ của nhà thơ Thanh Thảo). Có thể nói, đây là phim tài liệu được chuyển thể thành công từ một trường ca (thơ) qua trung gian là âm nhạc. Tuy nhiên khác với cấu trúc của trường ca và bản giao hưởng - hợp xướng với 3 chương, phim chỉ chọn chương II: Bọn sát nhân, và phần cuối của chương III: Lời kêu gọi bên tháp canh để làm bật lên nỗi ám ảnh của những nhân vật từ hai phía.

Nguyễn Anh Tuấn nhận giái đạo diễn xuất sắc nhất,
Nguyễn Anh Tuấn  (áo trắng) nhận giải đạo diễn xuất sắc nhất.


Một cụ bà 85 tuổi là nạn nhân sống sót sau vụ thảm sát, đã 45 năm mà hàng đêm bà vẫn thấy máu chảy thành dòng, vẫn nghe tiếng khóc than của những đứa con đã bị giết chết ở buổi sáng kinh hoàng ngày 16.3.1968. Một người đàn ông 51 tuổi, sống phiêu bạt tha hương cầu thực, mỗi năm vào ngày tưởng niệm vụ thảm sát vẫn cố trở về để thắp nén nhang cho mẹ và những người em đã bị giết chết.

Một cựu binh Mỹ nổi tiếng trong phim tài liệu Tiếng Vĩ Cầm ở Mỹ Lai (Mike Boehm) không bao giờ vắng mặt ở Sơn Mỹ vào tháng 3 hàng năm với tiếng vĩ cầm cầu nguyện. Một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam (William Kelly) có tên gần giống với kẻ sát nhân William Calley đã 10 năm nay xuất hiện ở Sơn Mỹ vào ngày 16/3 với 504 hoa hồng cầu nguyện.

Một nhà thơ Mỹ nổi tiếng (Paul Hoover), người đã dịch nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam sang tiếng Anh và giới thiệu khắp nước Mỹ đã lần đầu tiên đến Sơn Mỹ để tự phán xét về quyết định trốn lính của mình năm xưa và tìm hiểu về câu chuyện thực của chiến tranh Việt Nam.

Một nhà báo ảnh (Ronald Haeberle), người đã trực tiếp chụp những cảnh bắn giết kinh hoàng và cung cấp những bức ảnh đó làm bằng chứng kết tội quân đội Mỹ trong vụ thảm sát, lần đầu tiên đã tự xua tan nỗi sợ hãi để đến Sơn Mỹ để dự lễ tưởng niệm 45 năm vụ thảm sát.

Các tác giả của bộ phim tài liệu này đã chọn cách không đi sâu vào thân phận của từng nhân vật, hay nói cách khác, các nhân vật xuất hiện trong phim theo từng trường đoạn chỉ để phụ họa cùng âm nhạc cho một nhân vật chính của phim: Nỗi ám ảnh. Chính vì thế, phim tài liệu “Giai điệu của ám ảnh” là một cấu trúc phức hợp của âm nhạc về Sơn Mỹ, về chiến tranh, về tội ác, về ước nguyện hòa giải, hòa bình.

Nhân dịp phim tài liệu “Giai điệu của ám ảnh” nhận giải cao PV Báo Quảng Ngãi đã có cuộc phỏng vấn với đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, người được nhận giải thưởng Đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất ở thể loại phim tài liệu và cũng là tác giả chính của bộ phim này.
 


PV: Lý do anh mạnh dạn chọn đề tài Sơn Mỹ, một đề tài đã bị phủ bởi những cái bóng quá lớn của các nhà làm phim nổi tiếng trong nước và quốc tế?

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn: Đúng là đã có nhiều phim rất hay và nổi tiếng trong nước và quốc tế về vụ thảm sát Sơn Mỹ, như “Tiếng vĩ cầm Mỹ Lai” của đạo diễn Trần Văn Thủy, phim “Tháng ba Sơn Mỹ” của đạo diễn Đoàn Huy Giao. Bản thân tôi rất ngưỡng mộ hai phim tài liệu này. Tuy nhiên, chúng tôi làm phim không có chủ ý là “thi đua” với phim này, phim kia mà chỉ làm theo cảm xúc của mình. Là người Quảng Ngãi, tức có cơ hội được “gần” với Sơn Mỹ và nạn nhân Sơn Mỹ thì không thể thiếu cảm xúc và bị những gì khác chi phối.

Đề tài Sơn Mỹ không mới, nhưng không hề cũ, cứ miễn có góc nhìn và có cảm xúc thì nó sẽ bám lấy bất kỳ ai. Chúng tôi chọn đề tài này và chắc chắn sẽ còn có nhiều nhà làm phim khác sẽ quay lại Sơn Mỹ.

