Số phận "bộ ba" phim kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long ra sao?

10:08, 10/08/2013
.

Bộ phim truyền hình 30 tập được làm bằng khoản kinh phí khổng lồ 57 tỷ đồng vẫn đang trên con đường tìm cơ hội đến với khán giả.

Mới đây, UBND TP Hà Nội đã tuyên bố sẽ tặng bộ phim truyền hình 30 tập Thái sư Trần Thủ Độ cho Đài Truyền hình Việt Nam và không đòi hỏi bất kỳ khoản kinh phí nào về bản quyền. Như vậy sau 3 năm, bộ phim truyền hình 30 tập được làm bằng khoản kinh phí khổng lồ 57 tỷ đồng vẫn đang trên con đường tìm cơ hội đến với khán giả.

Bộ phim nói trên là 1 trong 3 "siêu phẩm" sản xuất nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long. Nói siêu phẩm vì kinh phí đầu tư toàn cỡ 50 tỷ đến 100 tỷ. Ba bộ phim được sinh ra với sứ mệnh đặc biệt, kỉ niệm thời khắc trọng đại của dân tộc, nhưng không phim nào kịp tiến độ. Mãi đến tháng 4/2011Huyền sử thiên đô mới lên sóng, còn đến bây giờ khán giả cũng chưa biết biết mặt mũi 2 siêu phẩm còn lại ra làm sao. Số phận của 3 bộ phim này cho tới nay vẫn còn dang dở.

1. Thái sư Trần Thủ Độ là dự án UBND TP Hà Nội đặt Hãng phim Truyện I làm nhân dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long với kinh phí đầu tư hơn 57 tỷ đồng cho 30 tập phim. Nhưng phim không công chiếu trong dịp Đại lễ vì một lý do nhạy cảm - trong lịch sử Trần Thủ Độ là người tiêu diệt nhà Lý.

 

Phim Thái sư Trần Thủ Độ
Phim Thái sư Trần Thủ Độ



Phim này đã từng dự thi giải Cánh diều 2011, nhưng bị loại ra vì chưa được hội đồng nào duyệt. Sau đó phim đã được hội đồng duyệt phim của Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thông qua. Đủ giấy phép thông hành, phim tiến thẳng vào Cánh diều 2012 và đã đoạt 3 giải: Cánh diều vàng cho Phim truyền hình xuất sắc nhất, Biên kịch phim truyền hình xuất sắc nhất và Đạo diễn phim truyền hình xuất sắc nhất.

Được giải ở Cánh diều coi như đã được thêm một vòng kiểm định, nhưng con đường đến với khán giả vẫn còn rất gian nan. Mới đây UBND TP Hà Nội đã tuyên bố tặng bộ phim Thái sư Trần Thủ Độcho Đài Truyền hình Việt Nam mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Điều đó đồng nghĩa đài chiếu, đài thu quảng cáo. Còn nhà sản xuất là thành phố Hà Nội sẽ không thu được đồng nào để bù lại chi phí sản xuất.

2. Huyền sử thiên đô làm sau Thái sư Trần Thủ Độ nhưng lại tìm được cơ hội ra mắt khán giả trước. Huyền sử thiên đô đã rất may mắn xin tận dụng được bối cảnh và phục trang của Thái sư Trần Thủ Độ, tiếc là bộ phim đã không thể ra đúng dịp 1.000 năm Thăng Long nên mất nhiều cơ hội kêu gọi tài trợ.

Khi phát sóng 20 tập đầu tiên phim nhận được phản hồi tốt từ khán giả. Sau một thời gian gián đoạn 22 tập tiếp theo cũng được chiếu tiếp. Nhưng hiệu quả quảng cáo trên đài qua thấp, yêu cầu mỗi tập phải thu được 1 tỷ 300 triệu đồng tiền quảng cáo đã không đạt được. Nhà sản xuất là Công ty Sao Thế giới đã bỏ ra 60 tỷ cho 42 tập đầu nhưng bị lỗ nặng, vì thế mấy chục tập phim còn lại vẫn bị treo đến bây giờ.

Hỏi đơn vị làm bộ phim này là Hãng phim Truyện I, Giám đốc hãng là đạo diễn Đặng Tất Bình cho biết: "Tình hình vẫn thế, kinh tế khó khăn, bên nhà sản xuất chưa kêu gọi được tiền. Kịch bản văn học bây giờ vẫn còn tới 40 tập đấy. Hi vọng 1 - 2 năm nữa có người đầu tư thì làm tiếp".

3. Còn đường tới với khán giả của bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long (kinh phí đầu tư 100 tỷ!) coi như đã bị "đứt" từ giữa năm 2011 khi Đài Truyền hình Việt Nam quyết định không chiếu bộ phim này. Nhưng các khâu quan trọng như biên kịch, đạo diễn, quay phim, phục trang, bối cảnh... đều do người Trung Quốc đảm nhiệm, nên sản phẩm chẳng khác gì phim lịch sử Trung Quốc.

Đây là một bộ phim mà Hội đồng Duyệt phim Quốc gia đánh giá là không thể sửa. Dư luận thì bức xúc vì sao một bộ phim lịch sử Việt Nam lại có thể được thực hiện một cách dễ dãi như vậy. Không một đài địa phương nào muốn nhận bộ phim này về chiếu.

4. Ở Việt Nam, việc làm phim nhân kỉ niệm một ngày lễ lớn nào đó từ lâu đã trở thành truyền thống. Dòng phim này vẫn được người trong nghề gọi là phim "cúng cụ". Dù làm phim làm chỉ để kỉ niệm nhưng đây cũng là cơ hội để người làm nghề thử sức với các đề tài lớn của dân tộc. Một đạo diễn gạo cội cho biết khi làm dòng phim này ông luôn tâm niệm: Dù làm phim “cúng cụ” thì cũng phải làm tử tế để cho con cháu sau này còn "ăn" được.

Dịp Đại lễ đáng lẽ phải là cơ hội để cùng chung sức, chung tay làm những sản phẩm xứng tầm. Làm xong phải có kế hoạch để đưa sản phẩm văn hóa nghệ thuật đến với công chúng. Nhưng kết cục phim được đánh giá là tốt thì không có tiền để làm tiếp. Một bộ phim vẫn chưa tìm được đầu ra, dù Đại lễ đã qua 3 năm. Một bộ phim chất lượng tồi, mà giờ mỗi khi nhắc đến nhiều người lại thấy ái ngại với tiền nhân./.



Theo Linh Lan/Thể thao & Văn hóa


.