Bất cập trong xây dựng, vận hành thiết chế văn hóa cơ sở

08:08, 12/08/2013
.

(QNg)- Hệ thống Nhà văn hóa cơ sở là địa điểm sinh hoạt văn hóa tinh thần, học tập cộng đồng không thể thiếu của nhân dân một khi đời sống kinh tế được nâng lên. Thế nhưng trên thực tế, hệ thống này không chỉ quá ít so với quy hoạch, mà còn vận hành không đạt hiệu quả.

TIN LIÊN QUAN

Thiếu và chưa đồng đều

Ngay tại thành phố Quảng Ngãi, hiện mới có 3 nhà văn hóa phường, 1 trung tâm thể thao phường; 54 điểm sinh hoạt cho 66/166 thôn, tổ dân phố văn hóa. Còn huyện Trà Bồng có 4/10 nhà văn hóa xã, 18/44 nhà sinh hoạt cộng đồng thôn, 1 sân vận động trung tâm cụm xã. Huyện Tư Nghĩa có 70/103 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt văn hóa…Theo thống kê của Sở VH-TT&DL tỉnh, hiện có đến 7/14 huyện, thành phố chưa xây dựng được thiết chế văn hoá, thể thao; 161/184 xã chưa có Nhà văn hoá và 570/1.063 thôn chưa có Nhà văn hoá – Khu thể thao thôn.

 

Các điểm sinh hoạt văn hóa ở các thôn, tổ dân phố trong tỉnh hiện còn thiếu và chưa đồng bộ.
Các điểm sinh hoạt văn hóa ở các thôn, tổ dân phố trong tỉnh hiện còn thiếu và chưa đồng bộ.


Ông Nguyễn Thanh Tùng - Trưởng Phòng VH-TT huyện Trà Bồng cho biết: Việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở huyện Trà Bồng tuy được chú trọng nhưng việc quản lý, khai thác và sử dụng các thiết chế văn hóa còn nhiều hạn chế. Do không có người quản lý, sinh hoạt nên một số nhà văn hóa ở thôn Tang (Trà Bùi), thôn Ba (Trà Giang) gần như bỏ không. Điều đáng nói là, đa số các nhà văn hóa chưa xây dựng được quy chế hoạt động chung. Do đó mỗi nơi một cách quản lý khác nhau, có nơi giao cho trưởng thôn giữ chìa khóa, khi nào có hoạt động thì mở cửa; có nơi thì giao thêm cho một số người trong chi hội đoàn thể để tổ chức hội, họp…

Trong thời gian qua, việc xây dựng và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hoá ở các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh quan tâm đầu tư, nhất là ở vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, trước nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, việc xây dựng và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa ở cơ sở hiện nay đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Đó là, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa thực sự đáp ứng cả về quy mô, nội dung, hình thức hoạt động và mục tiêu. Đội ngũ nhân lực vận hành thiết chế ở cơ sở hầu như không có (khoảng 20% CB,VC có trình độ đại học làm việc ở cấp huyện). Chính vì vậy, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở hầu như mới chỉ thực hiện được nhiệm vụ là điểm sinh hoạt chính trị, chưa thường xuyên tổ chức được các hoạt động văn hóa sôi nổi, hấp dẫn nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân đúng như mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra.

Xây dựng phải gắn với phát huy hiệu quả

Hiện nay, UBND tỉnh đang xây dựng Đề án “Quy hoạch hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020” với mục tiêu tổng quát là từng bước xây dựng và phát triển đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền trong tỉnh. Qua đó tạo sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và văn hóa, thể thao. Thông qua việc tổ chức các hoạt động sẽ góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa ở cơ sở. Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao, tạo điều kiện để nhân dân tham gia gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Trong thời gian đến, tỉnh cần tiếp tục đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá và đẩy nhanh việc xã hội hóa trong lĩnh vực này. Xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở cần phải đặc biệt chú ý đến hiệu quả sử dụng. Trong thực tế đã xảy ra hiện tượng nhà văn hóa xây dựng hoành tráng, nhưng hiệu quả sử dụng thấp.
 

Bài, ảnh: Thanh Thuận

 


.