*PV: Phim tài liệu “Giai điệu của ám ảnh” được xây dựng dựa trên cấu trúc của âm nhạc giao hưởng, một hình thái cao nhất của khí nhạc dựa trên việc xây dựng hình tượng nghệ thuật và kịch tính sâu sắc của âm nhạc, trong khi phim tài liệu lại là một nghệ thuật phi hư cấu (non-fiction). Vậy chắc chắn quyết định làm phim “Giai điệu của ám ảnh” tạo ra những xung đột, mâu thuẫn. Anh đã giải quyết điều này như thế nào trong phim?

*Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn: “Trẻ con ở Sơn Mỹ”, một trường ca nổi tiếng của nhà thơ Thanh Thảo viết năm 1978, khi đọc lên đã có nhạc và nỗi ám ảnh trong đó. Tôi đã đọc rất nhiều lần và rất muốn làm một phim dựa trên trường ca này. Nhưng khi bắt tay làm kịch bản đã thấy rất khó để giải quyết khâu lời bình và thơ xen nhau nằm trong thể loại phim tài liệu mang tính chính luận.

Gỡ mối bí này chưa được thì năm 2010, nhà thơ Thanh Thảo đi TP. Hồ Chí Minh về có gọi đến nhà và cho tôi một đĩa DVD ghi hình buổi biểu diễn tại Nhà hát Thành phố bản giao hưởng - hợp xướng “Trẻ con Mỹ Lai” của nhạc sỹ Lê Quang Vũ cũng dựa trên cảm xúc từ trường ca “Trẻ con ở Sơn Mỹ” của nhà thơ Thanh Thảo. Và tôi như đã vừa được tặng một chất liệu quý cho kịch bản phim mà tôi ấp ủ.

Chắc là ai khi nghe bản giao hưởng - hợp xướng này cũng sẽ nổi da gà. Tôi cũng thế nên đã quyết định nhanh đặt tít cho phim là “Giai điệu của ám ảnh”. Đường dây của phim dường như đã có sẵn bởi cấu trúc của bản giao hưởng - hợp xướng gồm ba chương. Chúng tôi chọn cách mở đầu phim là đi ngay vào chương hai: Bọn sát nhân với kiểu hành quân như phát xít của lính Mỹ bắt đầu cuộc thảm sát quá đau thương cho thường dân ở Sơn Mỹ. Và hậu quả là nỗi đau dai dẵng suốt 45 năm qua.

Nếu hỏi về thông điệp của phim thì phim này có thông điệp không mới, đó là hòa bình và nhân bản. Với một đất nước có chiến tranh liên miên trong quá khứ như Việt Nam thì nỗi đau chiến tranh và ước muốn hòa bình là không có gì lạ, nhưng nó luôn không cũ. Nỗi đau chiến tranh phải được tiếp tục lên tiếng. Chúng tôi đã dùng âm nhạc để kết nối những nỗi đau, nỗi ám ảnh từ hai phía: Phía nạn nhân của chiến tranh và phía những người từng tham gia gây ra tội ác ở Việt Nam.

Mỗi bên, mỗi người đều có nỗi ám ảnh riêng, nhưng đó lại là nỗi ám ảnh chung liên quan đến tội ác mà chiến tranh đã gây ra. Người chụp ảnh vụ Sơn Mỹ Ronald Haeberle đã nói trong phim: “Những người lính Mỹ trở về từ Việt Nam đều có những ám ảnh… Có người đã tìm đến rượu, có người đã tìm đến cái chết. Nỗi ám ảnh chiến tranh rất đa dạng, không ai giống ai và mỗi người buộc phải tự tìm cách giải quyết tình trạng của mình”.

 * PV: Với một tác phẩm phức tạp như “Giai điệu của ám ảnh”, anh và các cộng sự đã phải thực hiện như thế nào trong cả một quá trình để đi đến đích cuối cùng?

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn: Bắt đầu từ năm 2008, (tức 40 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ) chúng tôi đã bắt đầu quay, nhưng khi đó là chỉ là quay tư liệu thô và có chú ý đến vài nhân vật. Mãi đến năm 2010 sau khi có trong tay bản giao hưởng - hợp xướng, tức là đã tìm thấy chất liệu, đường dây cho phim thì chúng tôi phải đợi đến năm 2013 mới tiếp tục.

Năm 2013 là dịp tưởng niệm 45 năm, có nhiều nhân vật tập trung về Sơn Mỹ. Và tôi đã nhận được sự trợ giúp của rất nhiều đồng nghiệp, từ quay phim đến hỗ trợ phỏng vấn, đặc biệt là đạo diễn trẻ Hồ Nhật Thảo, người vừa nhận giải Vàng của phim “Lang về nhà mới” đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong phim “Giai điệu của ám ảnh”.

