Chuyện ở Đoàn ca múa nhạc Dân tộc Quảng Ngãi: Nghe mà xót

05:11, 25/11/2013
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trung tuần tháng 11, tôi có dịp được ngồi trò chuyện cùng anh Châu Bình- Trưởng Đoàn ca múa nhạc Dân tộc Quảng Ngãi. Chén trà nóng ngát hương thơm hoa nhài mà anh cất công pha chế đã làm tôi lâng lâng và vơi đi phần nào cái cảm giác se lạnh của tiết trời cuối thu. Và câu chuyện đời, chuyện nghề ở Đoàn ca múa nhạc Dân tộc Quảng Ngãi được anh bộc bạch, chia sẻ một cách nhiệt thành...

Điểm đóng quân của Đoàn nằm bên con đường của thành phố Quảng Ngãi được làm từ nhiều năm nay mà bao giờ xong thì... chưa biết - đường Nguyễn Đình Chiểu. Anh Bình đón tôi ngay đầu cổng. Sau cái bắt tay thắm thiết, anh quay sang hỏi tôi:  Chú em thấy sao? Tôi cười và chưa kịp trả lời thì anh phân trần:  Nhìn cơ ngơi này, ai cũng nghĩ đây giống nhà kho hơn là chỗ làm việc của đoàn.
 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích (ảnh) cho biết:
UBND tỉnh vừa kiến nghị Bộ VH-TT&DL đầu tư gần 15 tỷ đồng cho Đoàn ca mua nhạc Dân tộc tỉnh để mua sắm trang thiết bị âm thanh, ánh sáng và nhạc cụ biểu diễn ngoài trời, nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hoá, tinh thần ngày càng cao của nhân dân, góp phần thực hiện đạt kết quả Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII).
Thật vậy! Toàn bộ hệ thống cửa sắt của trụ sở đều bị hoen gỉ. Tường mốc meo và bong sơn. Lúc tôi đến cũng là thời điểm anh em diễn viên trong đoàn nghỉ phép năm nên càng thêm hiu quạnh. "Không hư sao được! Xây dựng năm 1992, đến năm 2000 tu bổ nâng cấp lại và tồn tại mãi cho đến ngày hôm nay.
 
Thỉnh thoảng nghĩ cũng buồn lắm chứ! Nhưng rồi, trong điều kiện của một tỉnh còn nghèo như Quảng Ngãi mà có chỗ để anh em chui ra chui vào, thoả chí niềm đam mê nghệ thuật như thế này cũng vui lắm rồi" - anh Bình, nói.

Tôi biết, anh nói thế cũng là để trấn an lòng mình và anh em trong đoàn mà thôi. Bởi lẽ, đâu phải chỉ riêng anh, ai đứng đầu một cơ quan, đơn vị mà không muốn mình có một cơ ngơi khang trang, vì ở đấy là bộ mặt, trong khi ở các tỉnh, thành trong khu vực đều được quan tâm đầu tư xây dựng nhà hát và có cơ chế tài chính hoạt động thông thoáng.

 

Dù vậy, ngọn lửa đam mê nghệ thuật vẫn luôn cháy mãi trong lòng mỗi anh chị em. Trong điều kiện trang thiết bị âm thanh, nhạc cụ vừa hư, vừa lạc hậu, họ vẫn tận dụng sửa chữa, nâng niu như chăm con mọn và động viên nhau tập luyện để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được tỉnh giao hằng năm, đặc biệt là biểu diễn phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa; các sự kiện chính trị, xã hội lớn của tỉnh.

 

Châu Bình và tập thể diễn viên phụ họa thể hiện ca khúc
Châu Bình và tập thể diễn viên phụ họa thể hiện ca khúc "Chân Sóng".


