Đìu hiu thư viện tỉnh

10:12, 29/12/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình như Internet, truyền hình, điện ảnh... và áp lực từ cuộc sống đã làm cho văn hóa đọc sách, báo của một bộ phận người dân Quảng Ngãi đang mất dần. Thực trạng đáng buồn này đã và đang diễn ra nhiều năm nay, ai cũng thấy và biết, nhưng phục hưng bằng cách nào thì...

Nếu như trước đây thư viện là nơi phần lớn các học sinh, sinh viên đến để tìm sách, tài liệu phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu là chủ yếu thì giờ đây, nhiều bạn trẻ tìm đến Internet để truy cập các thông tin, tài liệu phục vụ cho việc học tập.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích và bạn đọc tham quan Hội Báo xuân 2013 tại Thư viện Tổng hợp tỉnh. Ảnh:  P.Đức
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích và bạn đọc tham quan Hội Báo xuân 2013 tại Thư viện Tổng hợp tỉnh. Ảnh: P.Đức


Tuy nhiên, cũng có nhiều HSSV cho rằng thư viện vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc truy tìm tài liệu học tập. “Truy cập thông tin trên mạng thì tiện lợi nhưng không đầy đủ và chi tiết như sách ở thư viện. Chỉ có ở thư viện mới có được kiến thức bao quát và chúng em có thể tìm được cái lạ mà những nơi khác không có” - em Võ Thị Tuyết Mai, ở Đức Chánh (Mộ Đức), cho biết.

Còn em Huỳnh Thị Tuyết Nhung, học sinh lớp 10 chuyên Anh 2 của Trường THPT chuyên Lê Khiết thì cho rằng thư viện là nơi hội tụ đầy đủ các loại sách giáo khoa, sách tham khảo các bộ môn trong chương trình học và có không gian yên tĩnh thích hợp cho việc học tập nhóm nên mỗi tháng nhóm bạn của em đến đây học từ 2 - 3 lần. Tuy nhiên cũng có nhiều em chưa một lần đặt chân đến thư viện. Theo sự quan sát của chúng tôi, ngoài các cụ hưu trí thuộc Câu lạc bộ Người cao tuổi và một bộ phận nhỏ HSSV đến đọc, còn những thành phần khác hầu như không có. Một bộ phận thanh niên, cán bộ, công chức, viên chức rảnh vào những ngày cuối tuần thì tìm đến quán càphê, quán nhậu. Văn hóa đọc dần bị lãng quên.

Ông Trịnh Thanh Tùng- Giám đốc Thư viện tỉnh, cho biết: Thư viện tỉnh được xây dựng mới từ năm 1989 đến nay với hơn 140.000 đầu sách các loại. Hằng năm được bổ sung mới khoảng trên 3.000 đầu sách cho thư viện tỉnh và gần 8.000 đầu sách cho thư viện 13 huyện. Ngoài ra, thư viện tỉnh cũng thường xuyên cung cấp khoảng 300 đầu báo, tạp chí mỗi lần. Tuy nhiên ngày càng ít bạn đọc tìm đến thư viện là thực trạng đáng buồn hiện nay.

Năm 2013 Thư viện tỉnh đã cấp hơn 1.200 thẻ chủ yếu cho HSSV với khoảng 155 nghìn lượt độc giả đến đọc. Tuy nhiên con số đó có được là nhờ cán bộ nhân viên thư viện đã đem sách, báo, tạp chí xuống các phường Nghĩa Chánh, Trần Phú và xã Nghĩa Dũng trong một khoảng thời gian nhất định và triển lãm ở bảo tàng tỉnh mới thu hút thêm lượng độc giả.


Cũng theo ông Tùng, nguyên nhân dẫn đến việc độc giả xa rời thư viện là do tác động của các kênh thông tin khác đặc biệt là mạng xã hội. Bên cạnh đó, thư viện được xây dựng từ năm 1989 đến nay vẫn chưa được sửa chữa, với không gian cũ kỹ, không thu hút được bạn đọc. Cách đây 2 năm, tỉnh có đầu tư làm dự án thư viện điện tử nhưng mỗi phòng đọc chỉ có 1- 2 máy nên độc giả ít quan tâm.

Có lẽ, đã đến lúc các ngành chức năng nên nhìn nhận đúng vai trò của thư viện để có sự quan tâm, đầu tư thích đáng và tăng cường các hoạt động tuyên truyền nhằm thu hút bạn đọc để khôi phục nét văn hóa đọc đối với người dân.  


TRỊNH PHƯƠNG
 


.