Chức danh trong phim anh cũng đứng vai trò đạo diễn cùng tôi. Nhưng nếu nói đến tính phức tạp thì khâu hậu kỳ cho phim là giai đoạn căng thẳng nhất. Phim phải dựng trên nền nhạc nên mỗi hình ảnh, mỗi trường đoạn phải chính xác và hòa hợp với từng frame, từng nốt nhạc.

Thêm vào đó, một khối lượng tư liệu khổng lồ được huy động trên 3000 phút hình để chắt lọc thành 28 phút phim đã khiến tôi và các cộng sự của mình là phải mất gần 3 tháng ròng rã mới nhận được một bản dựng như ý muốn. Nhân đây tôi cũng gửi lời cảm ơn đến đồng nghiệp, người bạn trẻ của tôi là anh Trần Vũ Linh, người đã cùng ăn cùng ngủ với phim suốt 3 tháng trong vai trò quay phim và dựng phim.

*PV: Anh đã từng nhận giải Cánh diều Vàng, và mới đây là giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho thể loại phim tài liệu tại liên hoan truyền hình toàn quốc, có vẻ như anh vẫn dành nhiều đam mê cho điện ảnh, mặc dù anh là một nhà báo và còn nhà một nhà văn nữa (tập truyện ngắn đầu tay Gái li Dị của Nguyễn Anh Tuấn vừa được NXB Hội Nhà văn phát hành tháng 10.2013)?

Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn: Mỗi giải thưởng là một động viên, còn khi bắt tay làm một tác phẩm nào thì mình cũng phải biết phân biệt đâu là hư cấu, đâu là phi hư cấu để tránh nhầm lẫn. (cười…).

*PV: Anh có nghĩ, một lúc nào đó phim tài liệu điện ảnh hay phim tài liệu truyền hình của Quảng Ngãi sẽ xác lập một chỗ đứng trong nền điện ảnh, hay truyền hình Việt Nam? Và nếu được anh có thể chia sẻ cho độc giả của baoquangngai.vn  một số dự định trong tương lai.

*Đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn: Về những dự định để làm phim tài liệu thì không thể nói trước vì đề tài luôn biến động như cuộc sống vậy và chúng ta không có nhiều thời gian để ôm đồm. Có khi nay thích đề tài này, mai phải bỏ, cũng có khi năm sau lại quay lại. Còn về chỗ đứng của những người làm phim tài liệu ở Quảng Ngãi thì ngay trong đợt liên hoan truyền hình toàn quốc năm 2013 này thì cái tên Quảng Ngãi đã tiếp tục được nhắc đến.

Quảng Ngãi đi dự hai phim và cả hai đều đạt giải cao. Nhưng ở một tỉnh lẻ thì luôn phải khiêm tốn thôi, vì có rất nhiều thứ liên quan đến sáng tạo nữa, chứ mỗi một mình sáng tạo đứng độc lập thì sẽ rất khó được phát huy và mang tính bền vững được.

Thế hệ trước đây, Quảng Ngãi có một số nhà làm phim điện ảnh có tiếng, nhưng họ sống và làm việc ở ngoài tỉnh. Còn hiện tại, ở Đài PT – TH Quảng Ngãi đang có một số phóng viên tham gia làm phim tài liệu. Tôi cũng chỉ là “một trong những” mà thôi. Đặc biệt để có chỗ đứng thì phải đầu tư cho những đạo diễn trẻ tuổi. Họ trẻ nhưng tay nghề đang rất chắc.

Những đạo diễn trẻ này họ có những lợi thế là biết tiếp cận cái mới, cộng với sức trẻ nên họ dễ làm nên chuyện. Phim tài liệu từng được cho là thể loại khó, nhưng bây giờ thì ai cũng có thể làm được.

Quan điểm về phim tài liệu bây giờ thoáng hơn xưa rất nhiều, vẫn được coi là một thể loại có sức nặng, nhưng cách thể hiện thì không quá nặng nề như xưa. Nhiều đạo diễn trẻ đã thành công khi chỉ cần một máy quay và một góc nhìn. Biết sống chết với góc nhìn của mình để kể câu chuyện là được. Trong thời buổi hội nhập này thì buộc các đạo diễn phải vừa tự học hỏi, vừa khẳng định. Để những người làm phim tài liệu ở Quảng Ngãi có chỗ đứng thì có một điều quan trọng nữa, điều này không thuộc về người làm phim, đó là được phát hiện và biết sử dụng.


*PV: Cảm ơn đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đã có cuộc trao đổi thú vị với Báo Quảng Ngãi điện tử. Xin chúc anh sẽ tiếp tục thành công với các dự định của mình.

 

PV



 


.