Đoàn cũng gặt hái được nhiều thành công tại các hội thi toàn quốc, như huy chương vàng đơn ca - tập thể diễn viên phụ hoạ với tác phẩm "Chân Sóng" do Châu Bình thể hiện; 2 huy chương bạc của tác phẩm múa "Châu Sa linh thiêng huyền thoại", do Trọng Tuấn biên đạo và thanh nhạc ca khúc "Ngọn lửa vĩnh cửu" do SiAlơ trình bày... Anh Châu Bình, tâm sự: Làm cái gì mà có đủ sức thì luôn dễ và bền. Còn ngược lại, nếu gắng sức thì rất dễ gãy gánh giữa đường. Đoàn ca múa nhạc Dân tộc tỉnh cũng đang trong hoàn cảnh quá sức ấy.

Thực tế đó không lấy gì làm vui được, bởi theo anh Châu Bình, Quảng Ngãi không thiếu nhân tài, nhưng chúng ta chưa có cơ chế trọng dụng, tạo điều kiện để họ cống hiến mà thôi. Vì lẽ đó, bao năm nay đoàn luôn trong tình cảnh "tre già nhưng măng chưa mọc". Trong số 22 biên chế thì bộ phận hành chính và quản lý chiếm phân nửa. Số còn lại anh em làm chuyên môn nhưng bình quân tuổi đời đều trên 40. Trong khi đó, thị hiếu và nhu cầu hưởng thụ của đại đa số người yêu nghệ thuật bây giờ luôn mong muốn diễn viên trẻ, đẹp. Mỗi lần chuẩn bị biểu diễn cho một sự kiện lớn nào đó của tỉnh, anh chị em trong đoàn đều chung tâm trạng là ăn ngủ không yên, vì phải lo chạy tìm diễn viên và thuê trang thiết bị âm thanh, ánh sáng. "Sở VH-TT&DL cho cơ chế hợp đồng 10 diễn viên, nhưng bấy nhiêu đó cũng không đủ, vì một chương trình biểu diễn quy mô trung bình cần  đến 50 - 60 diễn viên; còn quy mô lớn thì từ 120- 200 diễn viên" - anh Châu Bình cho biết.

Không chỉ có vậy, chiếc xe chở đoàn và thiết bị đi biểu diễn nay đã quá hạn lưu hành, vừa chạy vừa đẩy, chỉ đi trong mùa nắng, còn mùa mưa thì anh em diễn viên phải mang áo mưa dù đang ngồi trên xe. Chế độ thù lao tập luyện, biểu diễn của anh chị em thì trong tình cảnh đếm từng đồng. Một ngày tập luyện có mức thù lao từ 20- 15- 10 ngàn đồng và biểu diễn có mức 50- 40- 20 ngàn đồng tuỳ theo vị trí. Hằng năm, Sở giao cho đoàn tổ chức 60 buổi biểu diễn, trong đó phục vụ miền núi 30 buổi; còn lại phục vụ ở đồng bằng và các sự kiện của tỉnh. Trung bình mỗi buổi biểu diễn phải chi phí khoảng 15 triệu đồng, nhưng kinh phí ngân sách cấp chỉ đảm bảo khoảng 50%. Vì thế, buộc đoàn "phải đi chạy sô" mới có khoản để chi cho phần còn lại. "Có lẽ vì vậy mà có người còn ví von, đây là đoàn ca múa thuê" - anh Châu Bình chia sẻ trong nỗi buồn xé lòng.

Nghệ sĩ ưu tú Thi Lộc - một trong những nghệ sĩ gạo cội của đoàn nay đã nghỉ hưu chia sẻ: Đã đến lúc cần phải vực dậy Đoàn ca múa nhạc Dân tộc tỉnh, vì đoàn đâu chỉ có biểu diễn trong tỉnh mà còn phải tham gia các hội thi, hội diễn trong toàn quốc. Mà một khi mang chuông đi đánh xứ người thì đó là bộ mặt danh dự, uy tín của một tỉnh chứ không còn là của đoàn. Lời tâm sự đầy trách nhiệm đó rất đáng để lãnh đạo tỉnh suy ngẫm.


Bài, ảnh: Phú Đức
 


.